Bị tâm thần vì bạo hành gia đình

,
Chia sẻ

Cách đây hai tháng, bệnh nhân Nguyễn Thị T. (SN 1948) ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã bị chồng trói ngược khuỷu tay mang đến bệnh viện Tâm thần TW.

Sau một thời gian chữa trị, các bác sĩ tại đây mới biết chị T. phát bệnh do bị chồng bạo hành. Chê vợ già, chồng chị T. thường xuyên đánh chửi chị. Khi có bồ nhí, người chồng lại ngang nhiên đưa về nhà quan hệ, sau đó doạ dẫm, xua đuổi vợ. Chị T. phát bệnh, đi lang thang, khi về nhìn con, lại bị chồng xua đuổi.

Giọt nước tràn ly

Trong số 259 trường hợp bệnh nhân nữ đến khám và điều trị (sáu tháng đầu năm 2008) tại bệnh viện Tâm thần Trung ương, hơn một nửa là những “sợi dây” bị đứt khi quan hệ gia đình quá căng thẳng xuất phát từ nạn bạo hành. Con số này đã gia tăng hơn hai mươi trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn các bệnh nhân nữ vào bệnh viện tâm thần sau khi bị bạo hành thường được người nhà giấu kín nguyên nhân phát bệnh. Trong quá trình điều trị, nhờ các liệu pháp tâm lý, dần dần, bệnh nhân mới bộc bạch hoàn cảnh của mình.

Cảnh báo gần đây của tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, xấp xỉ 40% phụ nữ có vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Việt, trưởng khoa 2, bệnh viện Tâm thần Trung ương nói: “Không chỉ là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao (phát bệnh do nội sinh), phụ nữ còn chịu chi phối rất nhiều bởi các yếu tố ngoại cảnh, khiến bệnh tâm thần càng dễ bùng phát. Đơn cử, người vợ liên tục bị chồng hành hạ, đánh đập, hất hủi mà không có lối thoát, cũng rất dễ phải vào bệnh viện tâm thần do thần kinh rối loạn… Những tác động ngoại cảnh này, các chuyên gia sức khoẻ tâm thần gọi là “yếu tố giọt nước tràn ly”.

Cần sớm được điều trị

Các chuyên gia y tế cho rằng, việc điều trị bệnh nhân tâm thần cũng giống như các loại bệnh lý khác. Mới đầu, khi rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh khiến mất ngủ kéo dài, chán ăn, trí nhớ giảm sút… phải cần đến các bác sĩ tâm lý để tư vấn, giải quyết các mâu thuẫn vướng mắc. Nhưng khi đã phát bệnh, cần được điều trị kịp thời; tránh dùng các “liệu pháp” mê tín dị đoan như cúng bái, đuổi tà ma để chữa bệnh, vì như vậy, bệnh sẽ nặng hơn. Việc chữa trị sớm cho các bệnh nhân nữ rất quan trọng, bởi lẽ, khi một người mẹ mắc tâm thần thường ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con cái.

Các bác sĩ tại bệnh viện Tâm thần Trung ương cho rằng, các liệu pháp điều trị ngày nay đều có thể đưa người bệnh về trạng thái tinh thần ổn định. Trong quá trình điều trị, liệu pháp tâm lý được coi là rất quan trọng để chữa trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, liệu pháp này phải có sự hợp tác chặt chẽ từ phía gia đình. Người bệnh sẽ mau chóng phục hồi khi các mâu thuẫn tâm lý mà xuất phát là từ các quan hệ trong gia đình cần sớm được giải quyết.

“Có một môi trường sống đảm bảo, gia đình thuận hoà, thì sẽ giảm đi các nguy cơ mắc bệnh tâm thần”, bác sĩ Mộng Việt đúc kết. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra hiện nay là, việc tái hoà nhập của bệnh nhân tâm thần sau khi điều trị được trở về với cộng đồng thường rất khó khăn. Nhiều bệnh nhân tâm thần đã hoàn toàn khỏi bệnh, nhưng khi về gia đình, có gia đình nhà chồng coi con dâu như là người điên, và họ lảng tránh; còn người chồng thì chán vợ, hắt hủi. Chính những yếu tố ngoại cảnh này, lại khiến họ dễ tái phát bệnh.

 
Theo  SGTT/TTOL
Chia sẻ