Bị nấm da vì gội đầu ở tiệm

,
Chia sẻ

Gội đầu không gây ra bệnh mà giúp làm sạch da đầu, giúp thư giãn nhưng hiểm họa bệnh nấm da vẫn đến do việc dùng chung khăn tắm và sử dụng dầu gội đầu kém chất lượng...

Phụ nữ

Một số phụ nữ đi gội đầu ở tiệm về bỗng dưng cảm thấy da đầu bị ngứa và xuất hiện gàu. Bác sĩ Đặng Hoàng Anh - nguyên Trưởng phòng khám bệnh, BV Da liễu TP.HCM, giải thích những trường hợp bị triệu chứng trên là do da đầu bị nhạy cảm với dầu gội, chứ không phải do tay nhân viên gội kém vệ sinh, ngưng loại dầu gội đang sử dụng bệnh sẽ hết.

Gàu là một tình trạng da đầu bị tróc vảy trắng nhiều. Mặc dầu ở người bị gàu, người ta thấy da đầu của họ có hiện diện nhiều nấm Pityrosporum ovale, nhưng loại nấm này không phải là nguyên nhân duy nhất mà còn do nhiều nguyên nhân khác như: stress, nội tiết, có vấn đề về miễn nhiễm, nhạy cảm với các mỹ phẩm tiếp xúc với da đầu (dầu gội, keo xịt tóc, gel mướt tóc, dầu bóng tóc…).

Do đó mới có chuyện, dù vẫn dùng một loại dầu gội trước giờ vẫn dùng mà không xảy ra viêm nhiễm hay dị ứng, nhưng nhằm lúc bị stress hoặc có dùng thêm keo xịt tóc, dầu bóng tóc… da xuất hiện gàu. Cho nên, cách tốt nhất để phòng tránh gàu là nên gội đầu thường xuyên khi da đầu quá nhờn, sử dụng dầu gội đầu thích hợp và tránh stress.

Trẻ em

Nấm da đầu thường thấy ở trẻ con, rất dễ lây. Trên thực tế, nhiều trẻ ở trường hay ở nhà bị nấm da đầu cùng một lúc, do tiếp xúc trực tiếp với nhau hoặc dùng chung nón, lược... Bên cạnh đó, trẻ có thể bị lây từ các thú vật nuôi trong nhà như bò, chó, mèo, loại chuột dùng thí nghiệm… Đặc biệt, những trẻ có điều kiện vệ sinh kém hoặc bị suy dinh dưỡng dễ bị lây bệnh hơn.

Ở trẻ em, bệnh nấm da đầu có biểu hiện một hoặc vài mảng tóc bị đứt gần chân tóc. Vùng da nơi tóc đứt, rụng thường bị đỏ, tróc vảy trắng hoặc có thể có nhiều mụn mủ. Theo bác sĩ Hoàng Anh, điều trị nấm da đầu ở trẻ em có thể dùng thuốc kháng nấm dạng uống như Griseofulvin hoặc Kétoconazole, thuốc kháng nấm dạng kem bôi như các dẫn xuất của Imidazole và dầu gội đầu có chứa chất Kétoconazole hoặc chất Selenium sulfide. Tùy tình trạng nhiều ít để điều trị từ 6 đến 8 tuần là khỏi.

Để tránh tái phát và hạn chế lây lan cho các trẻ khác, phụ huynh cần giặt thường xuyên khăn, nón, lược, gối của trẻ. Tránh tắm ở hồ bơi, hạn chế tiếp xúc với vật nuôi và không để trẻ bị suy dinh dưỡng. Mặt khác, phụ huynh nên xin phép thầy cô giáo cho trẻ nghỉ học đến khi bác sĩ cho phép đi học lại.

Theo Mỹ Lam

Thanh niên

Chia sẻ