Bi kịch sống thử của nữ công nhân

,
Chia sẻ

"Khi em báo tin: "Mình có em bé anh ơi!", vậy là thằng khốn nạn bỏ của chạy lấy người. Tình công nhân là vậy đó!".

Loan, công nhân ngành thủy sản ở quận Tân Phú (TP HCM) nói trong nỗi ân hận chưa nguôi…

Bỏ lại sau lưng cây đa, giếng nước, mái đình và cha mẹ già nơi quê nhà, bao chàng trai, cô gái hăm hở tiến về Sài Gòn với hoài bão thoát khỏi số kiếp "một nắng hai sương". Sống chung với tăng ca, lương thấp, vật giá tăng cao… làm việc quần quật nhưng đồng lương nhận được quá bèo đã đưa nhiều nam nữ công nhân đến với nhau sống thử. Từ đây đã xuất hiện không ít những bi kịch

Đời công nhân nghèo vật chất lẫn tinh thần. Bình quân lương của một công nhân khoảng 1.500.000đ/tháng. Ngần ấy tiền phải chi cho tiền nhà, tiền ăn, tiền đau bệnh, giao tiếp đã là bài toán nan giải, nói chi chuyện giúp đỡ cho gia đình và tích lũy cho ngày mai.
 

Cuộc sống khó khăn tại một khu nhà trọ của công nhân

Bình, công nhân may hiện ngụ tại một phòng trọ trên đường Tân Kỳ, Tân Quý (quận Bình Tân), bộc bạch: "Cà phê, sách báo, phim ảnh… là những thứ quá xa xỉ. Để tìm vui và chia sẻ gánh nặng áo cơm, tụi em chỉ có một con đường: xáp lá cà với nhau - nghĩa là sống thử!".

Gia đình hai bên không biết gì nhau, áo cưới chưa mặc một lần, không có nhẫn đính hôn, chỉ có đôi ba lần hò hẹn vội vã và rồi "hai đứa tự nguyện sống với nhau như vợ chồng". Như hàng ngàn đôi vợ chồng công nhân hờ ở thành phố phồn hoa nhất xứ phương Nam, nghe và chứng kiến đời sống vợ chồng đầy nỗi niềm vì gánh nặng cơm gạo, áo tiền giữa Bình và một nữ công nhân tên Hương mà rơi nước mắt.

Chia lửa với nhau được hơn 1 năm, Hương hiện đang mang thai ở tháng thứ 6. "Hai vợ chồng" tổng thu mỗi tháng chưa đầy 3 triệu đồng. Để sống được và lo cho những tháng ngày sinh nở sắp tới, cả hai phải chi tiêu dè xẻn đến cực độ. Hương quệt mồ hôi trên gò má cao, sạm đen, thở dài: "Nay mai sinh con nhỏ, không biết phải sống sao đây?".

Theo kết quả điều tra của nhiều tổ chức xã hội, tỷ lệ nam nữ công nhân tìm được tình yêu đích thực dẫn đến hôn nhân chiếm rất ít. Các mối tình công nhân phần lớn bắt nguồn từ việc xa nhà, thiếu thốn tình cảm, thiếu điều kiện vui chơi, giải trí nên họ cặp bồ để nương tựa lẫn nhau.

Tình trạng quen nhanh, yêu vội trong giới công nhân hiện đang là vấn nạn! Trong cuộc chơi sống thử, thường người chịu thiệt là những nữ công nhân. Vì sống không hôn thú nên khi đối mặt với những cực khổ, nhọc nhằn, mấy anh chồng hờ xa bay, để lại người vợ không có giá trị về mặt pháp lý ngày một tàn tạ, héo hon khi phải vừa làm việc vừa nuôi con nhỏ.

Loan, 23 tuổi, công nhân ngành thủy sản ở quận Tân Phú, nói như khóc: "Quen nhanh - yêu vội, tình cảm không sâu đậm nên góp gạo thổi cơm chung được một thời gian là những mối tình công nhân kiểu "một giải sầu, hai nương tựa" phần lớn đều tan vỡ". Loan nói trong nỗi hận chưa nguôi: "Khi em báo tin: "Mình có em bé anh ơi!", vậy là thằng khốn nạn bỏ của chạy lấy người. Em ráng gồng gánh nuôi con được 2 tuổi thì gửi về cho mẹ ở quê nhà trông nom. Tình công nhân là vậy đó!".

Hỏi về chuyện biết khổ sao lại để mang thai với không ít nữ công nhân, chúng tôi nhận được những tâm tình nghe mà muốn trào nước mắt: "Có biết gì đâu! Tiền không đủ ăn, có đâu mà mua bao cao su, thuốc ngừa thai… Tụi em chỉ biết tránh bằng cách canh ngày cho đỡ tốn kém!". Vì tránh thai không khoa học nên tỉ lệ nữ công nhân lỡ ôm "balô" phía trước ngày càng nhiều.

Để giải quyết hậu quả, nếu thai nhi còn non, họ tìm đến các trung tâm phụ sản để điều hòa, bằng không thì chờ đến ngày vượt cạn. Như Loan còn đủ bản lĩnh để đối mặt với điều tiếng không chồng mà có con, không ít trường hợp nữ công nhân vì không vượt qua những áp lực bia miệng và những gian khó, khổ cực đã chọn giải pháp hoặc phá thai, hoặc sinh con xong đem cho. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều đứa trẻ vừa lọt lòng đã chịu cảnh mồ côi dù rằng mẹ cha nó vẫn còn sống.

Bà Trần Thị Cẩm Giang (thường gọi má Mười) - người khai sinh mái ấm Thiện Duyên (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi) cưu mang hơn 100 trẻ sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi, thở dài: "Số trẻ sơ sinh vô thừa nhận bị vất bỏ tại các khu công nghiệp, các mái ấm, nhà chùa ngày càng nhiều. Hầu như tháng nào Thiện Duyên cũng phát hiện có trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trước cổng mà cha mẹ của các cháu không ai khác là những nam nữ công nhân đang sống và làm việc quanh khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi".

Để hạn chế tình trạng nam nữ công nhân sống thử, quan hệ buông thả, nữ công nhân bỏ việc hoạt động mại dâm rồi dẫn đến mang thai, phá thai, bỏ con… việc điều chỉnh lương để công nhân có sức tái lao động sản xuất, xứng đáng với hao phí sức lao động họ bỏ ra là điều cần tiếp tục thực hiện. Nhưng giải pháp tăng lương chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ.

Trong quá trình thực tế và tiếp xúc với nhiều công nhân, thật nhói lòng khi nghe họ tâm sự: “Muốn coi báo để giải trí lắm nhưng tiền đâu mua? Các đội chiếu phim lưu động, ca nhạc quần chúng chỉ phục vụ vùng sâu, vùng xa chứ có phục vụ công nhân bao giờ? Nếu có thì cũng năm thì mười họa!". Tuấn, một công nhân ngành in đùa mà thật: "Nếu có thể, hãy cho chúng tôi tiếp xúc miễn phí với sách báo, bao cao su, thuốc ngừa thai… Chứ bỏ tiền mua thì khó khăn quá…".

Đây là những nguyện vọng rất chính đáng. Chúng ta có chính sách tặng báo cho nông dân, bao cao su cho gái mại dâm; phục vụ chiếu phim, trình diễn ca nhạc quần chúng cho quần chúng… vậy cớ sao lại để công nhân, những người thợ tạo ra nguồn kim ngạch lớn cho đất nước đứng ngoài cuộc!

Theo CAND Online

Chia sẻ