Bi kịch những số phận tìm tới thuốc diệt cỏ để tự tử

Việt Hà,
Chia sẻ

Dễ mua, dễ... uống, cần là có nên nhiều người chỉ vì một vài lý do như bực tức, cáu giận, ghen tuông đã không ngần ngại mua thuốc diệt cỏ có tên paraquat để uống dẫn tới những cái chết thương tâm.

Uống thuốc diệt cỏ vì thất tình, chán đời, hờn dỗi gia đình… 

Đầu năm 2014, câu chuyện tự tử của chị Lý Thị Dần (30 tuổi, ngụ tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) khiến bao người vừa thương vừa trách móc. Chỉ vì chán nản chuyện gia đình, chán nản người chồng tệ bạc, người mẹ trẻ này đã đang tâm ép hai con nhỏ tên là là Triệu Thị Thanh Nhung (5 tuổi) và Triệu Văn Sỹ (3 tuổi)  uống thuốc diệt cỏ để cùng chết với mẹ. 

Sau 2 ngụm cho con, 3 ngụm cho mẹ, 3 mẹ con nhập viện trong tình trạng nhiễm độc nặng thuốc diệt cỏ. Nhờ phác đồ điều trị hợp lý, theo dõi, lọc máu liên tục, ức chế miễn dịch cho các nạn nhân, các bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk đã cứu sống được nạn nhân trong gang tấc. 

Bi kịch những số phận tìm tới thuốc diệt cỏ để tự tử 1
Chỉ vì giận người chồng tệ bạc, chị Lý quyết định cho hai con nhỏ uống thuốc diệt cỏ để cùng chết với mình (Ảnh minh họa)

Nạn nhân ngộ độc hoặc uống thuốc diệt cỏ Paraquat với mục đích tự tử ngày càng nhiều trong xã hội hiện nay, 95% trong số đó tử vong. Dù đã bị cấm sử dụng tại nhiều quốc gia nhưng ở Việt Nam, loại thuốc diệt cỏ cực độc này vẫn được bán công khai và không khó để mua. 

Theo thống kê, nhóm đối tượng uống thuốc diệt cỏ paraquat tự tử thường xuất hiện ở lứa tuổi 20-30. Có vô vàn lý do khiến họ tìm đến Paraquat để tự kết liễu đời mình nhưng chủ yếu là vì thất tình, chán chồng, vỡ nợ, cờ bạc, thậm chí là… dọa bố mẹ.

Bi kịch những số phận tìm tới thuốc diệt cỏ để tự tử 2
Có rất nhiều lý do khiến người ta tìm tới thuốc diệt cỏ để tự tử  (Ảnh minh họa)

Gần đây, ngày 6/5 vừa qua, vụ tự tử của ông Nguyễn Văn Niên, sinh năm 1964, ngụ tại ấp Nhật Tân (huyện Tân Trụ - Long An) khiến dư luận xôn xao. Chuyện là, sau khi nhậu với bạn bè, ông về nhà nổi hứng đòi vợ... quan hệ.

Sau khi bị vợ từ chối thẳng thừng, lại có hơi men trong người, ông Niên lấy dao cắt mạch hai bên tay rồi uống hết nửa chai thuốc diệt cỏ trong bếp.

Chỉ sau 1 lúc, người nhà phát hiện ra ông nằm vật vạ và đưa ông vào viện trong tình trạng ngộ độc cao, dù được cấp cứu nhưng ông không qua khỏi. 

Thuốc độc dễ mua: uống vào là chết!

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Duệ – Giám đốc Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai cho biết khi bị ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat thì cơ hội sống của bệnh nhân còn lại rất thấp vì độc lực của thuốc diệt cỏ vô cùng cao.

Thống kê của Trung tâm Chống độc cho thấy, phần lớn bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat là do họ tìm tới thuốc này với mục đích để tự tử. 

Anh T.T.C (Việt Trì) cũng có sự lựa chọn này, anh cho rằng đây là cách ra đi nhẹ nhàng, thanh thản nhất. Hiện anh vẫn đang được cấp cứu, nhưng tình trạng của anh vẫn khá nguy hiểm. 

Theo các bác sĩ, những người tìm đến cái chết bằng thuốc diệt cỏ không hiếm, không những thế, trẻ em cũng là nạn nhân do uống nhầm. 

Bác sĩ Phạm Duệ cho biết, thuốc diệt cỏ có khả năng gây tử vong lên tới 90%, việc điều trị ngộ độc vô cùng tốn kém mà khả năng chữa được lành lặn lại không cao. Nếu nặng thì người uống sẽ tử vong ngay hoặc sau 1-2 ngày. Còn nhẹ hơn thì sau 1 tuần, người uống sẽ gặp hội chứng xơ phổi - phổi không tiếp nhận oxy dẫn tới tử vong.

Bi kịch những số phận tìm tới thuốc diệt cỏ để tự tử 3
Chất độc này rất dễ tìm mua (Ảnh minh họa)

Một khi xâm nhập vào hệ thống tiêu hóa, chất độc này được hấp thu rất nhanh vào máu. Phổi là cơ quan tổn thương nặng nề  nhất do paraquat tích lũy tại đây và phá hủy cấu trúc tế bào. Tình trạng ngộ độc ban đầu của bệnh nhân có thể biểu hiện ra ngoài không đáng lo, không quá nặng nhưng nhưng tình trạng tổn thương phổi bên trong vẫn tiếp diễn ở những ngày sau dẫn đến xơ phổi, suy hô hấp.

Ngoài phổi, thận, gan cũng chịu tổn thương nặng nề. Sự nhiễm độc đó sẽ khiến bệnh nhân có biểu hiện vàng da, gan to, tăng men gan, nhịp tim bị loạn có khả năng dẫn tới hoại tử cơ tim, trụy mạch, tụt huyết áp, tổn thương hệ thống thần kinh trung ương...

Việt Nam từng cấm lưu hành nhiều loại chất độc như hóa chất diệt chuột của Trung Quốc, còn thuốc diệt cỏ này hiện vẫn được bày bán tràn lan và rất dễ mua. 

Tại Việt Nam, paraquat được sử dụng chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một vài địa phương ở miền Bắc. Hiện chưa có một số liệu cụ thể về tình trạng sử dụng và ngộ độc do thuốc diệt cỏ paraquat gây nên.

Tuy nhiên, cách đây vài năm, tình hình ngộ độc Paraquat đã được thống kê tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Trong 42 ca được gửi đến viện Chợ Rẫy thì 95 % là do tự tử, trong đó 85% tử vong, không cứu được. Đứng đầu danh sách là tại khu vực Đồng Nai với 27 trường hợp, tiếp đó là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Tiền Giang, Lâm Đồng. 

Việc dễ mua, dễ tìm là một điểm đáng ngại nhất là trong nhận thức của người dân ở vùng sâu vùng xa, nhận thức chưa cao. Để giảm tỉ lệ ngộ độc do thuốc diệt cỏ đem lại, nhà nước cần mở các lớp kỹ năng chẩn đoán, sơ cứu ban đầu trong việc điều trị ngộ độc thuốc diệt cỏ. 
Chia sẻ