Bé trai bị dị dạng mạch máu, không thể khép kín miệng được bác sĩ "giải cứu"

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Kỹ thuật này là cứu cánh cho người mắc hội chứng sợ lồng kín, người không thể nằm yên, đặc biệt là trẻ sơ sinh không thể chụp MRI.

Ngày 16/4, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) cho biết, vừa qua nơi đây tiếp nhận trường hợp bé L..N.H. (1 tuổi) nhập viện trong tình trạng dị dạng mạch máu môi dưới, miệng không khép kín, ăn uống khó khăn, chảy nhiều nước bọt.

Sau khi thăm khám, bác sĩ khoa Lồng ngực mạch máu quyết định cho bé chụp MRI để xác định tình trạng dị dạng mạch máu để tìm cách điều trị phù hợp. Tuy nhiên vì bé còn nhỏ, không thể nằm yên trong suốt quá trình chụp nên việc chụp MRI theo cách thông thường là bất khả thi.

Các bác sĩ buộc phải gây mê cho bé để đảm bảo tiến trình chụp MRI suôn sẻ. Tại phòng chụp MRI, hệ thống gây mê giúp thở và monitor theo dõi mạch, huyết áp, nhịp thở, điện tim và tình trạng oxy máu… của người bệnh khi gây mê được kích hoạt. Nhờ vậy, việc điều trị cho bé diễn ra thuận lợi.

Bé trai bị dị dạng mạch máu, không thể khép kín miệng được bác sĩ giải cứu  - Ảnh 1.

Bệnh nhân bị hội chứng sợ lồng kín rất khó khăn khi chụp MRI.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Hiếu, Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh BV ĐHYD cho biết, chụp cộng hưởng từ (MRI) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cung cấp nhiều thông tin chẩn đoán cho hầu hết các loại bệnh lý, giúp điều trị đạt hiệu quả cao.

MRI ngày càng được ưa chuộng do không nhiễm tia xạ và chất lượng hình ảnh ngày càng cải thiện cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, khi chụp MRI, người bệnh cần phải nằm yên trong lồng chụp trong khoảng thời gian khá dài, có thể từ 20 đến 60 phút.

Bé trai bị dị dạng mạch máu, không thể khép kín miệng được bác sĩ giải cứu  - Ảnh 2.

Hệ thống gây mê giúp thở và Monitor theo dõi mạch, huyết áp, nhịp thở, điện tim và tình trạng oxy máu.

Do đó, những trường hợp người bệnh mắc hội chứng sợ lồng kín, người bệnh không thể nằm yên (đa số bệnh nhi như trường hợp của bé H.) sẽ không thể chụp MRI và cần có sự hỗ trợ của gây mê.

Ngoài ra, những trường hợp bệnh nặng, đang phải sử dụng các phương tiện hồi sức cấp cứu cũng không thể chụp và việc theo dõi người bệnh đang chụp cũng gặp nhiều khó khăn.

Với phòng chụp MRI có hệ thống gây mê giúp thở và Monitor theo dõi mạch, huyết áp, nhịp thở, điện tim và tình trạng oxy máu… của người bệnh, tương thích với môi trường MRI có thể gây mê cho những trường hợp nặng, cần giúp thở.

Đồng thời việc theo dõi người bệnh đang được gây mê trong lồng chụp MRI tốt hơn, bảo đảm sự an toàn cho người bệnh trong quá trình gây mê.  

Bé trai bị dị dạng mạch máu, không thể khép kín miệng được bác sĩ giải cứu  - Ảnh 3.

Hệ thống này giúp kỹ thuật viên theo dõi người bệnh một cách tốt nhất, có những quyết định với mức độ tin cậy cao.

"Trước đây khi chưa có phương tiện đầy đủ, việc chỉ định chụp MRI gây mê thường gặp khó khăn. Nhiều người bệnh không có cơ hội chụp MRI kịp thời dẫn đến việc điều trị khó khăn do thông tin, hình ảnh chưa đủ và chưa chính xác.

Hệ thống gây mê giúp thở và Monitor đã giúp bác sĩ gây mê, kỹ thuật viên theo dõi người bệnh một cách tốt nhất, có những quyết định với mức độ tin cậy cao" – TS.BS. Phan Tôn Ngọc Vũ, Trưởng khoa Gây mê hồi sức của bệnh viện thông tin.   

Chia sẻ