Bắt lỗi hóa trang trong "Khát Vọng Thăng Long"

Bách Đồng,
Chia sẻ

Được ghi nhận với rất nhiều thành công nhưng “Khát Vọng Thăng Long” vẫn làm người xem thất vọng trước một dàn diễn viên “không biết già” theo năm tháng...

Nếu so sánh với những bộ phim cổ trang của Trung Quốc hay Hàn Quốc thì hoá trang của phim Việt quả thực còn mắc nhiều lỗi lớn. Đối với một bộ phim thông thường nói chung, phim cổ trang nói riêng, khâu hoá trang có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Từ những thay đổi rất nhỏ trên đôi mắt, nếp nhăn trên mặt… cũng làm cho nguời xem có cảm tình hơn, đồng thời tạo điểm nhấn biểu lộ tính cách và xúc cảm nhân vật đậm nét. Nhưng trong "Khát Vọng Thăng Long", trừ vai Lí Công Uẩn và Lê Long Đĩnh được chăm chút về dung mạo, nhiều nhân vật gần như đã bị... quên hóa trang, ví dụ điển hình có thể thấy là ở nhân vật Quốc sư Vạn Hạnh.
 
Xuất hiện bốn lần trong phim, từ khi Công Uẩn là một cậu bé cưỡi trâu cho đến  ngày  trưởng thành, rời chốn cửa Phật đến cung vua, thì quốc sư  không già đi chút nào. Bởi cảnh từ cậu bé cưỡi trâu bảo vệ bạn đến chàng trai Công Uẩn liền nhau nên người xem phim có thể dễ dàng nhận ra lỗi hoá trang này. Nhiều người xem đã phải thốt lên: "Tại sao nhà sư chẳng già đi tí nào?", "Sao không cho tóc bạc đi một chút!"...
 
  Thái hậu khi Lê Long Đĩnh còn nhỏ tuổi.
 
 Thái hậu trong Lễ Tịch Điền
...đến Thái Hậu trong cảnh pháp trường (gần cuối phim) vẫn rạng ngời với mái tóc đen.
 
Chưa hết, hoá trang tiếp tục mắc lỗi với vai “Thái Hậu”.  Xuất hiện đầu tiên trong cảnh “ sinh nở”-  mẫu hậu (Ngô Mỹ Uyên vào vai) có mái tóc dài và đen. Vậy mà, đến cảnh vua Lê Đại Hành làm lễ Tịch Điền (lúc này đức vua được hoá trang già đi, và dáng người ốm yếu hơn) chỉ tiếc thay vợ ông – Chi Hậu Diệu Nữ lại vẫn ngời ngời nhan sắc, đặc biệt làm nhiều phụ nữ phải “tò mò” vì bí quyết giữ mái tóc đen nhánh của bà.
 
Xuất hiện lần cuối cùng trong cảnh pháp trường, người hoá trang vẫn quên không cho diễn viên thêm tuổi, để gây ra hậu quả trực giác không tốt và khi đó khán giả đương nhiên sẽ nhận xét: “Mẹ với con  trông như... hai chị em”. Với một người mẹ đã quá khổ tâm vì những hành động của con mình thì nên tập trung hoá trang vào đôi mắt, để người xem có thể cảm nhận được sự suy tư, dằn vặt và trằn trọc vì lo cho biến cố của đất nước. Song điều dễ nhận thấy nhất là lúc này màu son của bà có vẻ nhạt hơn, và phấn trên mặt cũng được đánh với tông màu hơi nhợt chứ không hề có điểm nhấn cho đôi mắt.
 
Đặc biệt  với nhân vật đóng vai người ca nhi (Thu Trang vào vai), một nhân vật không có thân phận nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy truyện phim. Diễn viên Thu Trang với khuôn mặt bầu, có nét mộc mạc, chân quê và đằm thắm đã được chọn cho vai diễn này. Cô diễn rất đạt những cung đoạn của cảm xúc, đủ để người xem cảm nhận được cung bổng và cung trầm trong tâm hồn người con gái Việt. Nhưng nếu hóa trang cho diễn viên cẩn thận hơn thì hình ảnh nhân vật sẽ được coi là hoàn hảo. Xuất hiện đầu tiên trong cảnh với múa ở chợ, khi tất cả đang ngây ngất trước điệu múa uyển chuyển thì bỗng thấy hơi khó chịu trước việc phần đuôi tóc thật của diễn viên lộ rõ. 
 
Cho đến buổi ra mắt phim lỗi về mái tóc vẫn không sửa được.
 
Trong một bộ phim lịch sử việc hóa trang khuôn mặt diễn viên không đơn thuần là tạo tính chân thực mà còn là yếu tố góp phần làm nên sự tinh tế và biểu cảm trong diễn xuất. Đình Toàn (vai Lê Long Đĩnh) đã được kẻ lông mày rậm và dài, viền mắt được tô đậm hơn, để biểu lộ một tính cách đanh thép và tham vọng, cô độc và xảo trá. Cũng tạo điểm nhấn ở đôi mắt và bộ râu, diễn viên vào vai Công Uẩn đã có được cái thần rất riêng của một vị anh hùng. Nhưng tiếc thay những nhân vật khác thì không có được cái may mắn đó.
 

Hóa trang khuôn mặt hai diễn viên chính rất ấn tượng.

Và cuối cùng xin đặt thêm một câu hỏi lớn, thời kì mà bộ phim dàn dựng lại đã phải là thời các thiếu nữ “ răng trắng” chưa? Lật lại lịch sử trong một nghìn năm Thăng Long,trong đó có chiến thắng Xuân Kỷ Dậu (1789) của Vua Quang Trung vẫn có câu:“đánh để dài tóc, đánh để đen răng”, nhưng những nhân vật trong “Khát Vọng Thăng Long” hay rất nhiều bộ phim lịch sử gần đây đều không thấy có đặc điểm này, trong khi thiết nghĩ, đây là đặc điểm để nhận ra sự khác biệt nhất giữa người Việt và người Hoa. Bộ phim tuy tái hiện được đời sống với bối cảnh khá chân thực nhưng toàn thấy các thiếu nữ răng trắng , má hồng thì sau này con cháu chúng ta khi xem lại những bộ phim lịch sử hẳn sẽ chẳng bao giờ biết đến khái niệm “nhuộm răng” truyền thống của dân tộc.

Không hề phủ nhận những thành công và lỗ lực của đoàn làm phim “ Khát Vọng Thăng Long” nhưng cũng không thể cứ ngồi tán dương những thành quả mà không nhắc đến những lỗi nhỏ còn tồn tại. Đặc biệt với một bộ phim mang tính lịch sử thì điều này cực kỳ quan trọng, bởi  phim không chỉ để cho một thế hệ xem mà có thể trở thành những minh họa lịch sử sinh động cho nhiều thế hệ sau này. Xin được kết thúc bài viết này bằng lời nhận xét của đạo diễn Đặng Nhật Minh về thực trạng phim Việt  : “Nếu tất cả không lười thì chúng ta sẽ có những bộ phim hay hơn”.

Chia sẻ