Bán trứng lấy tiền thụ tinh ống nghiệm

,
Chia sẻ

Để có được tiền làm IVF, chị thường xuyên đến trung tâm hỗ trợ sinh sản của bệnh viện tìm những người cần xin trứng và bán trứng lấy tiền.

Mặc dù biết rằng bán trứng có hại cho sức khỏe, nhưng vị khách có một không hai của BV Phụ sản TƯ đã kiên trì bán trứng của mình cho những gia đình hiếm muộn để có tiền thực hiện đến 8 lần thụ tinh trong ống nghiệm.
 
Bán trứng để lấy tiền làm IVF

Chị Nguyễn Thị Mai (Ba Vì, Hà Nội) để lại trong lòng các bác sĩ tại trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhiều kỷ niệm nhất.

Y tá trưởng của Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Hoàng Thị Minh Phương không thể nào quên được niềm vui khi thành công đến với chị Mai: "Nhiều người đến đây thất bại đến 3 - 4 lần là họ nản và bỏ cuộc, có người muốn làm tiếp nhưng hạn hẹp tài chính nên đành thôi. Vậy mà chị Mai làm đến 7 lần vẫn muốn xin làm tiếp...".

Không được may mắn như nhiều phụ nữ, lấy chồng từ năm 20 tuổi đến năm 26 tuổi chị vẫn chưa sinh được con. Ngược xuôi chạy chữa hết thuốc Tây, đến thuốc Nam rồi thuốc Bắc, biết bao nhiêu lần chị lên chùa Hương cầu tự nhưng niềm vui được làm mẹ vẫn không đến.

Khi đó (năm 2000), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) còn khá mới mẻ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị đã quyết định nhờ đến phương pháp hỗ trợ sinh sản này. Tiền của hai vợ chồng tích góp được anh chị mang vào viện hết. Lần đầu bác sĩ chuyển phôi vào cho chị thất bại, chị lại làm lần hai nhưng vẫn không thành công. Số tiền cho mỗi chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm lên đến vài chục triệu đồng. Kinh tế gia đình nhà chị Mai rất khó khăn.

Để có được tiền làm IVF, chị thường xuyên đến trung tâm hỗ trợ sinh sản của bệnh viện tìm những người cần xin trứng và bán trứng lấy tiền. Chị kể những người cùng cảnh ngộ với chị rất nhiều, mỗi người một hoàn cảnh, có người buộc phải xin trứng và họ có tiền nên không ngần ngại trả cho chị một khoản kha khá.

Cặp song sinh nhờ thụ tinh trong ống nghiệm

Bác sĩ cho biết việc cho trứng và làm IVF nhiều lần gây ảnh hưởng cho sức khỏe của chị. Sau 7 lần thất bại, bác sĩ khuyên chị nên tạm dừng. Vì chị ngày càng nhiều tuổi, tỷ lệ thành công sẽ giảm trong khi đó chi phí ngày càng lớn. Mỗi lần làm IVF mất từ 30 đến 50 triệu đồng.

Đến năm 2009, chị quyết định làm IVF thêm lần nữa, vẫn hành trình đi bán trứng lấy tiền. Khác với những lần trước, sau khi bác sĩ chuyển 3 phôi vào trong tử cung đều hình thành thai nhi.

Khi siêu âm, bác sĩ cho biết chị mang đa thai, niềm vui như nhân lên gấp bội. Ngày tháng mòn mỏi mong được làm mẹ cuối cùng chị cũng được đền đáp bằng hai cháu trai kháu khỉnh.

Nhập “hộ khẩu” trong viện suốt 9 tháng mang thai

Không ít phụ nữ thụ tinh nhân tạo như chị Mai còn phải nhập "hộ khẩu" trong viện suốt thời gian mang thai vì luôn bị đe dọa trước nguy cơ sảy thai.

Tại khoa Sản 1, Bệnh viện Phụ sản Trung ương luôn luôn dành sẵn 2 phòng cho những phụ nữ mang thai bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản. Khi nhiệt độ ngoài trời lên đến gần 40 độ C, trong phòng bệnh chỉ có 4 giường nhưng có đến 10 sản phụ, người nằm giường, người nằm dưới đất. Cái nắng nóng xé trời, hắt vào trong phòng khiến cho căn phòng hi vọng càng trở nên bức bối, ngột ngạt.

Mang thai ở tuần thứ 36, chị Thái (37 tuổi, Nam Đàn, Nghệ An) đã ở viện đến 33 tuần. Chị tâm sự mỗi đêm nắng nóng, không ngủ được chị lại tự an ủi mình mong đến ngày sinh nở được mẹ tròn con vuông: "Trồng cây sắp đến ngày hái quả nên phải thận trọng đến ngày sinh".

Phòng bệnh của những bệnh nhân dưỡng thai trở nên chật chội hơn vì nắng nóng
 
Từ ngày ra ở viện chị chưa một lần về thăm nhà. Mấy ngày Tết trong viện chỉ có mấy chị em cùng hoàn cảnh ăn Tết trong bệnh viện với nhau, thi thoảng chồng chị ra thăm và mang cho ít tiền.

Cũng phải "ăn chực nằm chờ" trong viện mong ngày con chào đời, nhưng chị Bích (38 tuổi, thị xã Sơn La, tỉnh Sơn La) không được may mắn như chị Thái. Không sinh được con, chồng chị cho rằng chị không biết đẻ, tỏ ra lạnh nhạt, vậy là chị lủi thủi một mình tự đi làm thụ tinh trong ống nghiệm. Rồi khi về nhà, thỉnh thoảng chị bị ra huyết, sợ quá nên chị xin nhập viện cho chắc chắn. Vậy là suốt mấy tháng trời, chị lủi thủi ở viện một mình mong đến ngày con chào đời.
 

30% thụ tinh trong ống nghiệm là sinh đôi

Lý giải hiện tượng sinh đôi, sinh ba khi thụ tinh trong ống nghiệm, bà Hoàng Thị Minh Phương cho biết: Thông thường ở nước ngoài họ chỉ chuyển từ 1 đến 2 phôi vào cơ thể người mẹ, nhưng ở VN, do mỗi lần làm IVF quá đắt, để tăng khả năng thành công, các bác sĩ thường chuyển 3- 4 phôi nên dẫn đến hiện tượng đa thai. Sau 7 tuần siêu âm phát hiện đa thai, các bác sĩ thường chọc hút bớt chỉ để 1 đến 2 thai, dẫn đến hiện tượng sinh đôi.

Theo thống kê của trung tâm, tỷ lệ sinh đôi chiếm khoảng 30% những ca thụ tinh trong ống nghiệm thành công.

Thụ tinh trong ống nghiệm là một phương pháp hỗ trợ sinh sản mà tinh trùng và trứng được kết hợp ở ngoài cơ thể. Nếu hiện tượng thụ tinh xảy ra, sẽ tạo thành phôi, sau đó phôi được chuyển vào buồng tử cung người phụ nữ. Phôi sẽ bắt đầu hiện tượng làm tổ và phát triển thành thai nhi như quá trình thụ thai bình thường.

 

Theo Tường Vân
Bee
Chia sẻ