Bán đồ từ móc len hot trở lại, từ học sinh cấp 2 đến chị em công sở đua nhau kiếm thêm nhưng không phải ai cũng dễ hốt bạc
Tay nghề gần như đều như nhau nhưng có người kiếm được tiền triệu/ngày, có người lại không bán được bao nhiêu. Vì sao lại như thế?
Mùa thu luôn là mùa của những điều nhỏ xinh. Khi trend gánh hàng hoa Hà Nội đã giảm nhiệt thì dân tình lại tìm ra những "phụ kiện" check in mới để ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất, không thể bỏ lỡ tiết trời trong xanh, dễ chịu này.
Và những ngày này, lướt mạng xã hội hay đi dọc một số tuyến đường ở nhiều thành phố, không khó để bắt gặp cảnh người đi đường xúm đông xúm đỏ vào những xe hàng treo các đồ làm từ móc len. Có thể là những bông hoa hồng, hoa hướng dương hay các móc khoá, cây bút...
Các gánh hàng bán đồ từ móc len đông khách ở Hà Nội.
Hội chị em công sở "lép vế" với các em học sinh tay nghề ít hơn
Thật ra móc len từ nhiều năm nay vẫn tồn tại trong một cộng đồng nhỏ và khá rải rác vì nó được xem là một trong những đam mê cá nhân hoặc thú vui giết thời gian của các chị em phụ nữ. Người thì móc túi, móc thú bông, hay đơn giản hơn là kẹp tóc,... làm móc treo chìa khóa. Cho đến thời gian gần đây, khi xu hướng này bắt đầu hot trở lại trên các trang mạng xã hội thì các bó hoa làm bằng len, hình các con động vật nhỏ và túi đựng phụ kiện học tập đã trở thành mặt hàng được mọi người ưa chuộng.
Móc len tưởng là bộ môn khó, có yêu cầu cao về mức độ khéo léo, thế nhưng do trên mạng đã có rất nhiều nơi làm video hướng dẫn với nhiều kỹ thuật móc vô cùng chi tiết nên ai cũng có thể học và chỉ sau vài ngày là có thể làm ra thành phẩm theo sự hướng dẫn có sẵn. Tuy nhiên, vì móc len là thứ ai cũng có thể học, cũng có thể làm nên dù xu hướng có quay trở lại thì để bán được hàng lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Theo khảo sát các gian hàng online lẫn offline hiện có đa phần đều thuộc nhóm các bạn trẻ tuổi từ 14 - 15 và các chị em công sở có thời gian rảnh sau giờ học, giờ làm móc các sản phẩm đang hot hoặc làm theo đơn đặt hàng để bán. Tuy nhiên, có một sự trái ngược rất lớn đó là ở nhóm các bạn trẻ, làm những sản phẩm có độ kỹ thuật không cao lại dễ bán được hàng hơn các chị lớn.
Theo chia sẻ của Minh Phương (TP.HCM) nhân viên văn phòng đang bán mặt hàng này khi được hỏi về vấn đề này mới nhận ra và chia sẻ: "Đúng là khi mình bán áo, túi xách, túi đựng tiền, hoa lan thì đơn ít lắm. Hồi đầu mình cũng thấy xu hướng này đang hot, trên các sàn thương mại điện tử bán rất nhiều rồi cũng làm theo nhưng thực tế để ra đơn lại không như những gì mình thấy".
Bên trái là mẫu hoa lan móc bằng len của Minh Phương đang bán, còn bên phải là mẫu hoa Tulip đang hot hiện tại. Xét về kỹ thuật thì mẫu đang hot dễ hơn rất nhiều nhưng đây mới thật sự là hình dáng, phong cách mà mọi người đang ưa chuộng.
Một cành hoa lan kiểu mà Minh Phương đang bán có giá 50k - 120k đồng/cành tùy kích thước và số lượng bông có trên cành, thời gian thực hiện khoảng 1 tuần. Nhưng với mẫu Tulip đang hot chỉ có khoảng 30k - 60k và gần như luôn có sẵn vì chỉ mất vài giờ là đã hoàn thiện. Đó cũng là lý do dẫn tới việc không phải ai cũng có thể bán được mặt hàng này và phải thừa nhận rằng các bạn trẻ nhanh nhạy nắm bắt mẫu mã theo thị hiếu của người mua hàng thời điểm hiện tại.
Võ Thị Phương Uyên (2004, Trảng Bom, Đồng Nai), bắt đầu làm những đồ móc len từ thời điểm cuối năm 2021. Khi đó, Uyên chỉ nghĩ kiếm một hoạt động gì đó làm trong lúc rảnh rỗi. Mãi tới tận tháng 10 năm 2020, Uyên mới bắt đầu đăng vui vui một số bông hoa len lên trang cá nhân: "Nào ngờ trong list frend của em có một vài người hỏi mua. Khoảng sau đó 2 tháng thì em mới dám bán hoa len, và cả một số đồ làm từ len móc sợi."
Tương tự như Uyên, Như Quỳnh (sinh năm 2004) và người bạn thân lớp đại học cũng chỉ vừa mang những món đồ len do cả hai tự móc ra bán được 1 tuần: "Tụi em rủ nhau mua len về móc từ đợt còn ở nhà vì dịch bệnh cơ, lúc đó trên TikTok có trend móc len, em chuyên móc các loại túi đeo. Gần đây thấy mọi người thích các bông hoa và thú nhỏ treo móc khoá nên em mới chuyển sang làm những thứ đáng yêu này".
Để làm ra một món đồ, có lúc 2-3 tiếng, có khi 2-3 ngày
Để có được một xe hoa tươi, người bán cũng đổ không ít công sức vào khâu cắm hoa lên xe sao cho không bị mất cân bằng và phải đẹp mắt. Thì để làm ra nhưng bông hoa bằng len, cả Uyên và Quỳnh đều công nhận cực nhất là những lúc ngồi móc len, hoàn thiện sản phẩm.
"Đa phần các bông hoa, đồ dùng học tập như hộp bút, bút... tụi em tốn 2-3 tiếng. Nhưng cũng có khi làm mấy con thú xinh xinh treo móc khóa tốn cả 2-3 ngày mới làm ra một sản phẩm", Như Quỳnh cho hay.
Những món đồ xinh xắn mà Quỳnh và Uyên đã làm mang đi bán.
Riêng với các mẫu hoa, thời gian móc cũng tuỳ vào độ phức tạp của từng loại hoa, làm càng chi tiết thì càng tốn công. "Ví dụ như để làm một cành hoa hồng, em sẽ móc ra bông hoa, rồi tiếp đến móc đài hoa, móc lá, sau cùng sẽ lên cành bằng việc gắn các bộ phận của hoa lại với nhau. Để làm ra một cành hồng hoàn thiện, sẽ tốn từ 20 phút đến 45 phút, tuỳ thuộc vào tốc độ móc, hay đơn giản tâm trạng vui thì móc nhanh, tụt mood thì lâu hơn. Còn làm một con mèo len thì em phải ngồi suốt mấy ngày, cứ ăn cơm xong là ngồi móc, ngồi muốn gãy cái lưng luôn", Uyên nói.
Lượng đơn hàng không ổn định
Có thể nhiều người đã nhìn thấy đâu đó chiếc xe máy chở đầy ắp những bông hoa, bó hoa bằng len. Đây chính là "công trình" của Phương Uyên. Cũng chính chiếc xe đó giúp cô nàng được mọi người ở khắp khu vực Trảng Bom, Biên Hoà, Đồng Nai biết tới. Và để làm được chiếc xe đó, Uyên đã tốn tới một tháng mới hoàn thiện các sản phẩm và gắn lên."Chiếc xe này em cho mọi người thuê để chụp ảnh, nhưng ai đến cũng hỏi mua nhiều quá nên giờ đã hết sạch rồi", Uyên tiết lộ.
Riêng để làm chiếc xe hoa viral, Phương Uyên đã đổ vào đó số vốn là gần 4 triệu đồng. Cô nàng không tiết lộ con số cụ thể về thu nhập, song, khẳng định cũng lại một số tiền nho nhỏ từ việc cho thuê xe chụp hình và bán các sản phẩm.
Trong khi đó, Như Quỳnh cũng nhận thấy tiềm năng khi bán món đồ móc len. Hiện tại xe hàng của cô nàng chỉ đem đi bán vào Chủ nhật ở đường ven hồ cho mọi người chụp ảnh. Song, cô và người bạn cũng đang sắp xếp thời gian để bán thêm vào ngày thứ Bảy. "Ngày chủ nhật đầu tiên mang hàng ra, tụi em đã bán hết trong 5 tiếng, mọi người cũng rất thích. Nhưng vì còn vướng lịch học trên trường nên tụi em đang cố sắp xếp làm sao để có thời gian làm và bán thêm vào các ngày khác".
Theo khảo sát, mỗi cành hoa nhỏ thường được bán với giá từ 38.000đ - 50.000đ. Móc khoá thú bông dao động trong khoảng 40.000đ, hoặc nếu hình thù cầu kỳ thì sẽ nhỉnh hơn. Tuy nhiên, đa phần các khách hàng đã yêu thích những món đồ được làm bằng tay tỉ mỉ như thế này thì họ sẵn sàng chi trả một số tiền xứng đáng với chất lượng.
"Những ngày cận mấy dịp lễ, em có thể thu được 2.000.000đ - 3.000.000đ/ngày khi bán cho các khách lẻ. Thu nhập cao nhất của em là vào ngày 10/9 vừa qua, em bán được 4.825.000đ/ngày". Song, với mặt hàng này, không phải lúc nào cũng có đơn. Phương Uyên kể, có ngày cô làm dồn dập cả mười mấy tiếng không kịp cho khách, nhưng có những hôm không được đơn nào, thậm chí cả tuần chỉ làm đúng 1 đơn.
Khó khăn ngay từ những ngày đầu... đến khi có đơn sỉ thì không đủ vốn
Ngay từ những sản phẩm đầu tiên mang đi bán, Uyên và Quỳnh đều vướng một điều. Đó là bởi kinh doanh thức thời nên hai bạn đều chưa thực sự rõ về tiêu chuẩn như thế nào là một sản phẩm đẹp, rồi làm thế nào mới thu hút được mọi người. Ngay lúc này, Như Quỳnh cùng người bạn kinh doanh cùng, mỗi ngày đều sắp xếp thử để tìm ra cách bày trí hợp mắt nhất. Cùng với đó là tỉ mẩn trong mỗi móc len.
Phương Uyên phải loay hoay cả ở khâu gói ghém gửi hàng cho khách. Bởi đây đều là sản phẩm thủ công, chỉ cần không cẩn thận một chút sẽ làm hư hỏng. "Em làm một mình nên hầu như phải lo hết mọi thứ, sau khi lo được các sản phẩm thì lại đến việc phải tìm được tệp khách hàng cần các món đồ của mình. Ngoài bán ở nhà, em đã đăng lên các trang mạng xã hội. Còn ngày lễ như 8/3, 14/2, 20/10... em sẽ gửi nhờ lên cửa tiệm của dì em ở Quận 7, TPHCM".
Tuy nhiên, đến khi nhận được đơn hàng sỉ đầu tiên, số vốn trong tay Uyên lại không đủ để mua các nguyên liệu. Cô bạn phải loay hoay nhờ sự giúp đỡ về cả tiền bạc lẫn xin góp ý, kinh nghiệm với một số người chị trong nghề để làm sao tối ưu hóa được cả công đoạn lẫn nguyên liệu, đáp ứng số lượng đơn hàng lớn.
Hiện tại, ngoài bán những mẫu len do bản thân sáng tạo ra, Uyên cũng nhận một số mẫu làm theo yêu cầu của khách hàng."Nhưng em chỉ nhận nếu yêu cầu của khách phù hợp và nằm trong khả năng tay nghề của em có thể đáp ứng được", Uyên tâm sự.