"Bãi biển" tự phát ở Thạch Thất tấp nập hơn cả bãi tắm Hồ Tây

Nguyễn Liên ,
Chia sẻ

Mấy năm trở lại đây, đập Quán Trăn thuộc xã Tân Xã ( Thạch Thất, Hà Nội) trở thành “bãi tắm” như ở ngoài... biển. Trẻ em, người lớn tha hồ lặn ngụp mặc dù đây không có phao cứu sinh, cũng không có ai có trách nhiệm quản lý.

“Mục sở thị” bãi tắm tự phát

Khoảng 4 giờ chiều hàng ngày khi trời vừa ngớt nắng, người có phao, người không, người mang theo phao tự chế như can nhựa, hộp xốp nườm nượp kéo ra đập Quán Trăn. Ước tính mỗi ngày có khoảng 500 – 600 người đến tắm. Trong đó, trẻ em và thanh niên chiếm số lượng đông nhất.


Người dân kéo nhau ra lội ở đập Quán Trăn




Anh Lê Đình Quang thôn 2, xã Tân Xã nói: “Buổi chiều anh thường đưa con ra đây tắm, mãi rồi thành quen. Nước ở đây không sâu, mấy năm nay mọi người vẫn xuống tắm bình thường”. Theo quan sát, ở “bãi tắm” này, ngoài người lớn còn rất nhiều trẻ em. Phụ huynh đưa con xuống tắm, có người cẩn thận cho con đeo phao.

Có người dạy trẻ tập bơi tại những nơi nước ngập quá đầu gối người lớn mà không hề có thiết bị bảo hộ an toàn nào, có em vùng vẫy tay không ra rất xa mà không có sự giám sát của người lớn. Nếu chẳng may xảy ra tình huống xấu như bị chuột rút, bị va vào đá… thì nguy cơ đuối nước là rất cao

Cách đó không xa, trên cây cầu bắc qua đập, nhiều thanh niên tụ tập “biểu diễn màn nhảy cầu” để thử cảm giác mạnh. Độ cao chỉ chừng 5 m nhưng mực nước dưới chân cầu chỉ xâm xấp 3-4m, xung quanh là bờ kè, nhiều đá tảng rất nguy hiểm. Ông Lê Đình Dũng (thôn Kim Bông, Xã Tân Xã): “Tôi đã nhiều lần cảnh bảo các cháu nhưng thanh niên thích cảm giác mạnh nên chúng không sợ. Mực nước trong đập sâu, ngay gần chân kè là 2-3m, nhưng ở xa có đoạn sâu tới 20-25m. Trước chỉ có người dân ở Tân Xã ra đây bơi lội, nay con đập thu hút rất nhiều dân các xã lân cận trên địa bàn huyện như Cần Kiệm, Hữu Bằng, Liên Quan, Bình Yên, Thạch Hòa,… đông đúc chẳng khác gì bãi biển”. Nguy hiểm là thế, nhưng xung quanh bờ Đập Quán Trăn không hề có biển báo về mực nước sâu nguy hiểm.


Thanh niên, trẻ em nhảy cầu thích cảm giác mạnh.

Anh Nguyễn Văn Linh (thôn 3, xã Tân Xã) thường xuyên tắm khu vực này cho biết: “Vẫn biết không an toàn, nhưng để tắm ở các bể bơi thì ở xa, mất phí dịch vụ và tiền gửi xe, bể bơi lại đông khách, do vậy, chiều nào tôi cũng đưa con ra đây tắm, gần nhà và sạch sẽ hơn. Chúng tôi chỉ biết nhắc trẻ cẩn thận và kêu người để ý mỗi buổi chiều, mép đập nước khá nông, cộng thêm việc có nhiều người cùng tắm nên cũng đỡ nguy hiểm”.

Chưa có chế tài xử lý

Nhu cầu tắm sông, tắm biển của người dân trong dịp hè là chính đáng, song yêu cầu hàng đầu là phải đảm bảo an toàn. Tuy chưa có số liệu chính xác về số người bị đuối nước ở bãi tắm tự phát này, song năm nào cũng xảy ra các trường hợp đau lòng.


Những bãi trông xe tự phát cũng mọc lên.

Theo bà Lê Thị Tâm – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thạch Thất, nhu cầu bơi lội của người dân là có thật, trong khi cả huyện có 2 bể bơi tư nhân giá cao, người dân phải tìm đến con đập Quán Trăn. Tình trạng này đã kéo dài vài năm nay, dù Ban quản lí đập Quán Trăn đã nhiều lần cảnh báo đến người dân nhưng chẳng ai sợ.

Thiết nghĩ để giữ được mùa hè an toàn, lành mạnh cho tất cả mọi người, chính quyền cần có những biện pháp thiết thực giải tỏa hay cắm biển báo, khuyến cáo người dân mức độ nguy hiểm, tình trạng lộn xộn ở những “bãi biển” tự phát này.

Chia sẻ