Bác sĩ Trương Hữu Khanh: "Bí kíp" ăn tiệc ngày Tết khi có bệnh

BS Trương Hữu Khanh (Cố vấn khối Nhiễm, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi Đồng 1),
Chia sẻ

Hai bệnh nền rất phổ biến là cao huyết áp và tiểu đường là những bệnh dễ "trở chứng" nhất sau các bữa tiệc ngày Tết.

Thông thường những vấn đề về sức khỏe hay gặp ngày Tết gồm có hai nhóm: Nhóm tai nạn và nhóm bệnh. 

Trong nhóm bệnh, cả trẻ em và người lớn đều có thể gặp vấn đề do chế độ ăn không phù hợp, không ăn những thứ mà mình ăn thường ngày, mà ăn tiệc với nhiều món lạ, ăn bánh, ăn mứt...

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: "Bí kíp" ăn tiệc ngày Tết khi có bệnh- Ảnh 1.

Một chút lưu ý khi ăn tiệc sẽ giúp bạn tận hưởng trọn vẹn ngày Tết mà bệnh nền không "trở chứng" - Ảnh minh họa từ Internet

Nếu như trẻ con thường rơi vào tình trạng không ăn cháo, uống sữa đủ mà lại ăn quá nhiều bánh, kẹo; thì người lớn lại hay gặp rắc rối do các bữa tiệc liên miên ngày Tết. 

Người dễ bị ảnh hưởng nhất là người có bệnh nền. Trong đó, tôi thấy có người bệnh cao huyết áp và người bệnh tiểu đường là hay gặp rắc rối nhất trong ngày Tết.

Duy trì việc uống thuốc đều đặn là điều tất nhiên phải làm, cho dù là về quê ăn Tết, đi du lịch hay chọn ăn Tết ngay tại nơi mình đang sinh sống, làm việc.

Ngoài ra, Tết thì có những buổi tiệc, mà tiệc thì người ta có thể nấu mặn hơn, ngọt hơn, nhiều tinh bột hơn... cách mình hay ăn hàng ngày.

Nhiều khi cả nể nhau mà ăn cho vui lòng gia chủ, dù có hơi lo. Hoặc việc đi ra ngoài ăn làm mình thấy thoải mái, ăn nhiều. Thật ra, cũng có cách để hạn chế nguy cơ bệnh "trở chứng".

Ví dụ nếu mình là người có bệnh cao huyết áp, khi ăn phải coi xem cái nước người ta nấu có mặn hay không. Mặn thì mình bỏ bớt nước, mình ăn phần cái thôi, vì thường muối tập trung trong phần nước ở các món có nước. Các món khác thì hạn chế nước chấm.

Ăn tiệc về, nếu sáng hôm sau mà bàn tay có cảm giác căng căng, giống như bị ứ nước trong đó, thì coi chừng là do hôm qua ăn quá nhiều muối, ăn mạnh hơn bình thường. Khi đó, phải kiểm tra huyết áp.

Còn nếu mình là người bị bệnh tiểu đường thì ngược lại: Phải biết bỏ bớt các món chứa nhiều tinh bột trong phần cái.

Với căn bệnh này, sau một bữa tiệc lớn, nên kiểm tra đường huyết bởi căn bệnh này còn nguy hiểm ở chỗ khi đường huyết tăng một chút, triệu chứng thường không rõ ràng. Đến khi đường lên cao lắm mới biết, mà khi đó thì nguy hiểm rồi.

Nếu kết quả kiểm tra huyết áp, đường huyết có vấn đề, cho dù chỉ là một chút, cũng nên cẩn thận "bớt bớt" lại.

Tương tự, những người có những vấn đề sức khỏe nhỏ hơn nhưng thuộc nhóm phải điều chỉnh chế độ ăn lâu dài - ví dụ như người bị mỡ trong máu - thì cũng phải biết tiết chế. Trên bàn tiệc có nhiều món, món gì bác sĩ nói mình nên hạn chế, thì mình hạn chế.

Những thói quen đó rất là quan trọng để quyết định bạn có thể vui vẻ tham gia các buổi tiệc mà không gặp rắc rối vì bệnh nền của mình hay không.

Chia sẻ