Bác sĩ Mỹ tiết lộ 1 điểm khác biệt đầy kinh ngạc khi so sánh ảnh chụp phổi bệnh nhân COVID-19 đã tiêm và chưa tiêm vaccine

ĐỖ ĐỖ,
Chia sẻ

Nhằm so sánh xem hiệu quả của vaccine COVID-19 như thế nào đối với cơ thể người bệnh, đại diện của Bệnh viện SSM Health SLU đã cung cấp 2 bức ảnh chụp X-quang phổi của 2 bệnh nhân khác nhau.

Ngày 30/7 vừa qua, Tiến sĩ Ghassan Kamel (giám đốc tại đơn vị chăm sóc tích cực (ICU) tại Bệnh viện SSM Health SLU ở thành phố St. Louis, bang Missouri, Mỹ) đã tiết lộ một vài thông tin về bệnh nhân COVID-19 với báo giới.

Ông cho biết, những bệnh nhân mà mình tiếp nhận thời gian gần đây có điểm chung là trẻ tuổi hơn so với số bệnh nhân mà ông điều trị vào hồi tháng 12/2020. Hơn nữa, hầu hết trong số họ đều chưa tiêm vaccine COVID-19.

66cf02fb3926c3b337105d4f90b6cdc2.jpeg

Tiến sĩ Ghassan Kamel

"Chúng tôi đang tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân ốm yếu", Tiến sĩ Ghassan Kamel nói.

Nhằm so sánh xem hiệu quả của vaccine COVID-19 như thế nào đối với cơ thể người bệnh, đại diện của Bệnh viện SSM Health SLU đã cung cấp bức ảnh chụp X-quang phổi của 2 bệnh nhân khác nhau. Trong đó, một người đã tiêm vaccine và người còn lại thì không.

0969452a-e48c-46b3-98c2-a30c5a6817e3_1140x641.jpeg

Hình ảnh so sánh giữa phổi của bệnh nhân COVID-19 chưa tiêm vaccine (bên trái) và bệnh nhân đã tiêm vaccine (bên phải).

Nhìn vào 2 bức ảnh chụp X-quang, Tiến sĩ Kamel cho biết phần màu trắng trong hình chính là tác động của virus trong phổi. Phần màu trắng này có thể là vi khuẩn, chất nhầy hoặc dịch tiết của bệnh nhân.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào hình ảnh X-quang của bệnh nhân đã tiêm vaccine, chúng ta sẽ thấy có nhiều phần màu đen hơn. Theo Tiến sĩ Kamel, màu đen là dấu hiệu của việc phổi chứa nhiều không khí hơn. Ông cũng giải thích rằng những trường hợp đã tiêm vaccine mà mắc COVID-19 như thế này hiếm khi xảy ra, chỉ rơi vào khoảng 1%. Khi đã tiêm vaccine mà không may nhiễm bệnh, bệnh nhân cũng không cần phải đến bệnh viện. Kể cả khi họ đến bệnh viện thì cũng không cần phải vào phòng ICU, trừ khi họ có bệnh nền từ trước hoặc bị suy giảm miễn dịch.

Ngược lại, hình chụp X-quang của người chưa tiêm vaccine COVID-19 có nhiều vùng trắng, bác sĩ đánh giá đây là một bệnh nhân cần sự hỗ trợ của y tế.

"Bệnh nhân này ít nhất cũng cần oxy, có thể cần dùng cả máy thở hoặc được đặt nội khí quản, hay dùng thuốc an thần để hỗ trợ sự sống", Tiến sĩ Kamel cho hay.

Cũng vào ngày 30/7 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, những người nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi được tiêm chủng thì khả năng lây bệnh cho người khác vẫn cao như những người chưa tiêm.

"Vaccine chỉ có tác dụng bảo vệ bạn chứ không thể ngăn cản bạn truyền bệnh cho hàng xóm hoặc những người thân của mình", Tiến sĩ Rachel Presti (Chuyên gia về Bệnh Truyền nhiễm của Đại học Washington, Mỹ) cho hay.

Đó cũng là lý do vì sao CDC Mỹ khuyến cáo người dân nên tuân thủ việc đeo khẩu trang cho đến khi nước này đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao hơn. Thông qua sự so sánh giữa 2 bức ảnh chụp X-quang, Tiến sĩ Kamel hy vọng mọi người có thể hiểu được tình hình và sẽ có quyết định đúng nhất để bảo vệ bản thân.

Cảnh báo trên của các bác sĩ được đưa ra khi Mỹ đang ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 kỷ lục ở một số bang, bao gồm cả Florida. Các chuyên gia tại CDC đã cảnh báo rằng biến thể Delta gây bệnh nặng hơn so với các chủng trước đó. Ngay cả những người Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ hiện nay cũng được khuyến khích đeo khẩu trang bên trong ở một số khu vực có nguy cơ cao của đất nước.

Trong bối cảnh các ca bệnh đang gia tăng, Mỹ đang đạt được nhiều tín hiệu khả quan khi công bố đã đạt được cột mốc tiêm chủng 70%.

Nguồn: KSDK, Independent

Chia sẻ