Anh Quốc: Chị em văn phòng phát động cuộc chiến chống giày cao gót

kênh 14,
Chia sẻ

Mọi việc bắt nguồn từ "tâm thư" của Nicola Thorp, cô lễ tân 27 tuổi mới bị đuổi việc vì... đi giày bệt đi làm.

Người ta nói rằng đặc quyền lớn nhất của phụ nữ là được ăn mặc chưng diện theo ý thích của mình mà không phải gò bó trong bất cứ khuôn khổ nào. Thực tế đã có nhiều công ty tôn trọng cái quyền cơ bản nhất này của các cô gái và biến công ty mình thành nơi phô diễn thời trang công sở dành cho nữ nhân viên.

Giày cao gót thì chẳng còn xa lạ gì với chị em nữa. Đem lại vẻ nữ tính gợi cảm, ăn gian thêm chút chiều cao, tạo cảm giác sở hữu đôi chân dài hơn, thon hơn một chút chính là điểm cộng tuyệt đối mà giày cao gót đem lại cho phụ nữ.

Tưởng chừng với bao nhiêu ưu điểm đó, các chị các mợ sẽ phải dính chặt lấy đôi giày cao gót 24/7.

Nhưng mà không đâu, cái gì cũng có giá của nó cả, và để có được vẻ đẹp ấy, cánh phụ nữ phải trả giá bằng sự đau đớn, nguy cơ tổn thương xương và cả đủ các bệnh về chân cẳng nữa. Thế nên nhiều cô không muốn phải đi giày cao gót cả ngày, kể cả đi giày cao gót có đẹp tới đâu.

Nhưng mà câu chuyện tự do ăn mặc nó không dành cho tất cả mọi người, chí ít là với Nicola Thorp, cô lễ tân 27 tuổi ở Hackney, phía Đông London. Cô này bị đuổi việc ngay trong ngày đầu tiên đi làm chỉ vì đi giày bệt đến chỗ làm.

 - Ảnh 1.
Nicola Thorp bị đuổi về nhà ngay ngày làm việc đầu tiên vì không đi giày cao gót.

Cụ thể, trong ngày đầu tiên làm việc tại công ty tài chính PwC, cô Thorp đã đi giày bệt tới công ty mà không hề biết rằng nơi cô làm quy định rằng nữ nhân viên phải đi giày cao gót khi làm việc. Và khi Thorp kiến nghị chuyện phân biệt đối xử đó, cô bị bộ phận nhân sự cười nhạo, sau đó bị đuổi ngay khi từ chối đi ra ngoài mua một đôi giày cao gót.

 - Ảnh 2.
Công ty yêu cầu lễ tân phải đi giày cao gót 4-9 phân.

"Tôi nói rằng nếu như họ cho tôi được một lý do vì sao đi giày bệt sẽ làm giảm hiệu suất công việc của tôi thì tôi còn chấp nhận, nhưng mà họ chẳng thể. Tôi phải làm 9 tiếng ngày hôm đó, phải đưa khách hàng tới phòng họp và rõ ràng tôi không thể làm thế khi đi giày cao gót được", Thorp chia sẻ.

Sau đó Thorp về nhà, kể cho bạn bè nghe câu chuyện của mình rồi đăng tải vụ việc lên mạng. Từ đây, cô phát hiện ra không chỉ một mình bản thân cô gặp chuyện này, mà còn rất nhiều phụ nữ khác trên thế giới đã gặp tình huống tương tự.

Thorp quyết định lập một chiến dịch kêu gọi toàn thể chị em phụ nữ cùng đứng lên phản đối, yêu cầu các cơ quan, công ty cân nhắc thay đổi lại luật, không bắt buộc nữ nhân viên phải đi giày cao gót khi tới nơi làm việc nữa. Cho đến nay, chiến dịch của Thorp đã thu được 11.000 chữ ký.

 - Ảnh 3.
Nicola Thorp đang thu thập chữ ký kêu gọi các công ty xem xét lại quy định trang phục.

"Tôi không có ý chống đối lại công ty, bởi dưới tư cách nhà tuyển dụng, họ muốn có sự quy chuẩn đồng phục tại nơi làm việc, một trong số đó là phụ nữ phải đi giày cao gót. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng quy định trang phục nên phản ánh được xã hội cộng đồng, nhất là giờ đây phụ nữ cũng rất thông minh và họ đi giày bệt nữa", Thorp nói.

Hành động bắt buộc phụ nữ phải đi giày cao gót khi đi làm có thể coi là một phần của sự phân biệt giới tính. Bởi ở thời đại này, nam nữ bình đẳng, phụ nữ cũng có quyền từ chối mang vẻ ngoài nữ tính cơ mà. Tại sao cứ là phụ nữ là phải đi giày cao gót, trong khi họ có thể đi giày thể thao, giày da hoặc xăng đan thời trang.

Đã là cái đẹp thì muôn hình vạn trạng, đúng không?

Chia sẻ