Anh dũng, sáng tạo trong suốt 5 giờ chiến đấu với “biển lửa”

Bảo Bình,
Chia sẻ

Đối diện với vụ cháy nổ cây xăng được đánh giá là khủng khiếp và phức tạp nhất từ trước đến nay, ban chỉ huy và lực lượng PCCC đã vận dụng tất cả các bài toán sáng tạo để khống chế hoàn toàn đám cháy.

Sáng kiến hiệu quả "không có ai dạy"

Như chúng tôi đã đưa tin, vào chiều 3-6, một vụ nổ và cháy kinh hoàng đã xảy ra tại cây xăng Quân đội đối diện viện 108 (Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Anh dũng, sáng tạo trong suốt 5 giờ chiến đấu với “biển lửa” 1

Văn bản báo cáo sau vụ cháy nổ kinh hoàng tại cây xăng

Sau khi nhận được thông tin về vụ cháy, tiếp cận hiện trường và chứng kiến cảnh lửa phun ra dữ dội từ xe téc, nhiệt độ có lúc lên tới 1.000 độ C, bức xạ nhiệt lớn, gây nhiều khó khăn cho công tác chữa cháy.

Ngay lập tức, tình trạng nguy cấp đã được thông báo về Trung tâm chỉ huy chữa cháy Sở CS PCCC TP.HN xin chi viện.

Đồng thời, Phòng Phòng Cảnh sát PCCC quận Hoàn Kiếm cũng điện cho Ban GĐ Cảng Hà Nội điều động xe chở cát và xe xúc, xe ủi đến hiện trường cháy. Đội CSGT số 1, CA quận Hoàn Kiếm, phường Phan Chu Trinh kịp thời hỗ trợ phân luồng ở vòng ngoài, tạo điều kiện cho các xe chữa cháy và lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường.

Dưới sự chỉ đạo của Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, GĐ Sở CS PCCC, lực lượng chữa cháy được triển khai thành 4 mũi, với nhiệm vụ tập trung phun nước làm mát cho các căn hộ xung quanh, cho xe téc đang cháy và đặc biệt là 3 miệng hố gas.

Trong “cuộc chiến diệt lửa”, Sở CS PCCC đã huy động lên tới 2 tấn bột chữa cháy, điều động tổng số 18 xe chữa cháy các loại. Trả lời báo chí, thượng tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng CS PCCC quận Hoàn Kiếm kể lại: “Do đặc thù xăng nhẹ hơn, nổi trên mặt nước, nước chảy đến đâu, xăng theo đến đấy nên càng phun nhiều nước làm mát thì diện tích cháy lại càng lan hơn, ra cả hè phố.

Anh dũng, sáng tạo trong suốt 5 giờ chiến đấu với “biển lửa” 2

Thượng tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng CS PCCC quận Hoàn Kiếm trả lời báo chí.

Vì thế chúng tôi đã phải huy động 32 xe chở cát để quây lửa, đồng thời, dùng ống hút đặt trên mặt đường để ngăn chặn không cho xăng chảy xuống hệ thống cống ngầm của thành phố. Đây là những sáng kiến thực sự phát huy hiệu quả mà trong trường không có ai dạy. Trong vòng 1 giờ đồng hồ đầu tiên, đám cháy đã cơ bản được khống chế”.

Chưa có trận chiến với “giặc lửa” nào lớn như vậy

Thượng tá Vụ lý giải lý do vì sao không phun bột chữa cháy vào lửa ngay từ đầu bởi trong nền nhiệt độ cao, bột phun vào sẽ bị phân huỷ, không phát huy tác dụng. Do đó, phải phun nước giảm nhiệt xuống nhiệt độ thích hợp thì mới phun bọt. Trong suốt gần 5 tiếng đồng hồ, tổng cộng khoảng 600 khối nước đã được phun liên tục.

Khi lửa bùng phát trở lại, cũng là lúc nhiều chiến sỹ PCCC đang tập trung phun nước làm mát nên đã có 9 cán bộ chiến sỹ bị bỏng phải đưa đi cấp cứu. Trong đó có chiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh (Phòng Cảnh sát PCCC quận Hoàn Kiếm) đã bị ngất tại chỗ và hiện đang được các bác sĩ theo dõi điều trị tại Bệnh viện Saint Paul.

Anh dũng, sáng tạo trong suốt 5 giờ chiến đấu với “biển lửa” 3

Những hình ảnh vì dân quên mình của các chiến sĩ PCCC đã đi vào lòng công chúng.

Chữa cháy xăng không chỉ là loại khó nhất, phải kết hợp giữa nước, cát và bột mà còn độc hại. Khi anh em tiếp xúc lâu, hít nhiều khí xăng, gặp nhiệt độ cao sẽ gây bỏng hô hấp. Trong đợt thứ 3, khi thực hiện phương án cuối cùng để khống chế hoàn toàn ngọn lửa, chúng tôi được tiếp theo 8 xe cát. Có khoảng 10 cán bộ chiến sĩ được phun nước làm mát, dùng xẻng đẩy cát vào. Anh em chỉ cách điểm lửa phun ra chỉ khoảng 40cm.” - Thượng tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng CS PCCC quận Hoàn Kiếm nhớ lại dây phút cam go nhất.

Đồng thời, thượng tá Vụ cũng nhận định, trước thời điểm xảy ra cháy, cây xăng 2B Trần Hưng Dạo đã vi phạm nhiều quy định như cho phép nhập xăng vào buổi trưa, trong điều kiện thời tiết nắng nóng nên khi gặp sự cố dẫn đến vụ nổ và cháy lớn mà theo ông thì “chưa có trận chiến với “giặc lửa” xăng dầu lớn đến vậy!”


Chia sẻ