Ăn sắn luộc, bé 10 tuổi suýt tử vong

,
Chia sẻ

Hai giờ đồng hồ sau khi ăn 3 củ sắn (khoai mì) luộc, cậu bé 10 tuổi ở Đồng Nai bỗng thấy đau bụng, sau đó nôn dữ dội, loạng choạng và khó thở.

Tại Bệnh Viện Nhi Đồng 1, TP HCM, bệnh nhi tím tái tái toàn thân, nhịp thở nhanh, tim đập nhanh. Xét nghiệm chẩn đoán cho thấy em bị ngạt tế bào.

Để khắc phục tình trạng không tiếp nhận được ôxy do độc chất của sắn gây nên, các bác sĩ đã hỗ trợ hô hấp bằng máy đồng thời truyền dịch và điều chỉnh tình trạng toan máu.

Kết quả, sau hơn một tuần điều trị, hiện tình trạng suy hô hấp của em đã cải thiện.

Gia đình cho hay, loại sắn mà họ luộc thuộc giống cao sản trồng để bán cho công ty chế biến bột nêm. Cả gia đình cùng ăn, nhưng chỉ mình cháu bị ngộ độc.

Theo các bác sĩ, có hai loại sắn. Sắn lương thực có vị ngọt, độc tố ở vỏ và đầu củ nên ngộ độc thường do chế biến không đúng cách. Sắn cao sản làm nguyên liệu cho công nghiệp chứa nhiều độc tố, có vị đắng. Độc tố có ở cả thân củ nên rất dễ gây ngộ độc nếu ăn phải.

Độc tố trong sắn là glucoside, hàm lượng khoảng 20-30 mg một kg và trong sắn cao sản là 60-150 mg/kg. Khi bị thủy phân ở dạ dày, glucoside sản sinh một loại axit gây ức chế hô hấp, ngạt tế bào khiến người bị ngộ độc khó thở, co giật, hôn mê, trụy mạch và tử vong.

Chính vì thế, khi luộc khoai, cần lột sạch lớp vỏ hồng bên ngoài, cắt bỏ hai đầu ngọn củ. Ngâm trong nước sạch vài giờ và thường xuyên thay nước. Khi nấu phải mở nắp nồi để chất độc bay ra ngoài. Khi ăn nếu thấy bị đắng, nên bỏ đi.

Theo Phương Nghi
Vnexpress
Chia sẻ