Ấm ức vợ "cao" hơn chồng

,
Chia sẻ

Xã hội phát triển, người phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội học cao hiểu rộng, tìm công việc tốt, phát huy được năng lực bản thân, kéo theo đó là thu nhập cao hơn.

 
Chính vì vậy, trong nhiều gia đình hiện đại, người phụ nữ vốn được xem là "chân yếu tay mềm", với thiên chức chính là vun vén gia đình, chăm lo chồng con nay mặc nhiên đã trở thành "trụ cột" kinh tế. Nhiều trục trặc, mâu thuẫn gia đình xuất phát từ chuyện vợ "cao" hơn chồng là điều khó tránh khỏi.

Vợ vất vả, chồng ấm ức

Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ Trọng Hiếu - giảng viên một trường đại học lớn, đang là nghiên cứu sinh tại Hà Nội và Thủy Hương - một nhân viên truyền thông khá lý tưởng. Bằng tuổi nhau nhưng Hương là cô gái hiện đại, năng động và thông minh. Cả hai cùng quê Nam Ðịnh nên cưới xong họ chuyển về sống trong căn hộ chung cư tại khu đô thị mới Ðịnh Công của bố mẹ vợ, chờ vài năm nữa gom đủ tiền mua nhà ở riêng.

"Có là người trong cuộc mới hiểu" - Thủy Hương thở dài sau gần một năm họ về ở chung một mái nhà. "Tôi không hiểu sao bất cứ vấn đề gì, dù của bên nội ngoại hay chuyện riêng, khi đưa ra bàn bạc cứ được vài câu là chồng gạt hết. Hoặc tôi phải ngoan ngoãn nghe theo sự áp đặt của anh ấy, không thì anh ấy làm mặt giận, rồi cáu kỉnh bực bội cả tuần". Lần đầu, lần tiếp theo, Thủy Hương còn chấp nhận dù vẫn ấm ức. Thế nhưng, đến lần thứ năm thì chị khăng khăng không chịu, nhất quyết làm theo ý mình sau khi đã "nói hết nước hết cái, phân tích đủ đường".

Hai vợ chồng to tiếng và "tôi đau lòng khi người đầu gối tay ấp với tôi quát: Ðừng có nhiều lời, gái phải theo chồng, nhân nhượng để cô đè đầu cưỡi cổ tôi, gia đình tôi. Không phải cứ xì tiền ra là muốn nói gì cũng được".

"Thì ra là vậy, cuối cùng chồng tôi đã không thể giữ mãi được trong lòng". Khoản thu nhập chính thức của một giảng viên bảy năm kinh nghiệm chỉ gói gọn trong vòng ba triệu đồng quá chênh lệch so với tiền lương 700 USD (chưa kể thưởng) của vợ đã khiến chồng tôi luôn trong trạng thái tự ti, thua kém và phải gồng mình thị uy với vợ. Thủy Hương cho biết, ngay từ những tháng đầu chung sống, chị đã hiểu cái khó của chồng. Mỗi tháng đưa vợ 1,5 triệu đồng chỉ đủ chi trả các khoản lặt vặt. Còn đủ thứ tiền khác, một tay vợ lo hết. Ðể chồng yên tâm học hành, việc nhà chị đảm đương, anh giúp được gì thì giúp.

"Sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên từ nghèo khó để học đến tiến sĩ của anh làm tôi kính phục và sẵn sàng hy sinh cho gia đình. Phụ nữ ai chẳng muốn người đàn ông hơn một cái đầu. Tuy vậy chiều cao trí thức và chiều cao trong thu nhập giữa nhiều cặp vợ chồng thời nay đang có những khoảng cách. Biết vậy nên tôi chưa bao giờ nói gì hay làm gì để chồng phải bận lòng. Thế nhưng mình không để tâm, nhưng chồng lại để ý". Không khí gia đình vợ chồng trẻ thỉnh thoảng lại "dậy sóng" khi đôi bên bàn bạc đến chuyện chung, chuyện riêng. "Tôi cảm thấy mệt mỏi. Vợ kiếm được đồng tiền cũng vất vả đủ đường, đáng lẽ phải mừng, phải động viên vợ, đằng này lại ấm ức, khó chịu".

Cũng giống như Thủy Hương, gia đình chị Hà Ngọc (phố Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng liên tục "có chuyện" bởi trụ cột gia đình chuyển từ chồng sang vợ. Năm năm đầu chung sống khó khăn, đồng lương eo hẹp nhưng cuộc sống của anh cán bộ nhà nước và cô thủ quỹ phường lại vui vẻ, hạnh phúc. Sau khi có hai con, thấy cuộc sống quá chật vật nên từ năm 2004, chị Ngọc chuyển sang làm việc tại một công ty tư nhân kinh doanh vật liệu xây dựng.

Vào cơ quan kinh doanh, Ngọc như "cá gặp nước", lương khá mà "bổng" cũng hấp dẫn. Cuộc sống của họ thay đổi rõ rệt. Mâm cơm gia đình nhiều món ăn ngon hơn, đồ đạc lần lượt được thay thế bằng những vật dụng hiện đại, tiện nghi. Con cái có điều kiện chăm sóc, học hành tốt hơn mà bản thân Ngọc cũng có chăm chút bản thân hơn: mua sắm quần áo, son phấn, nước hoa... Còn Dũng, đầu tháng anh chỉ đều đặn đưa vợ hơn một triệu tiền lương và đến cuối tháng lại "vay" tạm vài trăm. Giá cả mấy năm vừa rồi tăng vọt, cảm giác ngại ngùng, tự ti cũng bắt đầu xuất hiện đến mức quần áo vợ mua anh không mặc vì đồng nghiệp hỏi "vợ mua cho à". Hai vợ chồng cũng ít bàn bạc với nhau hơn vì mỗi khi cần thay hay mua đồ mới, Dũng đều để vợ quyết định. Thấy vợ chi tiêu nhiều mua sắm quần áo, anh muốn góp ý nhưng lại thôi vì nghĩ "tiền của cô ấy mà".
Kèm theo đó, vợ anh cũng đi tối ngày, không có điều kiện chăm lo gia đình như trước. Lúc đầu, thông cảm với công việc bận rộn của vợ, anh xung phong đi đưa đón các con đi học, rồi dọn nhà, giặt giũ. Nhưng rồi các việc tiếp diễn ngày càng nhiều khiến anh thấy mình mất vai trò đàn ông, trở thành "bám váy vợ" lúc nào không rõ. Cảm giác tự ti, thua kém vợ biến thành sự khó chịu và thất vọng vì cho rằng mình bất tài, vô dụng, đến thân mình cũng không lo nổi thì còn lo được cho ai, nên lâu dần anh mặc kệ. Ðể giải khuây, sau giờ làm việc hay những ngày nghỉ, anh cùng vài bạn ra quán "làm cốc bia".

Trong khi đó, chị Ngọc vô cùng khó chịu khi chồng nồng nặc hơi men. "Ðã không kiếm ra tiền còn say lướt khướt, không đỡ đần gì cho vợ con. Nhiều hôm đi làm về mệt lại tất tả nội ngoại đón hai đứa con, nấu cơm và chờ đợi. Chồng về đến nhà, mặt đỏ tưng bừng, nồng nặc mùi bia và lăn ra ngủ" - chị Ngọc ngán ngẩm. "Lúc đó tôi cũng chẳng muốn ăn nữa".

Mâu thuẫn tích tụ, thế là lời qua tiếng lại, rồi vợ chồng to tiếng, đôi khi còn xảy ra xô xát. Anh Dũng vốn đã ít nói, nay càng kiệm lời hơn. Anh cảm thấy ý kiến của mình không còn giá trị nữa. Chị Ngọc cũng mệt mỏi bởi thấy mình đang phải chịu một áp lực quá lớn, vừa lo toan kiếm tiền, vừa đảm đương việc nhà. Bao nhiêu sự dịu dàng, nữ tính trong chị giờ đây tan biến hết. Chồng đi nhậu thì chị càng được thể đi sớm về muộn. Hai đứa con gửi ông bà nội ngoại.

Ðối thoại, đừng đối đầu

Ðây là lời khuyên của nhiều chuyên gia tâm lý nhưng không dành cho các ông chồng mà lại là các bà vợ. Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) lý giải: Do ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo qua nhiều thế hệ người Việt, tư tưởng gia trưởng ăn sâu trong tâm thức người đàn ông. Họ quen ở vị trí "thống trị" trong gia đình nên dễ tự ái khi thấy mình không bằng vợ. Ðây là một trong số những nguyên nhân cơ bản làm cho nhiều gia đình vợ thành đạt hơn chồng có nguy cơ tan vỡ.

Còn theo chuyên viên tư vấn Nguyễn Yến Linh, Trung tâm tư vấn tâm lý tình yêu hôn nhân gia đình khi người đàn ông mất vị thế trụ cột về kinh tế, họ rất dễ bị mặc cảm, tổn thương. Người vợ lại trách móc, coi thường thì chẳng khác gì mang mâu thuẫn về nhà khiến cuộc sống vô cùng ngột ngạt. Người không kiếm ra tiền thu mình lại còn người kiếm được tiền cũng đâu có vui. Ðã vất vả lại không được chia sẻ là tâm lý chung.

Trong gia đình vợ kiếm nhiều tiền hơn chồng, theo chị Linh, thì chính người vợ phải vô cùng khéo léo và tế nhị. Tiền bạc tuy cần cũng không thể thay thế được hạnh phúc để có sự cân bằng. Ðộng viên chồng chia sẻ việc nhà cùng vợ, tâm sự những vất vả, khó khăn trong công việc... và nhất là vẫn phải thu xếp dành thời gian cho gia đình con cái, đồng thời cũng không quên ủng hộ, khen ngợi những thế mạnh của chồng để các anh tự tin vào năng lực thực sự của mình, cố gắng để không cảm thấy bị tổn thương chính là cách giữ gìn hạnh phúc gia đình được vẹn toàn.
 
Theo Nhân Dân
Chia sẻ