7 lý do tại sao nhất định phải ra rạp để xem phim “Ngày Không Còn Mẹ”

Sơn Đỗ,
Chia sẻ

Tác phẩm điện ảnh “Ngày Không Còn Mẹ” đến từ các nhà sản xuất của xứ sở kim chi vừa cập bến Việt Nam cách đây không lâu được ví như hiện tượng làm khuynh đảo phòng vé, bên cạnh bom tấn Stars War đang được ưu ái khá nhiều.

7 lý do tại sao nhất định phải ra rạp để xem phim “Ngày Không Còn Mẹ” - Ảnh 1.

Poster chính thức của phim tại thị trường Hàn Quốc.

Ngày Không Còn Mẹ xoay quanh câu chuyện của bà mẹ già Ae Soon và một cậu con trai In Gyu tuy đã lớn, chạc 25 tuổi, nhưng lại mắc bệnh thiểu năng. Một ngày nọ, bà tới gặp bác sĩ ở bệnh viện do gần đây sức khỏe đi xuống. Bà được chuẩn đoán rằng mình đang bị u não giai đoạn cuối và nếu không thực hiện phẫu thuật ngay, thì bà chỉ còn nhiều nhất một năm để sống. Người mẹ biết rằng thời gian của mình không còn nhiều, lại luôn lo lắng cho đứa con thiểu năng nên đã quyết định dành 365 ngày cuối cùng của cuộc đời để dạy anh cách sống tự lập.

Cốt truyện tuy đơn giản nhưng lại chiếm được nhiều cảm tình của khán giả trong nước lẫn quốc tế. Vậy lý do nào khiến Ngày Không Còn Mẹ trở thành bộ phim đáng xem nhất trên màn ảnh rộng ở thời điểm hiện tại?

7 lý do tại sao nhất định phải ra rạp để xem phim “Ngày Không Còn Mẹ” - Ảnh 2.

Cái tên "The Preparation" (Sự chuẩn bị) được Việt hóa thành "Ngày Không Còn Mẹ" đưa đến nhiều xúc cảm.

1. Cho dù chưa cần xem phim, nhưng chính cái tên Việt hóa của nó: Ngày Không Còn Mẹ đã đủ để đem tới khán giả sự xúc động xen lẫn tò mò. Không ai là không khỏi rùng mình khi đọc thành tiếng tên của bộ phim này, bởi với nhiều người trong chúng ta, việc mất đi một người thân là điều không thể tưởng tượng được. Chưa kể, đó còn là mẹ, người cho chúng ta cuộc sống, nuôi dưỡng, chăm sóc ta khôn lớn từng ngày. Rời xa vòng tay chở che của mẹ chính là trải nghiệm tồi tệ nhất mà một con người có thể có.

2. Hãy tới rạp để xem phim nếu đã lâu lắm rồi bạn chưa được khóc ngon lành trên vai một ai đó. Thông thường, những bộ phim tình cảm gia đình của Hàn Quốc sẽ có cú "chốt hạ" cảm xúc cho khán giả ở phần cuối phim, nhằm đẩy các tình tiết lên cao trào và "ép" nước mắt người xem. Nhưng với Ngày Không Còn Mẹ thì không! Những khoảnh khắc cảm động xuất hiện xen kẽ xuyên suốt gần 2 giờ đồng hồ. Sẽ có lúc bạn khóc vì ánh mắt hạnh phúc của người mẹ già khi nhìn đứa con thiểu năng của mình ốp la thành công một quả trứng. Hoặc có lúc bạn sụt sùi bên chiếc khăn giấy bởi những lời dạy của Ae Soon tới cậu con In Gyu rằng thế nào là chết, thế nào là rời xa, thế nào là chia lìa.

7 lý do tại sao nhất định phải ra rạp để xem phim “Ngày Không Còn Mẹ” - Ảnh 3.

Hai mẹ con lúc nào cũng dính với nhau như hình với bóng. Nhưng cũng sẽ đến một ngày, người mẹ không còn đủ sức để "kề vai sát cánh" bên cậu con trai của mình nữa.

3. Đừng ngạc nhiên bởi tại sao các nhận xét, hay đánh giá lại nói rằng phim buồn, nhưng khi xem lại chỉ thấy vui vẻ, thậm chí thỉnh thoảng cả rạp chiếu còn cười phá lên với nhau sảng khoái. Một lần nữa, ta lại phải dành một tràng vỗ tay cho các nhà làm phim xứ sở kim chi bởi cách đánh tráo cảm xúc trong điện ảnh thật tài tình. Phim không buồn thê thảm nhưng đáng lẽ ra nó phải thế (bởi vì Ngày Không Còn Mẹ nói về cái chết, bệnh thiểu năng, sự nghèo khó, bạo lực gia đình, sự bỏ rơi,...) mà trái ngược, không khí lại nhẹ nhàng như một bản nhạc Baroque. Khán giả vừa được sống một câu chuyện đời giản dị, vừa "được" day dứt bởi một bi kịch không thể nói lên thành lời.

4. Đây chắc chắn là bộ phim dành cho mọi lứa tuổi. Khác với Stars War (Chiến tranh giữa các vì sao) chỉ thuộc gu của những người trẻ đam mê vũ trụ siêu thực Marvels, hay Ferdinand Phiêu Lưu Ký lại là món ăn ưa thích của các bé 5 - 10 tuổi, thì Ngày Không Còn Mẹ là sự khác biệt. Một bộ phim về đề tài tình cảm gia đình như Ngày Không Còn Mẹ có lẽ là chất xúc tác tuyệt vời nhất để kết nối các thành viên nhiều thế hệ lại với nhau, giữa cuộc sống đầy vội vã như bây giờ.

7 lý do tại sao nhất định phải ra rạp để xem phim “Ngày Không Còn Mẹ” - Ảnh 4.

Những khoảnh khắc tình cảm của hai mẹ con chính là điều gây ấn tượng sâu đậm trong tâm trí khán giả.

5. Những chi tiết nhỏ nhất là điều gây ấn tượng sâu đậm nhất. Một bộ phim về tình cảm mẹ - con lấy bối cảnh ở một thị trấn nghèo của Hàn Quốc chắc chắn sẽ hiếm khi phải dùng đến kĩ xảo máy tính. Thế nên những gì xúc động nhất sẽ là hình ảnh người mẹ già khóc thầm trong đêm nghĩ ngợi về số phận của mình. Hay đó sẽ là khi đứa con thiểu năng nhưng vẫn biết thương yêu mẹ, và thấy sợ, òa khóc thật to khi biết rằng mẹ sắp không còn. Những đoạn nhạc buồn thăm thẳm, kết hợp với diễn xuất tài tình đã làm tăng giá trị của bộ phim lên rất nhiều. Cho dù Ngày Không Còn Mẹ có tăng giá vé lên gấp đôi, hay gấp ba, thì vẫn rất đáng tiền.

6. Không chỉ đơn thuần là một bộ phim lấy đi nước mắt, Ngày Không Còn Mẹ còn là danh sách những kiến thức xã hội về cuộc sống của người thiểu năng, luôn bị coi là "phần bỏ đi" của xã hội vì nhận thức kém nhạy bén của họ. Có lẽ đây là điểm sáng làm nên sức nặng nhân văn của bộ phim, bởi không phải nhà biên kịch nào cũng sẵn sàng lồng ghép những yếu tố thời sự vào một sản phẩm mang tính thương mại như thế này. 

7 lý do tại sao nhất định phải ra rạp để xem phim “Ngày Không Còn Mẹ” - Ảnh 5.

"Buồn nhưng lại không buồn" chính là cách đánh tráo cảm xúc đầy tài tình của những nhà làm phim Hàn Quốc.

7. "Đi một về năm". Đó là kết luận chính xác nhất cho những ai quyết định thưởng thức bộ phim này. Bỏ vài chục bạc để mua một cái vé, nhưng những gì mà khán giả nhận lại được từ Ngày Không Còn Mẹ còn tuyệt vời và giá trị hơn thế. Đó là những bài học đáng trân quý về tình mẫu tử, tình chị em, tình bạn, và cả tình người. Chưa hết, nó còn đưa đến cho chúng ta một cái nhìn cảm động về sự cố gắng đến kiên nhẫn, hay sâu xa hơn là về cái chết cùng sự chia lìa đôi ngả. 

7 lý do tại sao nhất định phải ra rạp để xem phim “Ngày Không Còn Mẹ” - Ảnh 6.

Diễn xuất tuyệt vời của "bà mẹ quốc dân" Go Doo Shim và con trai Kim Sung Kyun chính là yếu tố làm tăng giá trị của "Ngày Không Còn Mẹ" lên rất nhiều.

Đủ hài hước để tạo ra những tiếng cười giải trí, đủ tình cảm để khiến khán giả có những giây khóc nấc ngay tại phòng chiếu, nhưng Ngày Không Còn Mẹ cũng chất chứa cả tầng nhân văn sâu sắc về những vấn đề xã của xã hội đương thời.

Điện ảnh Hàn Quốc, đặc biệt là ở đề tài tình cảm gia đình như ở bộ phim này, thực sự đã thành công trong việc đưa người xem trải nghiệm đủ các cung bậc cảm xúc, những nốt thăng trầm của một tác phẩm nghệ thuật. Cho dù vẫn còn một số điểm chưa được chỉn chu như mạch phim khá đều nhau, không hề có cao trào nên rất dễ khiến khán giả mất kiên nhẫn, nhưng Ngày Không Còn Mẹ vẫn xứng đáng nhận được "cơn mưa" lời khen để trở thành một trong những cái tên ăn khách nhất trên thị trường phim chiếu rạp ở thời điểm hiện tại.

Chia sẻ