6 điều thú vị về viên thuốc tránh thai

Viễn Thông (Theo Ehow),
Chia sẻ

Thuốc tránh thai có thể tham gia vào việc xử lý một số loại bệnh của phụ nữ như: đa nang buồng trứng, viêm màng trong dạ con, thiếu máu, mụn...

1. Được sử dụng hơn cả việc tránh thai

Các viên thuốc tránh thai ngày nay ngoài công dụng chính dùng để tránh thai còn có một số tác dụng khác. Nó có thể tham gia vào việc xử lý một số loại bệnh của phụ nữ như: đa nang buồng trứng, viêm màng trong dạ con, thiếu máu và mụn. Chúng thậm chí còn được sự dụng chứng thèm ăn vô độ.


Tuy nhiên, bạn chỉ cần chú ý đến tác dụng chính của nó và không nên dùng vào mục đích khác khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ. Ngoài mục đích y học, các nhà khoa học còn xem nó là một tác nhân thúc đẩy một “cuộc cách mạng sinh sản” trên thế giới.

2. Có một viên chỉ chứa chất sắt

Viên thuốc tránh thai dành cho ngày cuối cùng trong tháng chỉ chứa chất sắt mà thôi, thay vì các hoóc môn. Đây là chiến lược của các nhà sản xuất thuốc nhằm tiếp thị cho sản phẩm.


Bằng cách này, thuốc tránh thai không chỉ có công dụng tránh thai mà còn giúp bổ sung lượng sắt đã mất trong thời gian “đèn đỏ” của phụ nữ. Với công dụng này, viên thuốc có vẻ thân thiện và được nhiều người chấp nhận hơn. Tuy nhiên, lượng sắt bổ sung có thể khiến một vài chị em cảm thấy một số triệu chứng khó chịu như buồn nôn, táo bón hay tiêu chảy.

3. Có thể ảnh hưởng đến xu hướng lựa chọn người yêu

Một nghiên cứu cho thấy, sử dụng thuốc tránh thai có khả năng ảnh hưởng đến xu hướng lựa chọn người yêu. Thông thường, mỗi người thường lựa chọn người yêu có một hệ gen khá khác biệt so với mình. Đó là nguyên nhân vì sao chúng ta “dễ yêu” phải những người có cá tính khác biệt với mình. Thiên hướng tự nhiên này nhằm đảm bảo có càng nhiều biến thể di truyền để tăng khả năng sinh sản và sức khỏe của thể hệ con.

Khi phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai, hoóc môn này sẽ gây ra một trạng thái như đang mang thai cho cơ thể. Trạng thái này làm ảnh hưởng đến xu hướng lựa chọn người yêu đấy. Bởi trong thời gian mang thai, người phụ nữ rất yêu quí người có hệ gen giống mình.


Đó chính là mối liên hệ tình yêu ruột thịt giữa mẹ và con. Tác dụng này khiến các phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai có xu hướng lựa chọn người yêu càng gần với hệ gen mình càng tốt. Biểu hiện bên ngoài chính là cá tính hay sở thích của đối phương sẽ khá giống mình ấy mà.

4. Làm ô nhiễm sông ngòi và ảnh hưởng động vật hoang dã

Người sử dụng thuốc tránh thai bài tiết ra các hoóc môn tổng hợp từ chúng. Thật không may, các chất này khó bị phân hủy bởi hệ thống xử lý nước thải. Vì thế, khi thải ra sông ngòi có nguy cơ góp phần gây ô nhiễm môi trường. Một nghiên cứu tại Pari đã chứng minh điều này.


Cũng theo nghiên cứu trên, hệ thống sông ngòi bị ô nhiễm nặng vì các hoóc môn trên có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của động vật hoang dã. Việc chúng có ảnh hưởng trở lại đến con người hay không thì chưa thể khẳng định chắc chắn.

5. Ý nghĩa về sự tự do và thiệt thòi

Tại Mỹ, câu chuyện về viên thuốc tránh thai vượt ra khỏi công dụng y tế của nó. Thuốc tránh thai ra đời nhằm mục địch phục vụ cho lợi ích của xã hội xunh quanh vấn đề sinh sản. Katherine Dexter McCormick, một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của viên thuốc tránh thai tuyên bố nó là điều kiện tiên quyết để giải phóng phụ nữ. Phụ nữ được quyền quyết định có nên mang thai hay không mà không cần đến sự đồng ý của nam giới.

Tuy nhiên, đến thập niên 70, một số tác dụng phụ của viên thuốc tránh thai làm thay đổi thái độ của xã hội. Một số phụ nữ cảm thấy bất bình vì tại sao họ phải chịu rủi ro trong cách kiểm soát sinh sản này.


Cho đến ngày nay, câu chuyện ấy vẫn khiến chúng ta suy nghĩ và hối thúc các nhà khoa học bào chế thuốc tránh thai cho nam.

6. Được phát triển từ khoai mỡ

Thành phần chính của viên thuốc tránh thai là chất hoóc môn progesterone. Chất này được các nhà khoa học tìm thấy trong loài thỏ vào năm 1928. Tuy nhiên, để chiết xuất ra hoóc môn này đòi hỏi rất nhiều công sức và là một quá trình rất tốn kém.

Thị trường chính của hoóc môn progesterone lúc đầu không phải là con người mà chính là giới nuôi ngựa đua. Với mức giá từ 80 đến 1000 đô la Mỹ cho một gram, họ mua hoóc môn để tiêm chủng cho các chú ngựa đua của mình. Điều kì lạ hơn, chính là chích hoóc môn này nhằm… cải thiện khả năng sinh sản của ngựa mà không phải để “tránh thai” cho chúng.


Mãi đến năm 1943, Russell Marker, một nhà nghiên cứu tại Penn State (Mỹ), tìm thấy một nguồn chiết xuất progesterone rẻ hơn rất nhiều. Đó chính là khoai mỡ. Một loại khoai mỡ Mêxicô (tên Cabeza de negro) có thể cung cấp một lượng lớn tiền chất để chế ra progesterone.

 Từ đó, viên thuốc tránh thai bắt đầu ra đời với chi phí rẻ hơn, thị trường khác hơn (phụ nữ) và với nhiều mục đích khác (không còn để kích thích ngựa đua sinh sản nữa)
Chia sẻ