5 điều “Tôi sợ” dẫn bước đến thành công

A.D,
Chia sẻ

Bên cạnh những cái “tôi sợ” cản bước tiến của chúng ta trên đường đời, thì lại có những cái “tôi sợ” giúp chúng ta thêm động lực, sự quyết tâm để vươn đến thành công.

Qua hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự và tìm kiếm việc làm uy tín hàng đầu Việt Nam, CareerLink.vn đã nhận thấy ở nhiều người thành công có những cái “tôi sợ” rất đặc biệt. Cái “tôi sợ” đó không khiến họ bị chùn bước, nản lòng mà ngược lại chúng chuyển hóa thành “đòn bẩy tinh thần” tích cực giúp họ nhận thức rõ những vấn đề, khúc mắc trong công việc. Từ đó, họ từng bước phát triển và đạt nhiều thành tựu cho sự nghiệp và hạnh phúc hơn trong cuộc sống.

Tham khảo thông tin việc làm nhanh nhất tại https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-nhanh

1. “Tôi sợ” sự thất bại

“Thất bại là mẹ thành công” - đây là câu châm ngôn mà thế hệ trẻ thường được khuyên bảo khi vấp ngã. Sự thất bại là một trong những bài học phải kinh qua trước khi nếm mùi chiến thắng.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta tự cho phép mình “quyền được thất bại”. Chúng ta sẽ học được nhiều thứ khi bại trận, nhưng không phải vì thế mà ta cứ “học nữa, học mãi”. Những thất bại liên tiếp và mức độ càng ngày càng nặng sẽ khiến ta mất lòng tin, mệt mỏi, chán chường vào công việc để rồi chuỗi quyết định sai lầm cứ thế diễn ra. Một nhân viên mới có thể sai vì không hiểu việc trong những ngày đầu, nhưng nếu cái sai đó lặp lại thì trước sau cô cậu đó cũng bị thôi việc. Sự thất bại càng đáng sợ hơn khi bạn là một người quản lý vì mọi hành động của bạn đều dẫn đến nhiều hệ lụy liên quan đến người khác.

Hãy biết nói “tôi sợ sự thất bại” và can đảm, cẩn trọng, tỉ mỉ khi đối diện với nó. Luôn cố gắng đưa ra những hành động sáng suốt, phù hợp và quên đi câu nói “cứ sai đi vì cuộc đời cho phép”. Thành công luôn tuyệt vời hơn thất bại nên đừng tự u mê mình!

2. “Tôi sợ” sự giống nhau

Sự sáng tạo và dám khác biệt là thứ giúp con người duy trì niềm đam mê với công việc, cuộc sống và khiến cho thế giới phát triển hơn. Bạn cần tôn trọng phạm trù đạo đức chuẩn mực, chấp hành đúng quy định của công việc vì đó là những điều bắt buộc. Còn cái “dị biệt” lại là phép thử nhiệm màu để tách biệt bạn với đám đông ngoài kia.

Chẳng ai là giống ai và chẳng có thành công nào giống thành công nào. Một ý kiến trái ngược của bạn đôi khi là một gợi ý hữu ích cho tập thể, một quyết định “lội ngược dòng” sẽ giúp cho những nhà quản trị tiếp cận với “đại dương xanh” trong kinh doanh.

Tất nhiên, những việc bạn làm đôi khi không nhận được sự đồng thuận từ mọi người, nhưng bạn cần sự can đảm và lòng tin để đi theo những gì mình cho là đúng. Sự giống nhau là thứ giết chết đi sự thành công. Mọi thứ đều cần thời gian và lòng kiên nhẫn để chứng minh điều đó là đúng.

3. “Tôi sợ” những lời khen

Khi bạn đạt được một thành tựu nào đó trong cuộc sống, thì bạn sẽ nhận được vô vàn lời chúc tụng, tán thưởng. Bạn xứng đáng nhận được kiểu lời hoa mỹ như vậy vì sự cố gắng, và nỗ lực không ngừng của mình.

Nhưng sẽ thật nguy hiểm khi bạn cứ mãi “ngủ quên” trên chiến thắng của quá khứ. Cuộc sống luôn không ngừng biến chuyển và thay đổi. Điều bạn làm có thể đúng với hôm qua nhưng có thể sẽ sai với ngày mai, ngày kia. Ngoài ra, có lời khen xuất phát từ trái tim của những người thân yêu bạn. Nhưng cũng có lời khen đến từ người ghen ghét, đố kị với thành công của bạn và họ dùng chúng như một thứ để “ru ngủ” bạn.

Nhận những lời khen là một điều lịch sự nên làm để trân trọng tình cảm mọi người dành cho đóng góp quý báu của bạn. Nhưng bạn hãy nên biết sàng lọc, chú ý và tỉnh táo để phân biệt lời khen nào là tốt và xấu.

4. “Tôi sợ” sự im lặng

Trái ngược với lời khen là sự im lặng và hiển nhiên không phải mọi thứ đều tốt như câu “im lặng là vàng”. Thành công đến từ một tập thể đoàn kết, vững mạnh và những cuộc tranh luận có phần “gắt gao” sẽ như một liều “doping” hữu hiệu đẩy tinh thần của mọi người lên cao.

Chúng ta không cần phải nói quá nhiều, mà chỉ cần nói điều cần thiết. Hãy nói ra những chính kiến của mình dù nó khó nghe, và điều này sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực hơn như câu “mất lòng trước, được lòng sau”. Đừng vì sợ mất lòng người khác mà chọn cách im lặng để cho qua mọi việc. Sự đối lập là một phần của công việc và bạn nên biết cách cư xử hợp lý để giúp mọi việc trở nên tốt đẹp.

5. “Tôi sợ” sự già nua

Sự già nua ở đây không phải ở tuổi tác, mà là tâm hồn. Công việc sẽ bế tắc, cuộc sống đầy “stress” khi bạn luôn càm ràm về sự chậm chạp, ngờ nghệch, hậu đậu của mình. Bạn đổ lỗi tất cả vào độ tuổi và sự tiến bộ chóng mặt của thời đại. Nếu bạn đinh ninh nghĩ như vậy, thì thành công sẵn sàng bỏ qua bạn.

Tuổi tác không phải là một vấn đề lớn. Bạn có thể khởi nghiệp bằng số tiền dành dụm ở tuổi về hưu, nhảy sang một công việc mới lạ, đầy thử thách dù bạn đang ở “tuổi xế chiều”. Chẳng hạn, bạn yêu thích lĩnh vực chứng khoán và đam mê với những con số nhưng bạn không thể bắt kịp “dòng chảy công nghệ”, thì bạn có thể nghĩ đến việc trở thành một cố vấn tài chính cá nhân. Kinh nghiệm và vốn sống của bạn là điều mà những người trẻ luôn khao khát. Điều quan trọng là bạn hãy làm những gì mà trái tim mách bảo và quan trọng hơn hết đó là điều bạn thực sự thích.

Hãy biết “tôi sợ” sự già nua nơi tâm hồn, giống như câu của Benjamin Franklin - một chính trị gia, nhà khoa học, tác giả, triết gia nổi tiếng người Mỹ đã từng phát biểu:“Có những người chết ở tuổi 25 và chỉ đến 75 tuổi mới được chôn”.

Hãy biết nói “tôi sợ” khi bạn cần

Cuộc sống, công việc và mọi thứ đều rất khó khăn. Con người chúng ta luôn có những nỗi sợ, vấn đề đó thậm chí xảy ra với cả chuyên gia trong ngành nghề của họ. Dale Carnegie - một diễn thuyết gia hàng đầu thế giới vẫn cảm thấy hồi hộp mỗi khi phát biểu, và theo ông đó là một phần tâm lý bình thường của con người. Nhưng chúng ta không nên vì thế mà bi quan, chán chường, mà hãy biến những cái “tôi sợ” đó thành liều thuốc trợ lực để giúp ta thành công hơn trong cuộc sống.

Chia sẻ