4 sai lầm dễ gặp của sinh viên mới đi làm

A.D,
Chia sẻ

Sau khi tốt nghiệp, tìm được một công việc vừa ý chính là mơ ước của nhiều sinh viên. Tuy nhiên, giảng đường và công sở là hai môi trường hoàn toàn khác nhau, chính vì vậy nhiều bạn trẻ thường bỡ ngỡ và phản ứng không phù hợp trong công việc đầu tiên họ tìm được.

Dưới đây là những sai lầm sinh viên thường mắc phải mà Trưởng phòng tuyển dụng của Careerlink.vn, website hỗ trợ tìm việc và tư vấn tuyển dụng hàng đầu Việt Nam, muốn chia sẻ với các bạn trẻ.

Tham khảo việc làm được cập nhật mới nhất tại Careerlink.

4 sai lầm dễ gặp của sinh viên mới đi làm - Ảnh 1.

Lý tưởng hóa

Vừa rời khỏi giảng đường, các bạn vẫn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết bùng cháy và sự mong chờ được thể hiện năng lực bản thân, được kết giao với những đồng nghiệp thân thiện và vui vẻ. Nhưng các công ty, dù mới thành lập hay có lịch sử lâu đời, đều có những quy tắc và hệ thống được thiết lập riêng; dĩ nhiên không phải “văn hóa” nào cũng vừa lòng được tất cả các nhân viên. Người thường bị ảnh hưởng và cảm thấy "sốc" nhiều hơn cả chính là các bạn trẻ, bởi có những quy tắc dường như là sự cản trở mong muốn được cống hiến và hết mình của các bạn. Ví dụ như ý tưởng của bạn bị mọi người gạt đi vì thiếu thực tế; hay đồng nghiệp có những lời nói hoặc cư xử khiến bạn cảm thấy tổn thương; hoặc theo suy nghĩ chủ quan của mình, bạn đang phải làm những công việc không đúng chuyên môn hoặc không đúng với thỏa thuận ban đầu. Tất cả những điều này đều khiến bạn cảm thấy thất vọng với môi trường và công việc mình đang có.

Dễ bị lôi kéo

Bước vào môi trường làm việc với nhiều đồng nghiệp khác nhau, bạn không thể biết mối quan hệ của mọi người trong công ty như thế nào, nhưng có một điều chắc chắn là bạn sẽ rất vui nếu những đồng nghiệp cũ vui vẻ chào đón và quan tâm đến bạn. Đây là một tín hiệu tốt vì họ có thể giúp bạn hòa nhập vào môi trường mới một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, nếu trong các cuộc trò chuyện của mọi người thường có một vài “nhân vật vắng mặt” được nhắc đến với những lời bình phẩm mang tính chỉ trích thì hãy cẩn trọng, bởi có khả năng bạn sẽ bị lôi kéo vào những phe phái trong công ty. Lập tức rời khỏi nhóm không phải là cách tốt nhất mà ngược lại, bạn hãy giữ thái độ trung lập khi nghe mọi người trò chuyện, tránh sa đà hoặc tham gia vào chủ đề nhạy cảm này.

Thiếu cân nhắc

Bạn vừa ra trường, sự non nớt và thật thà của một người chưa có nhiều trải nghiệm có thể là điểm dễ thương trong mắt mọi người. Bạn có thể đặt những câu hỏi về công việc hoặc về mọi người rất ngây ngô, thậm chí có phần ngớ ngẩn; hoặc phát biểu cảm nghĩ về đồng nghiệp rất chân thật khiến nhân vật chính “đứng hình”, tất cả đều làm mọi người bật cười vì sự hồn nhiên của bạn. Nhưng về lâu dài, đây sẽ là điểm “khó ưa” khiến mọi người ngại bắt chuyện cùng bạn vì lo ngại sẽ không “đỡ” được với những gì bạn sắp nói.

Hãy “uốn lưỡi” trước khi phát ngôn và nên dừng lại một chút sau khi nói vì bạn sẽ kịp có thời gian để quan sát nét mặt mọi người phản ứng thế nào trước điều bạn vừa nói. Hoặc nếu có ai đó góp ý về cách ăn nói, bạn nên cẩn thận suy nghĩ điều đó đúng hay không và mình nên làm gì để cải thiện.

Hay than vãn

Bạn chưa quen công việc, bạn chưa chịu được áp lực, bạn chưa bắt kịp tốc độ làm việc của mọi người... Tất cả đều làm bạn mệt mỏi, quá tải và đôi khi bạn cảm thấy mình không còn là mình nữa. Bạn bắt đầu ta thán, than vãn về tình trạng của mình với mong muốn được mọi người chia sẻ và thông cảm; đôi khi chỉ là nói để giải tỏa cảm xúc. Nhưng điều này có thể gây tác dụng ngược bởi mọi người sẽ thấy phiền và cho rằng, thay vì dùng thời gian để than vãn thì bạn nên tập trung sức lực để nghĩ cách xử lý công việc tốt hơn.

Ai cũng có thể mắc sai lầm, nhất là khi bạn chưa có bất kỳ trải nghiệm nào về vấn đề đó. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn có cố gắng tìm hiểu để khắc phục hay không? Và nếu được góp ý, bạn có tích cực cải thiện bản thân mình không? Hãy luôn quan sát và học hỏi, chắc chắn bạn sẽ vượt qua được những trở ngại này trong thời gian sớm nhất.

Chia sẻ