Bộ phim của tôi:

"12 Years a Slave": Ai cũng xứng đáng được sống!

Thanh Nguyên,
Chia sẻ

"12 Years a Slave" đã gây tiếng vang khi giành giải Phim hay nhất tại Oscar 2014.

"Ai cũng xứng đáng được sống, chứ không chỉ là tồn tại" - lời phát biểu trong xúc động của đạo diễn Steve McQueen khi nhận giải Phim xuất sắc nhất Oscar 2014 cũng chính là thông điệp xuyên suốt của 12 Years a Slave. Tác phẩm này đã được nhiều nhà phê bình Mỹ vinh danh là bộ phim hay nhất về đề tài nô lệ dù từ trước đến nay, những tác phẩm khai thác đề tài này ở Hollywood không phải là ít và cũng có nhiều bộ phim nổi tiếng như Gone With The Wind hay Django Unchained. 



12 Years a Slave mở đầu bằng cảnh quay người nô lệ Solomon Northup (Chiwetel Ejiofor ) đang chặt mía trên đồn điền của người da trắng. Ngay sau đó, nó đưa người xem trở lại với những hồi ức của Solomon, khi anh còn là một công dân tự do sống hạnh phúc bên vợ con ở New York. Một ngày, Solomon rời nhà đi Washington với 2 người đàn ông lạ mặt, những người tự xưng là nghệ sĩ đến mời Solomon tới chơi violin cho một gánh xiếc với thù lao hậu hĩnh.

Người đàn ông tự do Solomon Northup không thể ngờ rằng, chuyến đi đó đã thay đổi cuộc đời anh mãi mãi. Anh bị bắt cóc và biến thành nô lệ, sống cuộc đời tủi khổ suốt 12 năm ròng, bị chuyển từ người chủ này sang người chủ khác như một món hàng, bị đánh đập và coi khinh, bị ví như động vật, sống không bằng chết... 



12 Years a Slave là một cái nhìn chân thực, trần trụi và khốc liệt thẳng vào những trang đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ở đó, đạo diễn Steve McQueen đã không ngại ngần lột tả thực tế man rợ về cách mà con người đối xử với con người. Trong bối cảnh đen tối ấy, nếu muốn tồn tại, những người nô lệ da đen phải học cách cúi thấp đầu, thậm chí quỳ mọp dưới chân người da trắng, phải học cách ngu muội thay vì hiểu biết, và tốt hơn hết là đừng bao giờ mơ ước gì về tự do xa xỉ. 

Nhưng ngay cả như vậy, sự "tồn tại" của họ vẫn chỉ có giá trị trong một giới hạn nào đó, tùy thuộc vào tâm trạng của những kẻ làm chủ. Minh chứng cho điều này chính là nhân vật cô nô lệ Patsey do Lupita Nyong'o thủ vai - cũng là vai diễn đã mang lại giải Nữ phụ xuất sắc nhất Oscar 2014 cho cô.



Patsey là một nữ nô lệ xuất sắc của gã chủ bạo tàn Edwin Epps (Michael Fassbender). Một mình Patsey làm việc bằng 2 người đàn ông cộng lại nhưng cuộc đời cô vẫn chỉ là những năm tháng đen tối khủng khiếp khi bị gã chủ xâm hại, bị vợ gã tìm mọi cách chà đạp. Patsey làm mọi việc cực khổ nhất mà không đòi hỏi gì ngoài việc được tắm rửa sạch sẽ, nhưng một ngày cô lại phải lĩnh trận đòn thừa sống thiếu chết chỉ vì đi xin một bánh xà phòng để cọ rửa thân thể nhơ nhuốc của mình. Quá khổ sở, người nữ nô lệ ấy thậm chí đã van xin, tìm cách mua chuộc Solomon chỉ để nhờ anh ta hãy kết liễu cuộc đời mình.



Giữa bối cảnh đen tối ấy, Solomon Northup nổi lên như một biểu tượng của tinh thần đấu tranh quật cường, của ý chí không bị gục ngã trước những nỗi đau thể xác. Điều giúp anh nuôi nấng niềm tin và hy vọng vào tương lai chính là hai tiếng gia đình thân thương - là mái ấm nhỏ bé với một người phụ nữ và 2 đứa trẻ vẫn ngày ngày ngóng trông anh suốt 12 năm ròng rã.

12 Years a Slave là một bộ phim chỉ đơn thuần hiện thực trần trụi, không có nhiều tình tiết kịch tính nhưng vẫn có sức lôi cuốn khán giả phải dõi theo hành trình từ "tồn tại" vươn lên để "sống" của Solomon trong suốt chiều dài hơn 2 tiếng. Làm nên thành công của phim ngoài một cốt truyện xuất sắc còn là những chi tiết đặc tả đắt giá và một dàn diễn viên với diễn xuất tuyệt vời. 



Trong đó, Chiwetel Ejiofor khiến khán giả ấn tượng bởi vai diễn Solomon với ánh nhìn sắt đá, một ánh nhìn không thể khuất phục dù trong hoàn cảnh tăm tối nhất. Michael Fassbender lại tạo dựng một hình tượng khác thông qua hình ảnh gã chủ đồn điền tàn bạo Edwin Epps với tính khí lúc lạnh như băng, lúc lại cuồng loạn như lửa, kẻ luôn coi nô lệ là tài sản sở hữu, là món hàng hóa mua đi bán lại hoặc không thích thì sẵn sàng vứt đi, không hơn không kém... 

Bên cạnh đó, dù xây dựng một thế giới gai góc và man rợ nhưng bộ phim cũng không thiếu những khuôn hình đẹp, những sự tương phản đầy ám ảnh như cánh đồng bông trắng ngút ngàn và làn da đen bóng của người nô lệ là một ví dụ...

12 Years a Slave không phải là một bộ phim xem để giải trí đơn thuần, đây là một bộ phim xem để đau, để suy ngẫm và xót xa. Và nếu đã xem, chắc chắn tác phẩm này sẽ còn ám ảnh bạn trong một thời gian dài.
Chia sẻ