"Chúng tôi đâu có nhiều trăm triệu view như các bạn thế hệ sau? Mặc khác, thế hệ chúng tôi lại kiên định với giấc mơ đứng trước khán giả".
Các bạn đàn em cũng có những thứ mà nghệ sĩ kỳ cựu như chúng tôi thèm khát. Nhìn chung, chúng ta luôn thèm khát thứ của người khác. Tôi nghĩ, đó là sự khác nhau trong cách làm của mỗi thế hệ. Chúng tôi đâu có nhiều trăm triệu view như các bạn thế hệ sau? Mặt khác, thế hệ chúng tôi lại kiên định với giấc mơ đứng trước khán giả của mình. Công tâm mà nói, nghệ sĩ nào cũng mong muốn được hát trực tiếp trên sân khấu, trước rất đông khán giả. Và để đạt được cái này, đôi khi chúng ta phải hy sinh cái kia.
Đó là sự hy sinh không xuất hiện liên tục, phải kìm nén cái mình muốn để được cái dài hơn. Sự kìm nén không gặp khán giả trong một khoảng thời gian là điều rất khủng khiếp với người hát. Nhưng phải kìm nén. Kìm nén sẽ làm mình và khán giả cảm thấy mỗi lần gặp nhau là xứng đáng.
Cái gì cũng vậy - kể cả yêu nhau mà gặp nhau nhiều quá cũng chán. Phải biết giữ lửa, phải có khoảng cách đủ để mong chờ và thèm khát. Điều đó cũng có nghĩa là ta sẽ phải hy sinh.
Dù là tôi chủ động nói không, nhưng khách quan ngược lại thì là do mình làm việc đó cũng… dở. Tôi có từng thử và cố gắng học theo những công thức đó, nhưng lại thấy đây chẳng phải con người mình. Điều này còn liên quan tới nỗi sợ hãi nữa. Khi quyết định làm vậy cũng có nghĩa là phải đối mặt và bước qua nỗi sợ hãi của việc nếu mình không xuất hiện, biết đâu mình lại lỡ mất một cơ hội thì sao.
Là khi tôi không còn gì để mất và chấp nhận rằng mình sẽ bị lãng quên. Có vài lần, tôi từng chia sẻ về concert đầu tiên - concert quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình - Cafe in Concert. Tôi xác định đây sẽ là concert duy nhất, đồng nghĩa cuối cùng của mình. Thời điểm đó, tôi không tìm thấy sự hào hứng và không còn gần gũi với khán giả. Tôi sẵn sàng làm một concert để kỷ niệm rồi nói lời chia tay với âm nhạc. Thế nhưng, 2 đêm diễn đó đã sinh tôi ra thêm 1 lần nữa với âm nhạc, cho tôi thấy khán giả của mình là ai, họ thế nào, và khiến tôi sực nhận ra mình đã vội vã, vô cảm ra sao.
Ngay lúc đó, tôi biết mình chẳng còn gì để mất. Từ bây giờ, hãy gạt bỏ đi mọi công thức và tập trung hướng đến khán giả của mình mà thôi.
Đó chính là cái khó nhất đấy. Với tôi những lần thất bại lớn nhất vẫn là những lần chọn đứng sai sân khấu. Cho đến tận bây giờ vẫn có vài lần tôi xuất hiện mà không tìm hiểu kĩ chỗ mình hát là gì, khán giả là ai? Điều đó tạo ra sự khó chịu về âm nhạc cho cả người hát lẫn người nghe.
Tôi vẫn có những lần như vậy, dù không bầm dập như 10 năm đầu tiên trong sự nghiệp của Hà Anh Tuấn. Trong 10 năm đầu tiên, có những ngày hát xong tôi về không ngủ được vì mình nghĩ âm nhạc của mình chẳng có gì. Người nghe không vui, còn mình thì hát không giống nghệ sĩ. Việc hát như một cách đối phó, và tôi từng đối xử với việc hát như thể đây là công việc đi làm hàng ngày.
Lúc đó tôi đã nghĩ: Nếu như mình đi làm nghề khác thì sao? Ngày chưa làm nghệ sĩ, tôi nhìn về âm nhạc như một vùng đất vô cùng sung sướng và lấp lánh, vậy mà đến lúc được làm ca sĩ rồi, có lúc lại đánh mất cảm giác này.
Tôi không đủ giỏi để đánh giá cách làm của các bạn trẻ, dù muốn cũng không làm được như các bạn. Nên tôi nghĩ, khi ta quá thèm muốn cái của người khác, ta sẽ mệt mỏi. Nhưng khi quay trở lại, ta sẽ tìm thấy sự kiên định. Tôi kiên định với âm nhạc và lối đi mình của mình. Quan trọng nhất, những gì mà mọi người thấy tôi đang có là nhờ may mắn thôi. Không có may mắn thì chẳng thể nào được việc. Người ta có câu “Khi thành công thì nói gì cũng dễ”, tôi nghĩ cũng đúng.Tôi từng thử cách làm của người khác, nhưng đâu có được. Vậy nên tôi cũng chẳng biết được công thức nào đó đâu. Chỉ là sự may mắn thôi.
Cách đây khoảng chục năm, tôi liên tục được mời hát countdown ở Phố đi bộ Nguyễn Huệ. 5 năm liên tiếp. Sau đó tôi bắt đầu thấy… chán. Hát xong đi về cũng khó khăn, phải chen lấn với khán giả, năm nào cũng giống năm nào - vậy nên là ngưng. Năm rồi lại được mời hát, tôi tìm thấy niềm vui và sự háo hức, khi vẫn có cơ hội đứng trước bao nhiêu con người trong thời khắc chuyển giao. Giữa không khí countdown, khán giả là của chung, ai cũng háo hức đón chờ năm mới, và mình lại là một phần của năm mới đấy. Tôi cũng muốn tham gia để xem năm nay các nghệ sĩ trẻ đang làm âm nhạc gì. Một cảm giác vừa mới, vừa cũ của một người đã… hơi già.
Tôi thấy rất thích. Tôi giống một tờ giấy trắng đứng sau cánh gà quan sát - chẳng biết các bạn đang hát gì, nhưng rất ấn tượng và thích. Các bạn producer, beat maker rất giỏi, tạo ra nhiều sự khác biệt, năng lượng mới trong sản phẩm của mình. Việc quan sát các bạn khiến tôi yêu công việc của mình, và cũng học được vài thứ. Tôi rất thích các producer trẻ của thế hệ này, nhìn cách họ chững chạc bước ra ánh sáng, chủ động trong công việc và tự tin quảng bá tên tuổi mình. Điều này rất khác với thế hệ trước, đa số các anh sẽ lui vào phòng thu. Ở thời đại này, người trẻ có các hình thái xã hội mới nên khi bước ra ánh sáng, các producer cũng tỏa sáng rực rỡ như ca sĩ. Điều đó rất thú vị khi có thể khiến năng lượng của ca sĩ và producer tạo ra những “combo” mới cho khán giả. Các bạn rất tự tin, không sợ hãi và đó chính là cái quý giá nhất của tuổi trẻ. Tôi bị choáng ngợp vì điều này.
Còn cái chưa hay thì chắc khi thấy mấy đứa nó hát, mình cũng thèm nhảy vào hát thôi. Mình nghĩ trong đầu: À! Với bài đó thì mình sẽ hát thế này chứ không hát thế kia. Nhưng chẳng quan trọng, đó là việc của cá nhân mình. Điều đó đến từ việc khác biệt thế hệ thôi.
"Mọi người nghĩ rằng mình là robot, tính đường đi nước bước thế này thế kia, nhưng đâu ai tính lại ông trời?"
Ai cũng nghĩ tôi tính toán giỏi. Mọi người nghĩ rằng mình là robot, tính đường đi nước bước thế này thế kia, nhưng đâu ai tính lại ông trời? Tôi không nghĩ See Sing & Share là một thứ tiên phong, nó chỉ là một sự xuất hiện hữu duyên.
Thời điểm ấy, tôi đang downmood nhất. Có rất nhiều chuyện đã xảy ra và nỗi buồn của tôi thăm thẳm. Tôi nói với các bạn trong công ty rằng tôi không muốn đứng hát, không muốn thu bài trong phòng thu. Hãy cho tôi ra giữa đất trời, cho tôi hát một cách tự nhiên và bản năng. See Sing & Share ra đời vì thế. Chúng tôi chẳng có kinh nghiệm, cứ liều lĩnh với rất nhiều lần nguy hiểm nhưng điều đó vô tình lại tạo ra cảm xúc. Và cũng vì cảm xúc - khán giả mới ở lại. Có lẽ họ cảm nhận được trong đó sự ung dung tự tại của những con người khi đứng giữa thiên nhiên.
Sau này, tôi thấy rất nhiều bạn đã sản xuất theo cách đó với một tâm thế, tinh thần và chất liệu khác. Càng nhiều bài hát hay và nổi tiếng thì càng là một điều đáng mừng. Tôi thấy, mọi người gần đây nhạy cảm với từ “cover”. Thật ra khi hát See Sing & Share, tôi không nghĩ nhiều. Chỉ thấy đó là bài hát yêu thích của mình, đồng nghiệp hát thấy hay thì mình hát lại. Hiện tại, khán giả có quan điểm rằng không nên cover nhiều. Tôi nghĩ điều này hợp lý. Một dự án phải ra đời với mục đích rõ ràng chứ không chỉ cover để bài hát được yêu thích. Nếu cover nằm trong một concept, một thông điệp cụ thể và truyền tải những câu chuyện riêng về âm nhạc thì sẽ được nhìn nhận rất khác.
Đúng là trời cho khán giả, trời cho duyên. Nhiều người hát hay và cũng thông minh, nhưng lại vô duyên thì vẫn phải chờ thêm những cơ hội nữa.
Cái cảm giác bạn nhắc đến là cảm hứng làm việc. Sau khi quay xong See Sing & Share mùa 1 thì cảm hứng của tôi dâng trào. Thứ nhất, tôi nghe thấy một tín hiệu từ khán giả và công chúng của mình. Thứ 2, tôi nghe thấy chính mình có thể đi bao xa nữa. Cộng cả hai lại như một ngọn lửa bùng lên, tiếp thêm sức mạnh để tôi làm chuỗi concert đến tận bây giờ.
Tôi nghĩ không bao giờ nên than phiền về những gì mình đang làm và theo đuổi. Nhưng cũng mong khán giả hiểu rằng sau mỗi lần làm xong concert, tôi có thể chỉ nằm im trong 3 ngày vì cạn kiệt. Cái cảm giác bị rút hết sức lực khiến tôi thậm chí chẳng muốn trả lời bất cứ câu hỏi nào từ ai. Khi đó, tôi biết điều mình làm là đúng. Khi bạn làm xong một dự án âm nhạc, bạn hát xong một chuỗi concert mà ngày hôm sau vẫn tỉnh táo, hân hoan - tôi nghĩ đó không phải là hát mà chỉ là đang đi làm. Mừng nhất là cho tới bây giờ, sau mỗi concert thì Hà Anh Tuấn vẫn rã rời, vẫn mệt mỏi. Đó chính là món quà quý mà nghề nghiệp đã dành cho mình.
Tôi cũng luôn thắc mắc và rất ngưỡng mộ vì họ đi tour cả trăm đêm diễn mà cũng chỉ với mấy bài hát đó thôi. Chắc là mình… không làm được. Khả năng mình không có, khán giả cũng không có để mà làm nhiều như vậy. Mà làm được để làm gì? Ok, mình sẽ có tiền tài và vật chất, nhưng cũng để làm gì? Ta đâu có sống nhiều hơn người khác là bao? Thế thì ta làm gì để sống hạnh phúc là được. Với Tuấn, mọi thứ hiện tại đều đang rất vừa vặn.
Đấy là một điều rất đúng, và nó biến người nghệ sĩ thành kẻ rất dễ ngoại tình, phải không? Ta luôn muốn thêm nhiều tình yêu mới nhưng không thể nào từ bỏ tình yêu cũ. Nhưng điều này đúng ở khía cạnh tiếp nối của âm nhạc. Nếu anh chỉ hát bằng mấy bài trong suốt vài chục năm sự nghiệp cũng có nghĩa rằng anh đã dừng lại. Phải trải qua những thử thách mới, phải hiếu kỳ khám phá xem vùng đất của ta rộng lớn ra sao? Liệu trong ta có còn năng lượng gì mới mẻ hay không? Những dự án âm nhạc mới sẽ đến dù đôi khi, sự thất bại luôn chực chờ trong những điều mới mẻ đó. Tôi nghĩ, chữ ám ảnh nhất với dân làm nhạc thế giới chắc là “flop”.
Chính xác. Bạn đo bằng gì? Bạn đo bằng công thức này thì flop nhưng đo với công thức kia lại cảm thấy vui. Vậy nên người nghệ sĩ luôn có những sự sợ hãi thường trực và Tuấn cũng thế. Phải bước qua được nó để sáng tạo và tìm vùng đất mới.
Tôi có một cái hơi “điên khùng”, đó là tôi thường đặt câu hỏi về cách mọi thứ vận hành. Tại sao lại không thể thế này? Tại sao không thể khác đi? Ngay từ dự án “Truyện ngắn” mà tôi hợp tác với Phan Mạnh Quỳnh, tôi đã rất liều mà giới thiệu album ngay trên sân khấu concert. Hầu hết khán giả đến concert đều thích sở hữu một điều gì đó để mang về. Nhưng ngược lại, cũng có những khán giả không muốn ta mang lên sân khấu cái gì mới quá. Họ muốn hòa mình vào những thứ đã quen thuộc bởi họ biết chắc đó là điều họ đã yêu. Họ muốn gặp lại người yêu cũ.
Nhìn lại thì đã có rất nhiều thứ liều lĩnh diễn ra trong đêm hôm ấy, và điều cuối cùng tôi nghĩ là sự dũng cảm của mình cũng đã được khán giả trân trọng. Những gì mình làm trên sân khấu, những bài hát mới xuất hiện đúng vị trí của nó là điều khiến tôi mừng nhất. Khi tất cả đều đang nhìn cái ghế từ một hướng, tôi sẽ luôn tìm mọi cách thử đứng đây, đứng kia để xem hướng nhìn của mình có đẹp hơn không? Ngay cả khi mọi người nói rằng chỗ họ đang đứng là đẹp nhất rồi, tôi vẫn sẽ chọn cách riêng của mình nếu nó là đẹp trong mắt tôi. Vậy là đủ.
2 đêm diễn sắp tới sẽ là lần đầu tiên tôi hát các tác phẩm trong dự án mới với 2 nghệ sĩ lớn là ông Kitaro và nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. Điều này rất liều lĩnh, bởi âm nhạc của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh là một ngôn ngữ âm nhạc rất mới. Chưa bao giờ tôi thu âm mà… mệt như vậy. Nhưng tôi rất trân quý bởi chính sự mệt đấy mới cho tôi cảm giác mình đang phải bò lên. Có thể khán giả của tôi sẽ cảm thấy thử thách vì họ có những tưởng tượng khác về âm nhạc trong 2 đêm diễn. Nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là tôi cảm thấy thế nào.
Thật ra, trở thành người lạ với khán giả khi ở trên sân khấu là điều khủng khiếp nhất với những người hát. Nếu cái mới không nối tiếp từ sợi dây cũ, không lấy cảm xúc cũ của khán giả để tiếp tục thì nó sẽ trở nên xa lạ. Tôi mong khán giả hiểu vì sao nghệ sĩ luôn có những tính toán riêng mỗi lần bước trên sân khấu. Sự lạnh lùng, lạ lẫm, hay chết đứng trên sân khấu sẽ là nỗi ám ảnh lớn nhất của những người hát, nhất là những người hát lâu năm.
Nó quay lại câu chuyện rằng bạn đã chuẩn bị gì cho lần giới thiệu đó? Valentine sắp đến, mời “người yêu” đi ăn tối, mang họ đến một nơi không liên quan đến những ký ức từng có với nhau, gọi những món chưa bao giờ ăn, chuẩn bị những bó hoa chưa bao giờ tặng. Họ có thể không thích, có thể không thấy thân thuộc. Nhưng nếu trước đó vài ngày, ta có một sự chuẩn bị, ta gợi ý rằng lần này ta sẽ đưa họ đến không gian thế này thì sao? Sẽ chẳng ai từ chối cái mới đấy hết. Dĩ nhiên, phải có sự chuẩn bị về tâm lý, thật chu đáo về cách tiếp cận. Bạn phải vuốt ve rồi mới giới thiệu người ta đến thế giới mới. Ai nỡ trách những mới mẻ? Bởi nếu không có mới mẻ, không có sáng tạo thì thế giới này sẽ chẳng thể vận hành.
Tôi mời ông Kitaro cho “Chân trời rực rỡ”. “Chân trời rực rỡ” ra đời trước và Tuấn tìm mọi cách để mời ông Kitaro về vì Tuấn thấy đấy là mảnh ghép tuyệt vời nhất.
"Tôi từng nghĩ được đứng chung sân khấu với Kitaro nhưng không dám nói với ai."
Tôi không chờ sự may mắn rơi xuống rồi mới bắt đầu thiết kế một vùng không gian cho sự may mắn đó. “Chân trời rực rỡ” là thứ ngay sau đêm diễn Truyện ngắn là tôi đã muốn làm. Nếu để ý, khán giả hẳn sẽ nhớ sau lời chào tạm biệt khán giả trên sân khấu Hà Nội, tôi có nhắn rằng sẽ bay đi và tìm kiếm một vài điều và quay trở về. Lúc đó, trong đầu tôi là “Chân trời rực rỡ” và sau đấy là ông Kitaro."
Từ nhỏ, tôi đã nghe Kitaro (như hàng triệu người khác), đã thuộc những đoạn nhạc của ông trong các fashion show. Tôi thấy bình yên và rất gần gũi với văn hóa Á Đông. Tôi đã nghĩ trong đầu, mơ rằng nếu một ngày được đứng chung với ông Kitaro và hát những bài bất hủ thì thật tuyệt. Nhưng tôi chẳng dám nói với ai, bởi nói ra mà không làm được thì sẽ là một gánh nặng cho mình.
Lần đầu tiên gặp ông Kitaro ở Tokyo, ông đã nói thế này: “Tôi chờ một lời mời về Việt Nam từ rất lâu rồi mà không thấy ai mời”. Nghe câu đấy, tôi thật sự xúc động. Ông Kitaro chỉ băn khoăn 1 điều duy nhất, đó là khi ông xem show diễn ở Đà Lạt của tôi trên Youtube, ông lo rằng quy mô đó hơi to so với ông. Ông thích âm nhạc ở những không gian nhỏ hơn. Nghe vậy, tôi nói rằng: “Tôi đảm bảo với ngài, dù quy mô có to hơn nữa, nhưng khi ngài biểu diễn, tất cả khán giả sẽ không nói gì và giữ một sự yên tĩnh tuyệt đối”. Sau 2 tiếng trò chuyện, ông nhận lời và nói rằng tôi rất vui sẽ về biểu diễn với cậu. Cuối cùng, ông đứng dậy và cúi đầu chào rất lâu. Tôi cũng hấp tấp đứng dậy cúi chào. Hai người đàn ông, cúi chào nhau 30s. Chỉ 30s thôi nhưng đã dạy tôi rất nhiều về sự khiêm tốn, về tâm thế của một người làm nghệ thuật, và cách để trở thành một ngôi sao.
Không! Thật khủng khiếp! Mọi người cứ nói rằng Covid sẽ thay đổi hành vi, và rằng tất cả bây giờ sẽ chỉ muốn ở nhà. Hãy thử nhìn quanh xem, mọi người đang đi du lịch trả thù ầm ầm ngoài kia kìa!
Thời điểm ấy, tôi không được gặp bạn bè mà chỉ nhìn thấy nhau qua Zoom. Ta đâu thể nhìn qua màn hình mà nói tôi rất yêu bạn, đừng nói đến việc hát. Ngày trước, mỗi lần concert, tôi hay làm livestream để “kick off”. Tôi thấy khán giả của mình đằng sau camera bé tí kia, nói mà không biết họ có cười không? Liệu mình có đang vô duyên không? Khán giả có đang say sưa và vui vẻ với mình không? Từ lúc đấy, tôi hiểu rằng mình không bao giờ thuộc về E-concert. Không được hát nữa thì chắc bỏ hát luôn, còn hơn là phải tương tác với một thứ vô hồn. Mình không thấy, không chạm được khán giả của mình thì thật là một điều khủng khiếp.
Bởi tôi thấy tại sao mình phải bỏ công sức và rất nhiều thời gian, tiền bạc vào một thứ rồi lại phải chờ xem có bao nhiều người nghe, xem nó miễn phí? Và nếu đã miễn phí rồi mà lại còn không nhiều người xem thì sẽ rất buồn. Tham gia vào cuộc chơi mà không được nữa thì hẳn hụt hẫng lắm. Vậy nên tôi… không chơi. Đó cũng chẳng phải mình. Tôi không thích chụp hình, quay phim, cũng không thích đứng trên sân khấu quá lâu vì ánh đèn làm mắt tôi mỏi. Tôi chỉ thích hát, thậm chí người ta chẳng nhìn mặt mình cũng được. Hát acoustic, hát với đàn guitar, với piano, gì cũng được. Một khi đã xác định cuộc chơi đó không phải mình, không phải con người mình muốn thể hiện thì dẫu có làm cũng chẳng thể tốt được. Vậy thì chơi làm gì? Hãy chọn một con đường khác.
Thế thì tôi nghĩ tình yêu chưa đủ lớn. Nếu yêu ở lớn, bạn không tìm thấy tôi ở đây thì sẽ tìm thấy tôi ở nơi khác. Nhưng đó là những câu chuyện của người làm marketing, đâu phải của nghệ sĩ. Những con số nói lên nhiều điều nhưng đồng thời cũng mang tính sát thương. Vì vậy, nếu tôi cảm nhận nơi nào có nhiều rủi ro cho tâm lý mình thì tôi ra chỗ khác. Khán giả cũng sẽ biết mình ở đâu để kiếm tìm.
Từ bé đến giờ, tôi nổi tiếng là người quyết liệt. Đôi khi sự quyết liệt ấy gây ra phiền lòng cho những người xung quanh. Nhưng may là những quyết liệt ấy đều mang đến kết quả đúng, vậy nên tôi chưa phải chịu trách nhiệm quá nhiều với sự quyết liệt của mình. Một vài lần, tôi cũng vô tình gây tổn thương đến những người xung quanh, đó cũng là bài học để tôi tự vấn lại chính mình.
Tôi hoàn toàn hiểu tâm lý của những nhân vật như vậy, nhưng tôi không thuộc type người đó. Tôi luôn có sự khoan nhượng. Tôi biết rằng sự quyết liệt là đặc tính trội trong mình, vậy nên tôi luôn tự nhắc bản thân hãy nhìn mọi thứ bằng sự bao dung, thấu hiểu và tha thứ. Trong ta ai chẳng có 2 nửa thiên thần và ác quỷ? Cả hai luôn mâu thuẫn và giao tranh. Đặc biệt, trong ngành nghề của tôi, phần yêu quái luôn sẵn sàng trỗi dậy. Nếu ta không ý thức được việc đó và cố thủ vào phần còn lại - chắc chắn một ngày ta sẽ trở thành yêu quái.
Hãy chọn cho mình những cộng sự và bạn bè thật đúng. Trước khi bắt đầu sự nghiệp, đặc biệt là những sự nghiệp liên quan đến danh tiếng, hãy chắc rằng những người xung quanh là người tốt. Họ sẽ quyết định trên 50% đích đến của bạn là thiên đàng hay địa ngục.
Từ xưa khi còn đi học đến tận bây giờ, tôi chọn bạn chơi mà chưa bao giờ phải ân hận. Những cộng sự bây giờ hay những người thân tín nhất - tôi cũng chưa chọn sai. Họ sẽ là người mắng mình mỗi khi phần yêu quái chiếm lấy. Và nếu ai hỏi bí quyết thành công của Hà Anh Tuấn, tôi sẽ không ngại ngần mà nói rằng là nhờ tôi đã chọn được những người xung quanh trước khi làm nghề.
Già mà. Biểu hiện đầu tiên của sự già là tôi thấy sức khỏe của mình so với cách đây 10 năm đã khác. Bây giờ đi hát phải chuẩn bị cho sức khỏe rất nhiều, cũng là bởi phần biểu diễn của mình đã nặng đô hơn so với ngày xưa. Thứ hai là tôi biết sợ. Biết sợ là một biểu hiện của những người đã trưởng thành và chững chạc. Thứ ba là khi ngồi cùng những người bạn cùng thế hệ, sẽ bắt đầu chê bọn trẻ chỗ này, chỗ kia. Bắt đầu có những bình phẩm rằng tại sao chúng nó hát như thế? Tại sao nhạc lại thế? Phát ngôn như thế? Thật ra chẳng làm sao cả. Chúng nó là… chúng nó. Không thể nghĩ như thế được! Ngày xưa, ở lứa tuổi đó mình cũng làm những thứ y như vậy, người lớn mà chê hay tỏ ý hoài nghi thì sẽ khó chịu biết bao. Giờ mình lại y chang người lớn ngày xưa. Biết mình già vậy rồi, thì cũng là lúc phải tìm cách để trẻ hóa ra.
Tuấn sợ nhất là già về sự cực đoan, nó khiến ta khó chịu cả ngày. Có nhiều khi tự hỏi tại sao mình lại cực đoan đến thế? Năng lượng của mình đâu? Ngày xưa mình đâu sợ gì? Làm nhạc cũng chẳng quan tâm đến ai. Lớn lên rồi, khán giả đông hơn thì mình lại sợ. Sợ làm cái này hay cái kia họ sẽ thấy không hay. Với người làm nghệ thuật, việc đó hơi nguy hiểm.
Nếu nói vui thì tôi luôn xác định mình là một người khởi nghiệp và chẳng có gì để mất. Tuổi nghề của tôi cũng không phải ít, hình dạng trên sân khấu cũng đã định hình. Bây giờ làm gì mới thì phải nằm trong mức độ thôi, tránh được rủi ro gây shock tâm lý. Tuy nhiên, xét về mặt còn lại thì không thể cứ an toàn trong suy nghĩ làm nhạc nghệ thuật được. Đó là một điều đáng chán và khiến ta đi tụt về phía sau! Phải chọn điểm cân bằng ở giữa cái tôi và khán giả là điều khó nhất. Đó là lý do vì sao một năm tôi đi hát vài lần, thời gian còn lại để… nằm nghĩ.
Ngày xưa, bạn tưởng tượng khi Tuấn của 20 tuổi, 10 năm đầu tiên của sự nghiệp chẳng bao giờ quan trọng chỗ này hát gì, chỗ kia xuất hiện trong event ra sao. Tuấn sẽ giống nhau hết, từ hình dáng, quần áo, tâm thế cho đến nụ cười. Khi ấy, mình chưa giống một nghệ sĩ. Mãi sau này khi trở thành một nghệ sĩ thực thụ, mình quý mỗi lần mình xuất hiện, được đụng chạm và nhìn ngắm, trò chuyện với các khán giả của mình. Sướng vô cùng mà không thể diễn tả bằng lời. Đó là đặc ân lớn nhất của người nghệ sĩ.
Về hình thức thì không sợ vì rõ ràng những năm tôi ba mươi mấy đẹp hơn ngày xưa. Đó cũng là nhận xét của mọi người. Nếu già đi mà cuộc sống đang hay lên thì là mình đẹp.
"Tôi đau đáu nghĩ mãi về ngày mình phải chết kể từ khi một người thân ruột thịt vĩnh viễn ra đi. Đó là lần duy nhất tôi phải thua, thua mà không thể làm gì".
Nói những điều này ra vào những ngày đầu năm thì thật không nên, thôi thôi kệ đi. Tôi luôn tìm hiểu về ngày mình phải chết và chuẩn bị tâm thế cho nó. Tôi cứ đau đáu nghĩ mãi về chuyện đó kể từ khi một người thân ruột thịt vĩnh viễn ra đi. Cho đến lúc đó, đấy là lần duy nhất tôi phải thua, thua mà không thể làm gì. Sau này, tôi mới hiểu rằng cuộc sống không chỉ có những lấp lánh và reo hò, không chỉ có những đám đông và sự hân hoan. Bản chất cuộc sống là sống và chết. Đó là điều quan trọng nhất.
Khi ta chấp nhận việc mình ra đi như thế nào, chấp nhận điểm kết thúc của cuộc đời mình, tôi đoán phần còn lại sẽ rất an nhiên và trọn vẹn. Ta thôi mơ mộng vào những điều vô nghĩa, rằng mình phải có bằng đấy tiền bạc và tài sản, rằng mình phải được ca ngợi và trở thành huyền thoại. Không quan trọng. Quan trọng là ta đã sống một cuộc đời đủ đẹp và đủ vui, để khi ta ra đi, ta chẳng còn gì tiếc nuối.
Tôi nghĩ nói về chuyện đó cũng chẳng phải xui xẻo đâu vì nó vốn hiển nhiên mà. Nếu ta chưa hiểu rõ về cái chết thì ta chẳng thể sống sao cho đúng, giống như cứ lái tàu rong ruổi giữa đại dương mà không thấy bến bờ. Tôi luôn nhìn về bến trước rồi mới lang thang, để dẫu chuyến đi xa xôi tới đâu cũng sẽ một ngày được cập bến.
Có, nó thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ của tôi. Thứ nhất, ta không thể sống theo công thức của ai bởi ai cũng đang lo cuộc đời mình chưa xong thì sao chỉ cho người khác? Thứ hai, chết đi rồi không thể mang theo được gì. Vậy nên người thành công nhất sẽ là người vừa trút hết hơi thở cuối cùng thì cũng hết đồng xu cuối. Kể cả là con cái, đừng để lại tài sản cho chúng. Chúng có chân tay, có trí óc, có sự lựa chọn và liều lĩnh thì hay đi kiếm sống đi, khó khăn quá thì về đỡ cho một chút. Thứ 3, 90% người đang yêu bạn, 10% ghét bạn. Chúng ta sẽ cứ nhìn hoài về 10% đấy mà quên hẳn đi 90% kia. Tôi từng là như vậy đấy. Tôi từng nghĩ tại sao mình không làm gì mà người ta vẫn có ác ý, vẫn quên hẳn đi những phần mình được đón nhận.
Vì không hiểu gì về cuộc sống nên bây giờ tôi phải tập học để hiểu về nó. Và mỗi ngày, tôi đều học để hiểu rõ hơn những chuyện này.
Không. Ai cũng đòi ra nhạc là phải có hit, vậy thế nào là hit bây giờ? Định nghĩa bản hit là đi đâu người ta cũng nghe, cũng hát? Tôi nghĩ, hit là sự may mắn, khán giả dành cho thì quá tuyệt vời. Còn với những người có tuổi nghề như tôi, chắc có lẽ điều đó không còn quá quan trọng nữa.
Bạn bè hay nói tôi rất may vì có khán giả và công chúng. Tôi đã nói rồi, đi gặp lại “người yêu cũ” thì đâu quan trọng “người yêu cũ” mặc gì, mặt mũi dạo này ra sao? Nhưng cũng đừng xấu quá, xấu quá là lần sau hạn chế gặp lại. Vậy nên tôi khá an nhiên. Áp lực lớn nhất là mình hát cái đêm diễn đó có sướng không? Bản thân mình phải là người đầu tiên thấy chán chứ khán giả không được chán. Đừng để mình hát xong tự thấy hay mà khán giả ra về trong chán nản. Vậy nên mong ước lớn nhất của tôi, đó là từ nay về sau, mỗi một ý tưởng âm nhạc hoàn thành là đủ sung sướng cuộc đời. Điều đó cũng có nghĩa rằng tôi vừa được sống thêm một điều hay trên cõi này.