Trẻ bị chân tay miệng nên tắm lá gì?

Minh Nhật,
Chia sẻ

Bên cạnh các thuốc điều trị, việc sử dụng những loại lá từ dân gian để tắm cho trẻ là một trong những cách hỗ trợ, giảm khó chịu cho trẻ hiệu quả. Vậy trẻ bị chân tay miệng nên tắm lá gì?

Bệnh chân tay miệng ở trẻ em

Bệnh chân tay miệng là bệnh truyền nhiễm rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 4 tuổi. Đây là bệnh truyền nhiễm do virus có tên coxsackievirus gây ra. Bệnh chân tay miệng thường tự khỏi trong vòng 7 - 10 ngày nếu bé mắc bệnh ở dạng nhẹ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên chủ quan, cần có những phương pháp điều trị và chăm sóc để trẻ nhanh khỏi bệnh và hồi phục sức khỏe.

Ngoài việc tuân thủ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì cách tắm rửa, vệ sinh cho trẻ bị chân tay miệng hàng ngày cũng đóng vai trò quan trọng để giúp tình trạng bé mau khỏi bệnh.

Trẻ bị chân tay miệng nên tắm lá gì Afamily

Vậy trẻ bị chân tay miệng nên tắm lá gì?

ThS.BS. Nguyễn Quang Dương, Phụ trách khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh chia sẻ trên báo chí những loại lá sau có thể tắm cho trẻ bị bệnh chân tay miệng.

1. Tắm nước lá chè xanh

Theo Y học cổ truyền, lá chè xanh có tính hàn, vị chát, đắng và hơi chua, không có độc. Loại lá này đã được nghiên cứu cho thấy có chứa chất kháng khuẩn có khả năng chống nhiễm trùng. Do vậy, nếu vẫn chưa biết bệnh chân tay miệng tắm lá gì thì bệnh mau khỏi thì nên dùng lá chè xanh nhằm giảm các nguy cơ nhiễm trùng khi các nốt bọng nước bị vỡ. Tuy nhiên, vì da trẻ rất mỏng manh và dễ kích ứng nên mẹ cần chọn những lá chè tươi, sạch và không có các hóa chất gây hại cho da để tắm cho bé.

Cách dùng: Lá chè xanh khoảng 300g đem rửa sạch, đun sôi với nước trong 5 phút. Sau đó để nguội đến nhiệt độ thích hợp thì lấy ra để tắm cho trẻ.

Trẻ bị chân tay miệng nên tắm lá gì Afamily

2. Lá diếp cá

Lá diếp cá có vị chua, mùi tanh, cay nhẹ, có tính hàn, quy kinh can, phế. Diếp cá có tác dụng tán nhiệt, tiêu ung thũng, thường được dùng chữa phế ung. Dùng ngoài để chữa ung thũng, vết lở loét, trĩ. Lá diếp cá cũng có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm và tiêu sưng hiệu quả. Vì vậy mang lại tác dụng tốt đối với tổn thương dạng bọng nước ở bệnh chân tay miệng.

Cách dùng: Lấy một nắm lá diếp cá giã nát rồi thả vào trong nồi nước sôi. Sau đó lấy nước đem pha loãng để tắm cho trẻ em bị chân tay miệng.

Trẻ bị chân tay miệng nên tắm lá gì Afamily

3. Lá chè vằng

Lá chè vằng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, phòng ngừa mụn nhọt hiệu quả. Không những vậy, nó còn giúp vết thương nhanh lành nên rất thích hợp đun nước tắm cho trẻ bị chân tay miệng.

Cách dùng: Lấy một nắm lá chè vằng, có thể lấy thêm lá kim ngân nếu có, đem đun sôi với nước rồi pha loãng để tắm cho trẻ giúp giảm nhanh các bọng nước.

Trẻ bị chân tay miệng nên tắm lá gì Afamily

4. Tắm lá kinh giới cho trẻ em bị chân tay miệng

Kinh giới có vị cay, tính ấm, quy kinh can, phế, tỳ. Kinh giới là một loại lá được sử dụng để ăn, tắm trị phong hàn, phong nhiệt rất tốt. Theo nghiên cứu cho thấy, chất alkaloid trong kinh giới có tác dụng kháng viêm mạnh, sát trùng, điều trị mẩn ngứa, ban chẩn, nhiễm độc ngoài da rất hiệu quả. Vì thế khi con bị chân tay miệng, mẹ hoàn toàn có thể dùng lá này tắm cho trẻ.

Cách dùng: Lấy 100g rau kinh giới tươi đem đun với 5 – 7 lít nước tắm cho trẻ em bị chân tay miệng.

Trẻ bị chân tay miệng nên tắm lá gì Afamily

5. Lá bạc hà

Lá bạc hà chứa nhiều tinh dầu, chất chống oxy hóa và vitamin tốt cho cơ thể. Ngoài ra, loại lá này có tác dụng diệt khuẩn, kháng viêm, thanh nhiệt và giải độc. Vì vậy, khi trẻ bị mắc bệnh chân tay miệng, mẹ có thể đun lá bạc lấy nước uống hoặc tắm để các triệu chứng của bệnh mau hết và cơ thể được thoải mái, hết khó chịu.

Cách dùng: Lấy khoảng 300g lá bạc hà, rửa sạch, đợi nước sôi thì thả lá bạc hà vào đun thêm 3-5 phút. Sau đó để nguội đến nhiệt độ thích hợp thì cho bé tắm.

Trẻ bị chân tay miệng nên tắm lá gì Afamily

Lưu ý khi tắm cho trẻ bị chân tay miệng

- Nhiều cha mẹ kiêng nước cho trẻ khi con bị chân tay miệng. Đây là một quan niệm sai lầm cần loại bỏ. Bạn nên giúp trẻ vệ sinh thân thể hàng ngày, tắm rửa sạch sẽ cho trẻ để loại bỏ sự bám dính của các loại vi khuẩn, virus, đồng thời giúp ngăn ngừa tình trạng bội nhiễm.

- Tuy nhiên khi tắm cho trẻ bị chân tay miệng mẹ cần lưu ý:

+ Nơi tắm cho con cần kín gió, nhất là vào những ngày đông giá rét. Vì để gió lạnh ùa vào, con có thể bị cảm lạnh hoặc sốt cao hơn.

+ Nước tắm cho con cần có độ ấm vừa phải, không nên nóng quá hoặc lạnh quá.

+ Nên sử dụng xà phòng diệt khuẩn dành riêng cho trẻ em hoặc sử dụng các loại nước lá tự nhiên để tắm cho trẻ. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi không nên sử dụng sữa tắm cho trẻ để tránh bị kích ứng.

+ Sử dụng khăn mềm để lau rửa cho con. Mẹ dội nước nhẹ nhàng lên cơ thể trẻ.

+ Tránh kỳ cọ mạnh tay lên da trẻ, nhất là những chỗ nổi mụn.

+ Khi tắm xong, cần dùng khăn mềm, khô để lau cho trẻ, không được dùng khăn ẩm ướt để lau. Tuyệt đối không được để trẻ ướt sau khi tắm xong.

+ Thay quần áo mới sạch hàng ngày sau khi tắm cho trẻ. Nên lựa chọn các bộ quần áo mềm mịn, thoáng mát để hạn chế tổn thương trên da của trẻ.

Chia sẻ