Tình yêu không phải là chiếc bánh

,
Chia sẻ

Có lần, ở sân trường mẫu giáo, tôi chứng kiến một ông bố chia kẹo cho hai đứa con trai của mình.

Thay vì đưa cho mỗi đứa một số kẹo như nhau như tôi vẫn làm, anh hỏi mỗi đứa: “Con muốn mấy cái?” Thật ngạc nhiên, cậu anh xin ba cái và cậu em muốn năm. Anh đưa con số kẹo đúng như con xin. Còn dư, anh cho lũ trẻ gần đó.

Cách chia kẹo của anh khiến tôi tò mò.

Từ ngày xưa, cha mẹ chúng ta vẫn thường cố đối xử với các con một cách công bằng theo kiểu “cắt bánh cho đều” cùng với những tuyên bố “ba mẹ thương các con như nhau”. Nhưng dường như thực tế thì không như vậy. Trong rất nhiều gia đình tôi biết đều có những đứa con cưng. Chị Hai xinh đẹp, cậu Út dễ thương, anh Ba học giỏi…Những niềm tự hào, những người được ưu ái mà các anh chị em trong nhà thường giao cho nhiệm vụ đi xin xỏ ba mẹ điều gì đó vì biết rằng sẽ ít bị từ chối hơn những đứa con khác.

Như chị bạn tôi có hai con, một gái bảy tuổi và một bé trai năm tuổi, đứa đầu sinh khó, nuôi khó, tính tình cũng ngang bướng cứng đầu khiến hai vợ chồng chị cực khổ trăm bề. Đến khi sinh đứa thứ hai thì trái ngược, thằng bé dễ nuôi, hay cười, và đặc biệt giống chồng chị như đúc. Chị khẳng định mình không phân biệt trai gái, và chắc chắn là chị thương cả hai đứa con đứt ruột sinh ra của mình. Nhưng từ khi sinh đứa sau, càng ngày chị càng nhận ra dường như mình ưu ái và gần gũi với đứa nhỏ hơn. Đó là một cảm giác khó diễn tả.

Chị luôn cảm thấy vui vẻ, tự hào, thích thú với đứa con trai nhỏ, hay khoe nó với mọi người. Thêm nữa, ai cũng nói thằng bé sinh ra hợp tuổi ba mẹ khiến vợ chồng chị làm ăn khá hẳn lên. Trong khi bên cạnh đứa con gái lớn có tính tình và gương mặt rất giống bà nội thì chị luôn căng thẳng, bực bội và khó kiềm chế sự cáu bẳn.
 
Ngược lại, con bé cũng cảm nhận được điều đó nên luôn thủ thế và sẵn sàng bật lại chị như một trái banh đánh vào tường, càng cáu kỉnh, bướng bỉnh, không chịu học hành và luôn cãi tay đôi với mẹ. Nhiều lúc chị nhận ra mình thương đứa này hơn đứa kia một cách rõ rệt vì vậy bề ngoài chị luôn cố đối xử công bằng. Chị luôn miệng nói “Mẹ thương hai đứa bằng nhau”. Khi mua quà, chị mua cùng một món. Thậm chí quần áo cũng cố may bằng một loại vải. Nhưng con gái chị luôn tị nạnh với em.
 
Một lần, chị tình cờ nghe con gái nói với dì nó rằng: “Cu Bin mới thật là cục cưng của mẹ. Còn con thì mẹ chỉ lỡ sinh ra thôi”. Chị sững sờ, vừa thương con, vừa đau nhói trong tim vì tự trách mình. Tâm lý đó ngày càng mạnh, đồng thời mặc cảm có lỗi với con gái cũng tăng lên khiến chị gần như bị stress. Chị tự hỏi tại sao mình lại như vậy? Và chị phải làm sao?
 
Trở lại với ông bố ở trường mẫu giáo. Khi tôi nhận xét rằng trông đứa em lanh lợi hơn cả anh nó thì ông bố giải thích luôn “Vì nó có một ông anh, còn anh nó thì không”. Anh kể cùng một cấu trúc Lego, trong khi thằng anh phải tự mày mò đến bốn tuổi mới lắp được hoàn chỉnh, thì đứa em do thường xuyên quan sát anh nên mới hai tuổi rưỡi đã hoàn thành. Rồi anh kết luận đứa con đầu thường thiệt thòi hơn.
 
Đứa con thứ hai khi sinh ra đã có sẵn một nền tảng gia đình vững chắc. Trong khi đứa con đầu phải đối mặt với sự chia sẻ khi có thêm em. Tác động tâm lý đó góp phần khiến những đứa con đầu lòng ở giai đoạn có em đôi khi trở nên bướng bỉnh và khó gần. Khi ấy, cha mẹ cần tinh tế đủ để tiếp cận con mình đúng hướng. Khi mới sinh bé thứ hai, biết con trai lớn nhạy cảm và gắn bó với mẹ, nên thay vì giao đứa lớn cho ba để mẹ ôm đứa nhỏ như thường thấy thì anh làm ngược lại.

Anh lãnh phần chăm sóc đứa nhỏ, từ thay tã, ru ngủ, cho uống sữa, để vợ anh có thể duy trì việc cho đứa lớn ăn, dỗ con ngủ và đọc sách cho con… Nhờ đó mà con anh không bị sốc, không tổn thương và dần dà làm quen với vai trò làm anh một cách hoàn hảo. Khi con lớn, anh không cố đối xử như nhau mà tuỳ theo nhu cầu của mỗi đứa. Hai đứa con anh tính khí và nhu cầu rất khác nhau: cậu anh nhút nhát thích nằm nhà đọc truyện còn cậu em thích chơi lắp ráp. Anh nói, khi mỗi đứa đều được đáp ứng đúng nhu cầu của mình thì không xảy ra chuyện tị nạnh nhau. Bởi con anh vừa được yêu thương và chăm sóc theo cách mà chúng cần, vừa nhận ra sự khác nhau giữa hai anh em, và thích nghi với sự khác nhau đó.

Phải, tôi đồng ý với anh rằng, đôi khi chúng ta cần tinh tế hơn trong vai trò làm cha me. Thực ra chúng ta luôn yêu thương từng đứa con của mình theo cách khác nhau. Đó là điều tự nhiên. Bởi mỗi đứa đều là một tạo vật độc đáo và hoàn toàn khác biệt. Sai lầm của chúng ta là luôn cố đối xử với chúng như nhau. Bởi dường như khi tìm cách đối xử “như nhau”, chúng ta cũng đồng thời ấp ủ một mong muốn thầm kín là các con mình giống như nhau, giá như đứa yếu cũng mạnh như đứa khoẻ, đứa em xấu xí cũng đẹp như chị nó, đứa anh khờ khạo cũng học giỏi như em nó… theo một mẫu mực mà chúng ta mong ước. Chính điều đó thường gây áp lực lên con cái. Trong khi chúng ta phải chấp nhận sự khác nhau trong chính những đứa con của mình.

Như chị bạn của tôi. Con trai của chị có tính tình cởi mở hơn. Vì vậy chị cảm thấy dễ gần gũi với bé hơn. Ngược lại, dường như chị đã không tìm cách tiếp cận con gái bướng bỉnh của mình, thay vào đó, chị lẫn lộn sự khác biệt tính cách với tình yêu thương. Chị không ưa những tính cách đó chứ không phải là không ưa con gái mình. Đó chỉ là sự nhầm lẫn đầy cảm tính của chính chị, bắt nguồn từ việc lầm tưởng tình yêu là chiếc bánh, nếu cắt cho đứa kia phần nhiều thì tất phần đứa này phải ít đi.

Nhưng tình yêu không hữu hạn như chiếc bánh. Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái không phải là chiếc bánh. Chúng ta luôn có thể yêu thương con nhiều hơn chúng cần, từng đứa một. Và có lẽ, thay vì cố gắng đối xử với mọi đứa con y như nhau, chúng ta nên tiếp cận và chăm sóc chúng tuỳ theo nhu cầu riêng của mỗi đứa. Bằng cách đó, chúng ta sẽ không làm tổn thương con cái, và chính bản thân chúng ta nữa. Đó là điều mà tôi học được, từ một ông bố, và một bà mẹ…
 
 
Theo SGTT
Chia sẻ