Thiết lập nếp sinh hoạt lành mạnh cho con, cả gia đình sẽ nhận lại những lợi ích to lớn, nhưng nhiều phụ huynh lại hay nhầm lẫn điều này

Tú Anh Nguyễn,
Chia sẻ

Vì sao lại cần phải thiết lập nếp sinh hoạt cho con? Cùng tìm hiểu những lợi ích mà một nếp sinh hoạt phù hợp và khoa học có thể mang lại cho các bạn nhỏ tuổi toddler (1-3) và cho cả gia đình nhé!

Nếp sinh hoạt lành mạnh là gì?

Khi nói đến quan điểm "để con được tự do phát triển – vui chơi – tìm tòi" trong cuộc sống hàng ngày, nhiều phụ huynh "diễn dịch" sai thành ý nghĩa "để con tự do hoạt động và sinh hoạt" theo ý muốn của con, theo bản năng của cả con và mẹ, không nhất thiết phải cho con theo một lịch trình sinh hoạt nào cả. 

"Mệt thì ngủ, đói thì ăn" – nhưng liệu đây có phải là cách tối ưu để đảm bảo được sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần tốt nhất cho con không? Điều này có liên quan gì đến những cơn ăn vạ, quấy khóc hay những giây phút khó bảo, không nghe lời của con không?

Một số bố mẹ có thể trả lời ngay rằng: "Nhà mình có nếp sinh hoạt chứ!" vì ngày nào mọi việc cũng diễn ra theo một trình tự khá giống nhau mà. Tuy nhiên, đó có phải là nếp sinh hoạt lành mạnh và phù hợp nhất cho con hay chưa? Một số câu hỏi để xác định xem con trẻ đã được theo nếp sinh hoạt lành mạnh hay chưa gồm:

Con có được bố mẹ cho phép ăn vặt các loại kẹo ngọt, snack khoai tây chiên bánh phồng tôm loại của người lớn, vào giữa các bữa ăn không? Con có được uống nước ngọt có gas hay các loại nước trái cây đóng hộp thường xuyên không? Con có phản ứng hay không chịu thực hiện các việc như: Rửa tay trước khi ăn, ngồi vào bàn ăn ngay ngắn, đi ngủ sớm đúng giờ mỗi ngày không? Con có được bố mẹ cho phép thức rất khuya, muốn đi ngủ lúc mấy giờ cũng được không? 

Thiết lập nếp sinh hoạt lành mạnh cho con, cả gia đình sẽ nhận lại những lợi ích to lớn, nhưng nhiều phụ huynh lại hay nhầm lẫn điều này - Ảnh 1.

Con có được bố mẹ cho phép xem tivi, chơi điện thoại, máy tính bảng bất kể thời gian và giờ giấc, chỉ cần con muốn là bố mẹ cho không? Con có thường xuyên quấy khóc, ăn vạ, làm mình làm mẩy, đòi hỏi khi bố mẹ yêu cầu con thực hiện việc gì không?

Nếu đa phần câu trả lời là "Có" – và bạn cảm thấy con thường xuyên không hợp tác với người lớn, có lẽ một trong những lí do là con chưa được thiết lập một nếp sinh hoạt lành mạnh, hợp lý và nhất quán mỗi ngày.

Nếp sinh hoạt có phải là thời gian biểu cứng nhắc?

Nếp sinh hoạt có thể hiểu là trình tự bao gồm một nhóm các hoạt động được thực hiện lặp đi lặp lại mỗi ngày, làm xong nhóm hoạt động này sẽ đến nhóm hoạt động tiếp theo. Ví dụ, trình tự trước khi đi ngủ của một bạn nhỏ tuổi toddler bao gồm: tắm rửa, thay đồ ngủ, chải răng và đọc sách. Khi bố mẹ thiết lập trình tự đi ngủ cho con, có thể linh hoạt "du di" hôm nay chải răng trước, tắm sau, hoặc hôm sau tắm trước, chải răng sau, tuỳ vào ý muốn của con. Nhưng nhất thiết 2 việc này phải luôn được thực hiện trước khi đi ngủ.

Thời gian biểu thường được hiểu như một bảng phân bố thời gian cố định cho từng hoạt động. Tuy nhiên, con trẻ chưa có khái niệm rõ ràng về mặt thời gian, con không thể hiểu được độ dài của 15 phút hay 30 phút là như thế nào. Nhưng một bạn nhỏ tuổi toddler có thể hiểu được trình tự của hoạt động này: "Mình đọc sách xong là mình sẽ đi tắm nhé con". Và mẹ có thể cho con được quyết định: "Con muốn đọc 2 quyển hay 3 quyển?".

Thiết lập nếp sinh hoạt lành mạnh cho con, cả gia đình sẽ nhận lại những lợi ích to lớn, nhưng nhiều phụ huynh lại hay nhầm lẫn điều này - Ảnh 3.

Nếp sinh hoạt mang lại những lợi ích gì cho con, và cho cả gia đình? 

Khi con có một nếp sinh hoạt nhất quán và phù hợp, con sẽ luôn biết được chuyện gì và hoạt động gì sẽ xảy đến tiếp theo. Sau bữa ăn sáng con sẽ làm gì, buổi chiều sau khi ngủ trưa con sẽ được chơi gì… Nếp sinh hoạt mang lại 5 lợi ích to lớn sau:

1. Con luôn cảm thấy an tâm và an toàn

Bố mẹ hãy thử nghĩ, ngay cả người lớn khi đối diện trước một sự mông lung trong bất kỳ tình huống nào từ công việc, tình cảm, gia đình... chúng ta thường cảm thấy rất bất an và bồn chồn, vì không biết điều gì đang ở phía trước, có phải không?

Ngược lại, khi chúng ta biết rõ mọi việc sẽ diễn ra theo một kế hoạch được định sẵn, điều gì sẽ xảy ra kế tiếp, chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và dễ chịu hơn. Con trẻ cũng cần điều tương tự như vậy thôi, bố mẹ ạ!

2. Con sẽ tự tin hơn

Khi đã cảm thấy an tâm, an toàn, và có được cảm giác "làm chủ" mọi sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày, con sẽ không phải cảm thấy bất an, hoang mang hay bối bối.

Từ đó, con sẽ thoải mái trong mọi hoạt động cũng như sinh hoạt hàng ngày, và con sẽ hứng thú để thử, học, tìm tòi và khám phá những điều mới mẻ. Một đứa trẻ chỉ có thể trở nên tự tin lúc ra đường, khi con hoàn toàn tự tin trong chính ngôi nhà và cuộc sống hàng ngày của mình trước đã.

Thiết lập nếp sinh hoạt lành mạnh cho con, cả gia đình sẽ nhận lại những lợi ích to lớn, nhưng nhiều phụ huynh lại hay nhầm lẫn điều này - Ảnh 4.

3. Con sẽ học được tính độc lập và tự chủ

Với việc quen thuộc với các trình tự công việc và nếp sinh hoạt nhất quán, con luôn biết trước việc gì sẽ diễn ra tiếp theo, và thường con sẽ tự giác làm mà không cần bố mẹ phải nhắc nhở hay đốc thúc quá nhiều.

Chẳng hạn như, bố mẹ luôn thay tã cho con ngay sau khi ngủ dậy, sẽ đến thời điểm con sẽ đi lấy tã giúp và đưa cho bố mẹ mỗi khi con thức dậy. Hoặc, bố mẹ luôn đeo yếm và cài dây đai an toàn trên ghế ăn cho con khi vào bữa, nếu bố mẹ quên, con sẽ nhắc nhở ngược lại ngay.

4. Điều tiết đồng hồ sinh học của con

Trẻ con không biết xem đồng hồ. Thỉnh thoảng khi con vừa trải qua một đợt bệnh, hoặc khi đi du lịch có thay đổi múi giờ, đồng hồ sinh học trong cơ thể con có thể chệch đôi chút.

Nhưng nếu con đã được thiết lập một nếp sinh hoạt nhất quán từ trước, việc điều chỉnh các hoạt động sinh hoạt theo giờ giấc mới sẽ diễn ra rất nhanh và nhẹ nhàng.

5. Giúp con ngủ ngon hơn và có sức khoẻ tốt hơn

Khi con có một trình tự ngủ ngày và đêm nhất quán từ nhỏ đến lớn, thì dù có thay đổi nơi chốn hay thời gian đôi chút, chất lượng giấc ngủ của con cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Với một trình tự sinh hoạt hợp lý và khoa học, con thường sẽ được thức một khoảng thời gian phù hợp với lứa tuổi, được vận động hiệu quả để tiêu hao năng lượng, con sẽ có bữa ăn ngon miệng hơn và giấc ngủ chất lượng hơn.

Tú Anh Nguyễn là mẹ của hai bé gái. Năm 2020, chị trở thành một Parent Coach – Tư vấn phụ huynh chuyên nghiệp với chứng chỉ từ Academy for Coaching Parents International (ACPI); đồng thời là Certified Positive Discipline Parent Educator – Chuyên viên đào tạo phụ huynh về dạy con tích cực với chứng chỉ được cấp bởi tổ chức Positive Discipline Association.

Với mục tiêu không ngừng học hỏi, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực làm cha mẹ, chị đã sáng lập dự án Happy Parenting nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nuôi dạy con theo khoa học. Với định hướng tự tin nuôi dạy con bằng sự tôn trọng và tình yêu thương, Tú Anh mong muốn có thể đồng hành cùng các bậc cha mẹ tạo nên một hành trình khôn lớn cùng con đầy ý nghĩa và nhiều niềm vui.

Bạn có thể tìm đọc những bài viết của chị Tú Anh Nguyễn TẠI ĐÂY.

Chia sẻ