Tháng đầu tiên ăn dặm với BLW: con chỉ cầm thức ăn và... ném

Mẹ Jun Sóc,
Chia sẻ

Khi Jun được 6 tháng, bố mẹ rất là hào hứng khi cho con ăn dặm theo Baby Led Weaning (BLW). Nhưng mất gần 1 tháng trời, con chỉ cầm thức ăn và... ném.

Hành trình từ cầm ném đến đưa thức ăn vào miệng

Vì trước đó Jun đã được lên ghế ăn ngồi để làm quen mấy lần rồi nên giờ bạn cũng không bỡ ngỡ nhiều. Bố chèn cho bạn thêm một cái khăn để không bị xê dịch và giữ bạn tương đối cố định vì lúc này con chưa tự ngồi bỏ hai tay ra được.

Món ăn mẹ chuẩn bị cho bạn rất đơn giản. Vì vào mùa đông, súp lơ, su hào, cà rốt… rất sẵn, các loại này chỉ cần cắt dạng thanh bằng ngón tay rồi hấp mềm (không mềm quá vì giai đoạn này các bạn cầm nắm là chủ yếu, mềm quá các con cầm sẽ nát). Đến giờ ăn, bạn được ngồi cùng bố mẹ, dưới ghế có lót báo vì mẹ biết kiểu gì rồi thức ăn cũng sẽ “tung bay” dưới sàn. Thức ăn bầy ra rồi, bố mẹ thì hồi hộp xem phản ứng của bạn.

Lần đầu bạn có vẻ háo hức (có lẽ chưa thấy bao giờ), bạn cầm lên ngắm nghía và… bụp, ném luôn xuống đất với vẻ mặt rất thích thú. Mẹ biết bạn sẽ trải qua giai đoạn này, mẹ lại nhặt lên và nói với bạn “đây là su hào đấy con, thức ăn nhé, không được vứt đâu, để cho vào mồm”. Buổi đầu tiên khoảng 15 phút và chỉ có quy trình bạn cầm ngắm, xem xét, bóp nát và vứt, bố mẹ thì vừa nhặt vừa nhắc lại điệp khúc trên.

Đến buổi thứ 2,3,4… và cho đến 3 tuần sau, một ngày đẹp trời, vẫn các bước như vậy, nhưng lần này thì bạn cầm lên và… đưa vào mồm. Khỏi nói bố mẹ vui mừng thế nào, bố bạn reo lên “em ơi con biết đưa thức ăn vào miệng rồi kìa”. Mặc dù bạn vẫn đưa chệch ra khỏi miệng, lúc lên mũi, lúc vào má nhưng bạn đã biết đó là thức ăn và để ăn chứ không phải là để vứt nữa.

Tháng đầu tiên ăn dặm với BLW: con chỉ cầm thức ăn và... ném 1
Một trong những bữa ăn mẹ Jun Sóc chuẩn bị cho con khi ăn dặm theo phương pháp ăn dặm Baby Led Weaning. (Ảnh: Mẹ Jun Sóc)

Khi biết cho vào miệng chính xác rồi bạn bắt đầu gặm thanh su hào, bạn gặm từng ít một. Lúc đầu là nhè, cứ gặm rồi nhè, gặm bao nhiêu nhè bẫy nhiêu. Thế rồi lại đến ngày đẹp trời, mẹ không thấy bạn nhè nữa, bạn nhằn nhằn và nuốt, và rồi bỗng nhiên bạn… ọe. Phải rồi, lần đầu bạn ăn đồ ăn thô, cổ họng bạn chỉ đang quen với sữa và nó sẽ sẵn sàng “tống khứ” những đồ lạ ra ngoài bằng cách “ọe”, như một cơ chế bảo vệ vậy. Mẹ bạn cũng đã đọc hết sách báo nên hiểu đây là điều bình thường (khác với “hóc” các bố mẹ nhé), nhưng bố và bà của bạn thì hơi lo lắng và bảo em ơi để anh lấy nó ra nhưng mẹ đã bảo bố cứ để Jun chủ động đi. Sau khi ọe xong, bạn Jun quay lại hứng khởi gặm tiếp, nhưng lần này không phải miếng to nữa mà là miếng bé hơn. Vậy là mẹ biết bạn có thể điều chỉnh cách gặm sao cho phù hợp. 
 
Qua tháng thứ 6 với các loại rau củ dạng thanh hấp mềm, bạn đã có thể gặm được 1 chút ít, sữa vẫn là thức ăn chính của bạn. Tháng thứ 7 mẹ quyết định cho bạn ăn thử tôm (vì có lẽ tôm là món bạn thử đầu tiên nên giờ bạn rất thích ăn tôm).
 
Ngoài ăn tôm, bạn lại quay về thời kỳ thờ ơ với mấy món rau củ hấp và không thèm ngó tới nữa, trong khí đó thì kỹ năng của bạn cũng rất nhanh, bạn đã bốc nhón được bằng 2 ngón tay. Mẹ biết bạn đã sang 1 giai đoạn khác: bốc nhón và thức ăn dạng viên. Bạn thích những thứ nhỏ hơn như cơm viên nhỏ, thịt xay viên nhỏ bằng nửa ngón tay, loại rau mềm... vì bạn đã bắt đầu nhai chứ không nuốt thẳng nữa.

Các món bạn ăn là cơm mềm viên bé bằng ngón tay cái, thịt xay viên thì bé xíu như hòn bi. Jun có thể dùng 2 ngón tay bốc chính xác từng viên một. Bữa ăn của bạn giờ tăng lên 20-25 phút. Thức ăn mẹ sẽ để cả 3 gồm: thịt/cá/tôm, cơm và rau thái nhỏ lên khay ăn, mỗi thứ cũng chỉ 1 ít vì đây vẫn đang là thời gian luyện tập kỹ năng thôi. Sau khi hết mẹ sẽ mang 1 ít hoa quả như xoài, đu đủ, chuối... thái nhỏ cho bạn tráng miệng. Bạn đã nhai được nhiều hơn và nuốt tương đối ổn rồi. Lượng ăn ở giai đoạn này của con vẫn rất ít nhé nên các mẹ đừng sốt ruột nếu con không ăn được nhiều.

Tháng đầu tiên ăn dặm với BLW: con chỉ cầm thức ăn và... ném 2
Rau củ quả các mẹ chỉ nên hấp mềm, không được nhũn vì nhũn thì cầm sẽ bị nát. (Ảnh: Mẹ Jun Sóc)

Thức ăn đã thay đổi để phù hợp với kỹ năng của bạn, thế là bạn đã làm quen được với rất nhiều màu sắc, mùi vị, hình dáng của các loại thức ăn trong 2 tháng vừa qua. Bố mẹ cũng “thăng trầm cảm xúc” nhưng đến lúc này, bữa cơm của cả nhà vẫn đầy ắp tiếng cười vì nhiều hành động cũng như chứng kiến bạn tiến bộ từng ngày. Thấy con được tự lập ngay từ ngày đầu tiên của thời kỳ ăn dặm, bố mẹ cũng hi vọng sau này bạn sẽ không phải ỉ lại bố mẹ, đặc biệt là ăn uống.

Một số hình ảnh bữa ăn mẹ Jun chuẩn bị cho Jun khi bạn biết bốc nhón, nhai và nuốt, vẫn là những đồ ăn giống bố mẹ, chỉ làm nhỏ ra cho bạn thôi, không có gì cầu kỳ cả (lưu ý: nhỏ ở đây mẹ Jun chưa cắt, khi ăn phải cắt đôi, bỏ hạt). Thời gian này bạn được làm quen thêm với món sữa chua. Vì chưa tự xúc được nên mẹ giúp bạn 1 phần với vài thìa nhỏ.
   
Các lưu ý cơ bản của Baby Led Weaning các bố mẹ cần nắm được trong suốt quá trình ăn dặm:

Khi nào thì con có thể bắt đầu? Đấy là khi con được 6 tháng tuổi và có thể ngồi tương đối vững, giai đoạn này hệ thống tiêu hóa cũng đã hoàn thiện tương đối và rất thích khám phá. Ngồi vững giúp con tự chủ và thực hiện hoạt động dễ dàng hơn. Nếu con đã có ghế, hãy đặt con vào ghế ở tư thế ngồi thẳng,nếu ghế rộng, bạn có thể chèn thêm chăn/ khăn vào bên cạnh để giữ con cố định không bị xê dịch hay trượt khỏi ghế. Nếu chưa có ghế, cho con ngồi vào lòng, giữ cho bé ngồi thẳng (có thể lấy địu hoặc áo dài tay buộc giữ bé). Giúp bé có một chỗ ngồi thoải mái và hai tay đặt lên mặt khay ghế.

Như đã nói ở kỳ trước, bé sẽ được làm quen với đồ ăn thô ngay. Giai đoạn khởi đầu này là giai đoạn bé tập cầm nắm đồ ăn, vậy thức ăn như thế nào sẽ phù hợp? Món ăn cần có kích thước phù hợp để bé cầm được,hình que dài cỡ ngon tay trỏ, có thể dày bằng một nửa hay bằng ngón tay trỏ. Không quá mềm nếu không bé sẽ bóp nát, không quá cứng vì nếu cứng thì bé không gặm hay cắn được. Đồ ăn chủ yếu là rau củ quả, giai đoạn này không dùng rau lá.

Tháng đầu tiên ăn dặm với BLW: con chỉ cầm thức ăn và... ném 3
Với phương pháp ăn dặm Baby Led Weaning, cha mẹ không nên kỳ vọng con ăn được nhiều hay không mà nên chú trọng tới kỹ năng cầm nắm của con phát triển như thế nào. (Ảnh: Mẹ Jun Sóc)

Những lưu ý ở giai đoạn tập cầm nắm

- Đây là giai đoạn bé bước vào “thời kỳ mới”, được tự do khám phá với chính bữa ăn của mình nên mỗi bé đều có một cách thể hiện riêng. Có bé sẽ cầm cho đồ ăn vào miệng ngay, nhưng có bé chỉ cầm nắm và vứt hay thậm chí rất thờ ơ, hoặc cũng có thể cho vào mồm rồi lại nhè ra. Nhà mình có hai bé và cả hai đều thể hiện khác nhau. Jun mất hai tuần chỉ bốc vứt, có thể bạn ấy cho rằng nó chỉ là đồ chơi và chỉ thích nghịch như những đồ chơi khác thôi. Còn bạn Sóc, ngay từ ngày đầu tiên, đưa gì ra là bạn cầm cho tuốt vào mồm. Do đó bố mẹ đừng sốt ruột, giai đoạn này có thể mất 1 tháng. Dù là bốc vứt nhưng sau khi hết giai đoạn này các con sẽ nhận ra được “đồ ăn” rất nhanh.

- Thời gian bắt đầu bữa ăn: nên cách bữa sữa trước khoảng 1-1,5h để tránh bị trớ, và sữa tiêu bớt thì bé mới có cảm giác muốn ăn tiếp. Nếu ăn quá gần nhau, thứ nhất bé đang no và không hứng thú, thứ hai là dễ bị trớ. Nên cho con ăn với gia đình, vừa tạo không khí ăn uống, vừa để bé nhìn mọi người “cầm thìa, dĩa, đũa” khi ăn và sẽ bắt chước.  

- Hóc và ọe: Giai đoạn từ lúc mới sinh đến lúc ăn dặm, bé chỉ quen với sữa (là thức ăn lỏng), do đó khi làm quen với thức ăn dạng thô, cổ họng chỉ quen với dạng nước trước đó thì lúc nuốt đồ ăn thô vào phản ứng của họng sẽ đẩy “đồ lạ” ra (chứ không phải hóc nhé các mẹ). Đây là phản ứng hết sức bình thường, sau khi con ọe ra vẫn ăn được tiếp tục.Đặc biệt KHÔNG TỰ Ý MÓC HỌNG BÉ KHI BẠN THẤY CON CẮN MIẾNG TO VÀO MỒM, như vậy rất là nguy hiểm vì khi tự ý móc tay vào thì dễ làm đồ ăn chui sâu vào cổ hơn và lúc đó làm bé bị sợ hãi mà nuốt vào. Baby Led Weaning (BLW) là cách con tự ăn rất chủ động, do đó con có thể “kiểm soát” được cơ thể và hành động của mình cũng như kiểm soát được lượng đồ ăn đưa vào và học được cách ăn “an toàn” mà không phải bị động dễ dẫn đến hóc. HÃY TIN TƯỞNG Ở CON LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT ĐỂ SANG CÁC BƯỚC TIẾP THEO TRONG GIAI ĐOẠN NÀY.

- Món ăn: tạo cho con thói quen cả nhà ăn gì con ăn nấy ngay từ đầu, vừa không mất công chuẩn bị nhiều thứ nếu bạn là người bận rộn, mà con lại không “khảnh ăn”. Món ăn không chia theo độ tuổi mà theo kỹ năng con đạt được.

- Không nên kỳ vọng con có ăn được hay không mà xem kỹ năng con cầm nắm đồ ăn thế nào. Hãy cứ tin con vì chưa cầm được thì sẽ cầm được.

- Thực đơn: rau củ quả hấp mềm, không được nhũn vì nhũn thì cầm sẽ bị nát: bí xanh, cà rốt, súp lơ xanh, cọng rau cải (cọng nhé), chuối, dưa hấu (chuối trơn nhưng các con sau thời gian cầm trượt sẽ cầm rất siêu), thịt thái dọc thớ dài bằng ngón tay… Không cho con ăn các loại hoa quả tròn, trơn, có hạt  nhỏ như nho, lạc, hạt điều…

- Ăn gì ra nấy: dạ dày mới bắt đầu tiết dịch vị tiêu hóa thức ăn, do đó nếu bố mẹ thấy con ăn gì “cho ra” nấy thì cũng không có gì phải lo cả, dạ dày cũng cần thời gian “làm quen” với đồ ăn, và những gì chưa tiêu được sẽ được đẩy ra ngoài.

Mẹ Jun cũng gửi đến các bố mẹ khác hình ảnh các bạn ăn dặm theo BLW trên khắp cả nước và các bạn Việt Nam ở nước ngoài nhé, thấy bạn nào cũng hào hứng và khí thế, còn gì tuyệt hơn khi con được vui vẻ và thoải mái như vậy, phải không nào!?

Tháng đầu tiên ăn dặm với BLW: con chỉ cầm thức ăn và... ném 4

Tháng đầu tiên ăn dặm với BLW: con chỉ cầm thức ăn và... ném 5

Tháng đầu tiên ăn dặm với BLW: con chỉ cầm thức ăn và... ném 6

Tháng đầu tiên ăn dặm với BLW: con chỉ cầm thức ăn và... ném 7
Chia sẻ