Tại sao cha mẹ hay nói dối con cái?

,
Chia sẻ

Bố mẹ luôn nói “Chân thật là tính cách tốt nhất” và luôn dạy con cái phải nói thật, nhưng thực tế họ còn nói dối con cái nhiều hơn họ tưởng.

Ông Lee Kang, một nhà nghiên cứu của ĐH Toronto, Canada cho hay: “Chúng tôi ngạc nhiên khi phát hiện các bậc cha mẹ cũng thường xuyên nói dối. Những phát hiện của chúng tôi cho thấy, ngay cả những bậc cha mẹ luôn đề cao tầm quan trọng của sự trung thực với con cái mình cũng vẫn thường lừa dối chúng”.

Ông Lee cùng các đồng nghiệp của mình thừa nhận nghiên cứu của họ dù sao mới chỉ là sơ bộ, nhưng lại mang đến một kết quả khá bất ngờ. Các nhà nghiên cứu không đảm bảo kết quả sẽ có tác động đến toàn bộ các bậc cha mẹ, nhưng họ hy vọng nghiên cứu sẽ như một thông điệp về cách giáo dục con cái gửi tới những người lớn với mục đích điều chỉnh, hướng đến một xã hội hoàn thiện hơn.
 

Tại sao có những lời nói dối?

Nhiều bậc cha mẹ nói dối để dỗ dành, an ủi, động viên hoặc doạ nạt con mình. Những lời nói dối nhiều khi cũng có tác động làm trẻ vui vẻ, hạnh phúc và thậm chí ngoan ngoãn hơn. Ví dụ, khi con bạn đang khóc, bạn có thể doạ: “Nếu con không nín, các chú cảnh sát sẽ đến bắt con đấy!”.

Một số lời nói dối để xoa dịu nỗi đau. Ví dụ như, gia đình bạn có một người vừa qua đời, bạn không muốn con trẻ biết được sự đau buồn quá sớm, bạn có thể nói với chúng rằng người đó đã hoá thành các vì sao sang trên trời và luôn dõi theo chúng.

Nhiều cha mẹ nói dối con rằng nếu chúng không đi ngủ, không chịu ăn uống đầy đủ, không chịu nghe lời người lớn thì có những điều gì đó xấu sẽ xảy ra. Ví dụ, nếu con không chịu đánh răng, con sâu sẽ đục thủng răng và miệng con ra.

Hoặc nhiều cha mẹ không muốn con dùng ti giả nên nói dối bằng cách họ tịch thu những chiếc ti giả đó rồi nói với con rằng sẽ gửi lên mặt trăng, lên vũ trụ hoặc chuyển đến những khu vực khác cho các em nhỏ ít tuổi hơn.

Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã cho thấy, rất ít cha mẹ một ngày mà không nói dối con một lần. Khoảng hơn 70% dạy con nói dối là không chấp nhận được, nhưng có đến gần 80% thừa nhận họ cũng nói dối hoặc nói những điều gần gần với nói dối.

Nói dối con - lợi và hại?

Cha mẹ nói dối vì nhiều lý do. Nhà nghiên cứu Heyman nhận định, mục đích chính của việc nói dối con cái là mong muốn chúng tốt hơn hoặc hy vọng con sẽ ngoan ngoãn và biết nghe lời hơn.

Nhưng trái ngược với đó, những lời nói dối sẽ khiến trẻ dần không tin tưởng vào những lời cha mẹ nói. Và dần chúng lại càng trở nên trây ì với những lời nói. Đồng thời đó, những lời nói của bố mẹ cũng không còn đủ trọng lượng.

Ví dụ như trường hợp doạ con khóc sẽ bị các chú cảnh sát bắt. Một vài lần, trẻ sẽ tin và lời nói của cha mẹ dĩ nhiên có tác dụng làm chúng không khóc nữa. Vậy là mục đích của cha mẹ đã được hoàn thành.

Nhưng nếu cha mẹ lạm dụng dùng quá nhiều, bọn trẻ sẽ biết cách tìm hiểu vì sao các chú cảnh sát lại làm vậy và nếu chúng vẫn khóc thì liệu có chú cảnh sát nào đến tìm chúng không. Sự nhạy bén mong muốn tìm hiểu của bọn trẻ cũng chính là điều tai hại nếu cha mẹ nói dối quá nhiều, bởi lẽ nếu phát hiện ra sự thật, bọn trẻ sẽ không còn tin vào bất kỳ điều gì cha mẹ nói cũng như không tin vào những lời răn dạy của cha mẹ.

Nhà nghiên cứu Gail Heyman của ĐH California, San Diego nhận xét, nói dối cũng có hại cho con trẻ. Nếu cha mẹ thường xuyên nói dối con cái thì bọn trẻ sẽ dần bị mất niềm tin ở cha mẹ và hậu quả khó lường hơn là chúng có thể mất niềm tin vào mọi người xung quanh nữa.

Các nhà khoa học cũng thừa nhận rằng, đôi khi nói dối cũng không ảnh hưởng nhiều đến các bé. Nhưng nhà nghiên cứu Heyman khuyến cáo các bậc cha mẹ nên xem xét, thông qua các vấn đề trước khi có ý định nói dối hoặc lừa gạt con mình.

Hoàng Ngân
Theo Livescience
Chia sẻ