Sượng sùng vì con chỉ “thèm” ôsin

Mai Lan,
Chia sẻ

Cho ăn, dỗ ngủ hay chơi cùng con, chị tung ra đủ chiêu: mua đồ chơi, đưa đi công viên hay trung tâm thương mại, bé đều lắc đầu và cứ gọi tên cô giúp việc.

Thơ thẩn nhớ cô giúp việc, dửng dưng với mẹ

Ai nhìn vào nhà anh Nam - chị Ngọc (Đội Cấn, Hà Nội) cũng phải thầm thán phục vì gia đình anh chị quá điều kiện. Nhà anh chị nổi bần bật ngay phố Đội Cấn nhờ vị thế đẹp lung linh cùng mặt tiền, nội thất hoành tráng, mỗi người sở hữu một chiếc xe hơi cáu cạnh. Anh chị mới ngoài 30 nhưng cả hai đều có trong tay một công ty của riêng mình. 

Có lẽ bởi quá bận rộn với công việc riêng mà anh chị đành giao trọn gói quý tử cho cô Hòa – cô giúp việc ở quê lên. Bé Quân - con anh chị được bố mẹ rất cưng chiều, chỉ cần bé thích gì, chưa kịp nói, anh chị cũng sẽ đáp ứng ngay. 

Sáng đi làm thì con vẫn say giấc, tối muộn về anh chị lại cuốn ngay lấy máy tính để hoàn thành nốt công việc dang dở. Bé ban đầu cũng le ve ra chỗ bố mẹ chơi, rồi hỏi han. Không ít lần vì mệt mỏi công việc, chị Ngọc quát bé ầm nhà chỉ vì con hay hỏi quá. 

Chị nói: "Lúc đó, mình thì bao nhiêu việc mà con cứ luẩn quẩn quanh chân hỏi những câu vớ vẩn. Hết sao cá có đuôi đến sao cái kem lại bị lạnh... Mình như phát điên lên". 

Thấy con mặt mũi buồn chán, lủi thủi chạy ra chơi với cô giúp việc, chị cũng thấy thương nhưng vì quá bận rộn nên bỏ qua, có lúc chị cũng cố dành thời gian chơi với con nhưng cũng chỉ là chơi cho có...

Dần dần hai mẹ con chẳng có mấy cơ hội tiếp xúc, hiểu nhau. Tuy nhiên, chị vẫn yên tâm rằng, với sự kiếm tiền như vũ bão của hai vợ chồng, bé được đầy đủ, ăn ngon mặc đẹp, sành điệu, đồ chơi ngoại, lớn nhanh, khỏe mạnh, xinh trai thế là đủ. 

Sượng sùng vì con chỉ “thèm” ôsin 1
Cô giúp việc nghỉ, chị Ngọc không làm sao dỗ dành được con. (Ảnh minh họa)

Nhưng rồi mọi việc đều rối rít tít mù vì nhà cô Hòa dưới quê có việc, cô xin nghỉ những 2 tuần để giải quyết việc riêng. Vắng cô giúp việc, công việc chăm con với chị quá vất vả và khó khăn. Cho ăn, dỗ ngủ hay chơi cùng con, chị tung ra đủ chiêu: mua đồ chơi, đưa đi công viên hay trung tâm thương mại, bé đều lắc đầu quầy quậy và cứ gọi “bà Hòa cơ, bà Hòa cơ”. 

Dỗ dành mãi con không nghe, chị gắt um nhà, còn bé thì khóc ti tỉ. Chị chợt thấy rằng, con đã quá xa cách với chị. Chị buồn rười rượi khi nhìn con cứ ra vào thơ thẩn gọi tên cô giúp việc và dửng dưng với mẹ. 

Cùng cảnh con chỉ quấn cô giúp việc là chị Yến (Hòe Nhai, Hà Nội). Vợ chồng chị đều là tiếp viên hàng không nên việc đi công tác xa và dài ngày là rất bình thường. 

Anh chị định sau khi có con, chị Yến sẽ ở nhà để toàn tâm toàn ý với gia đình, con nhỏ nhưng khi con được 4 tháng, tự thấy con đã cưng cứng, may lại thuê được một cô giúp việc khá thật thà lại yêu thương trẻ con và đặc biệt cô có vẻ yêu thương bé Su nhà mình, chị quyết định đi làm lại. 

Thế là từ khi Su được 4 tháng tới nay bé đã 2 tuổi đều được cô Mây nuôi dạy là chính bởi bố mẹ Su 2-3 tháng mới lại về nhà một lần. Những lần về, chị nhìn con hào hứng với đống đồ chơi, chị yên tâm lắm.

Chị nói với bé rằng: "Ngoan, Su ở nhà với bà Mây rồi đi làm mẹ mua quà cho nhé!".
 
Đến một ngày, cô Mây xin nghỉ làm vì lý do con gái mới sinh con, cô không thể tiếp tục làm việc ở đây. Anh chị lo lắng và nhờ bà ngoại dưới quê lên trông. 

Nhưng xem ra, Su coi ai cũng như người lạ, từ bà ngoại đến mẹ. Su lúc nào cũng khóc lóc đòi bà Mây. Bà ngoại thì giận tím người: “Đời thuở nhà ai, con lại chẳng yêu ông bà bố mẹ, một mực gọi tên ôsin là sao? Cũng tại anh chị, suốt ngày kiếm tiền quên luôn cả con”. 

Vợ chồng chị Yến có vẻ sượng sùng lắm.

Thu xếp công việc để dành thời gian cho con

Nhiều người nghĩ rằng, con cái sinh ra sẽ tự động yêu thương bố mẹ tuy nhiên trên thực tế lại không hoàn toàn như vậy bởi thói quen, tình cảm của con sẽ được vun trồng theo năm tháng giữa những người mà bé có mối liên hệ mật thiết. 

Nhiều ông bố bà mẹ cứ thắc mắc: suốt ngày cung phụng, chiều chuộng, con muốn gì được nấy thế mà chỉ bám riết lấy ôsin cả ngày, bố mẹ đi làm về thì dưng dửng coi như không. Nhưng họ không hiểu rằng, họ mới chỉ đáp ứng được cái cần còn yếu tố đủ lại thiếu. 

Trẻ con thường dành tình cảm, sự yêu thương đến những người gần gũi, chăm sóc, tạo cho chúng cảm giác được yêu thương, được an toàn. Vì thế, nếu bố mẹ bận trăm công nghìn việc, đi sớm về khuya, không có thời gian chia sẻ, gần gũi, quan tâm, chăm sóc thì việc con trở nên xa cách cũng là điều bình thường. 

Vì thế, dù bận rộn đến đâu, các bậc phụ huynh cũng nên cố gắng thu xếp công việc, cân đối các mối quan hệ để có thời gian dành cho con.

Việc giao phó tuyệt đối cho người giúp việc là hoàn toàn không nên. Có thể bạn bận, người giúp việc có thể giúp bạn việc cho bé ăn, cho bé ngủ nhưng nhất thiết bạn phải dành thời gian chất lượng để trò chuyện, chơi cùng và hiểu con. 

Bạn hãy để bé cảm nhận một điều rằng dù có bận rộn thế nào, bạn vẫn là người yêu thương chúng nhất. 

Như chuyện nhà anh Nam Thanh (Quận 3, TP HCM) là một ví dụ. Hai vợ chồng anh đều làm việc ở công ty nước ngoài. Ngoài việc lương kiếm rất cao, vị trí hấp dẫn thi anh chị phải lao lực với công việc, ngày đêm cống hiến thế nhưng cả hai người đều đề ra nguyên tắc: thà mất việc còn hơn không có thời gian chăm con. 

Anh Thanh tâm sự: "Thà mất việc là nói mạnh miệng thôi nhưng đúng là chúng mình đều cố gắng làm hết sức ở cơ quan và hạn chế đem việc về nhà, nguyên tắc nữa đó là phải về trước 7h tối để ăn cơm và trò chuyện với các con. Thứ 7, Chủ nhật cũng vậy, vợ chồng mình nói không với điện thoại, máy tính, để chuyên tâm duy nhất vào việc chăm lo cho hai con nhỏ". 



Các nhà khoa học của trường đại học Harvard vừa cho biết rằng những đứa trẻ nhận được nhiều tình yêu thương của bố sẽ thông minh hơn.
Sượng sùng vì con chỉ “thèm” ôsin 2
Chia sẻ