Sử dụng điện thoại có thể làm suy yếu sự phát triển của trẻ nhỏ

Mai Linh (theo CNN),
Chia sẻ

Nghiên cứu mới cho thấy, trẻ em chơi cùng điện thoại hoặc máy tính bảng nhiều có khả năng làm giảm khả năng giao tiếp, tính vận động và nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác.

Sử dụng điện thoại có thể làm suy yếu sự phát triển của trẻ nhỏ - Ảnh 1.

Ảnh: Getty Images

Theo một nghiên cứu trên 7.097 trẻ em mới được công bố trên tạp chí Nhi khoa JAMA, trẻ 1 tuổi có hành vi xem màn hình điện tử từ 1 đến 4 giờ mỗi ngày đối mặt với nguy cơ giảm khả năng phát triển giao tiếp, vận động tinh, giải quyết vấn đề cũng như các kỹ năng cá nhân và xã hội của chúng.

Tiến sĩ Jason Nagata, phó giáo sư nhi khoa tại Đại học California, nhận định: “Đây là một nghiên cứu thực sự quan trọng vì đã theo dõi được một lượng lớn đối tượng trong nhiều năm. Nghiên cứu xác định sự kém phát triển các kỹ năng cụ thể liên quan đến thời gian sử dụng thiết bị thông minh”.

Nghiên cứu đã đo lường số giờ trẻ em 1 tuổi sử dụng màn hình mỗi ngày và các kỹ năng trong một số lĩnh vực: giao tiếp, vận động, giải quyết vấn đề, kỹ năng cá nhân và xã hội khi chúng ở độ tuổi 2 và 4. Cả hai đều được đo lường dựa theo lời kể của các bà mẹ.

Kết quả cho thấy, đến 2 tuổi, những trẻ dành tới 4 giờ ngồi trước màn hình mỗi ngày có nguy cơ bị chậm phát triển về giao tiếp và giải quyết vấn đề cao gấp 3 lần. Trong khi đó, những trẻ dành trên 4 giờ mỗi ngày sử dụng màn hình có nguy cơ bị kém phát triển giao tiếp cao gấp 4,78 lần, khả năng vận động dưới mức trung bình cao gấp 1,74 lần và các kỹ năng cá nhân, xã hội kém phát triển cao gấp hai lần khi lên 2 tuổi.

Tiến sĩ John Hutton, phó giáo sư nhi khoa tổng quát và cộng đồng tại Cincinnati cho biết, những tác hại tiềm ẩn của việc sử dụng thiết bị đối với trẻ em là làm mất đi động lực phát triển ngôn ngữ. “Trẻ em học cách nói chuyện nếu chúng được khuyến khích nói chuyện và sẽ nói rất thường xuyên. Nếu xem màn hình quá nhiều, chúng sẽ không có cơ hội để nói chuyện. Chúng có thể nghe được nhiều từ nhưng lại không thực hành nói nhiều hoặc không có nhiều tương tác qua lại”, ông nói.

Ngoài ra, nếu trẻ không có nhiều thời gian để chơi hoặc được cho dùng thiết bị thông minh để xoa dịu cảm xúc, điều đó có thể cản trở khả năng vượt qua sự khó chịu của trẻ. Hutton nói: “Về lâu dài, một trong những mục tiêu quan trọng là giúp trẻ có thể yên trong suy nghĩ của mình. Khi buồn, chúng sẽ khó chịu một chút xong sẽ tìm cách để vui chơi trở lại”.

“Một vấn đề khác quan trọng là liệu cha mẹ có đang đồng hành cùng trẻ khi sử dụng các thiết bị điện tử không? Việc cha mẹ theo dõi cùng con có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực đi rất nhiều”, Hutton cho biết.

Các chuyên gia chia sẻ, nếu bạn cần trẻ tập trung vào một thứ gì đó, bạn nên thử cho trẻ một cuốn sách hoặc một món đồ chơi. Nếu bạn cần phải sử dụng tới màn hình, hãy chọn cho trẻ nhỏ những nội dung giáo dục hoặc cho chúng trò chuyện video với người thân để chúng vẫn có thể tương tác xã hội.

Chia sẻ