Stress vì con cứ ăn vào là trớ

,
Chia sẻ

Chị Hương stress nặng vì con cứ ăn xong lại trớ ra. Bú được tí sữa mẹ hoặc chật vật mãi mới ti xong bình sữa, con lại phun ra ngoài hết.

Chị Hương stress nặng vì con cứ ăn xong lại trớ ra. Bú được tí sữa mẹ hoặc chật vật mãi mới ti xong bình sữa, con lại phun ra ngoài hết. Ăn hơi no một tí cũng nôn. Cười đùa to tiếng cũng nôn. Con đã nôn, mẹ lại nhồi tiếp, vì sợ con đói.

Cả ngày hai mẹ con cứ đánh vật với chuyện ăn uống. Nhiều lúc con chị buồn ngủ, không chịu ăn, quấy khóc, thế lại nôn trớ toàn nước. Chả thế mà tháng đầu, con hầu như không lên lạng nào.

Cho con đi khám bác sỹ, chị mới biết, trẻ dưới 3 tháng tuổi, có thể bị nôn trớ, do hệ tiêu hoá của bé chưa hoàn thiện. Khi mới sinh ra, dạ dầ của bé nằm ở tư thế ngang nên chuyện vừa ăn ra lại trớ luôn cũng là chuyện bình thường. Nôn trớ có thể tự giảm khi bé lớn hơn. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bé vẫn hay bị nôn trớ cho đến khi tận 5 tuổi.

Một số bé nôn trớ cũng có thể do bé bị dự ứng với các loại sữa bột công thức. Thực tế đã chứng minh, bé nào bú sữa mẹ thì ít bị nôn trớ hơn. Bé có thể nôn trớ do sinh non, cơ thể yếu, mắc các bệnh về đường tiêu hoá.

Mẹ không biết cách cho con bú, hoặc cho con ăn bình, con cũng có thể bị nôn trớ.

Nôn trớ không phải là bệnh nguy hiểm

Cách khắc phục để bé không bị nôn trớ là cho bé ngậm sâu vào bầu vú mẹ, không cười đùa với con khi con đang bú. Hãy điều chỉnh lượng sữa chảy nếu sữa xuống quá nhanh để bé không bị sặc. Dạ dầy của bé còn nhỏ, dễ bị trào ngược lên. Mẹ không nên cho con ăn quá no. Khi con đang bú, không dịch chuyển bé, không lắc mạnh vào bé.

Khi đã khắc phục hết những tình trạng này và bé đã lớn hơn mà vẫn không hết nôn trớ, mẹ hãy cho bé đi khám  bác sỹ. Bác sỹ có thể tư vấn hoặc khám trực tiếp cho con, phát hiện ra bé bị nôn trớ do một số nguyên nhân bẩm sinh: teo thực quản, thực quản ngắn, thực quản co thắt bất thường...

Mẹ cũng nên chú ý, nếu bé khó chịu, ốm sốt thì tình trạng nôn trớ càng dễ xảy ra hơn. Nếu mẹ cáu giận, stress,  bực dọc trong lúc cho trẻ bú hoặc khi chăm sóc trẻ, trẻ cũng bị trạng thái tâm lý căng thẳng và dễ bị nôn trớ.
 
Bú đúng cách giúp bé giảm nôn trớ

Lời khuyên chung dành cho các mẹ để giảm nôn trớ là nên cho trẻ bú đúng cách, giảm số lượng sữa khi trẻ bú mỗi lần, tăng cường số lần cho con ăn.

Khi bé bú xong, không nên đặt bé nằm xuống ngay mà phải vỗ ợ hơi cho con, giữ cho con ở trạng thái thoải mái, nhẹ nhàng, dễ chịu trước, trong và sau khi bú.

Nếu bé bị nôn trớ, mẹ nên tìm cách cho bé ăn thay chỗ bé đã bị trớ ra. Nếu bé vẫn khoẻ mạnh, ăn ngủ bình thường thì đây chỉ là hiện tượng sinh lý. Hiện tượng này sẽ giảm dần khi bé lớn lên mà không cần điều trị.

Cách vỗ ợ hơi cho bé

Bé bú mẹ (hoặc bú bình) có thể nuốt sữa và cả không khí. Khi có nhiều hơi trong ruột sẽ làm bé khó chịu, bú ít và khó ngủ. Vỗ ợ hơi cho bé trong và sau khi bú là phương pháp quan trọng để giảm nôn trớ.

Trước khi vỗ ợ hơi cho con, cần có một chiếc khăn nhỏ lót ở dưới cổ bé, vì khi bé ợ hơi có thể cũng trào ra một ít sữa. Thực hiện vỗ khi bé bú được khoảng 60ml sữa hoặc giữa khoảng thời gian đổi từ vú này sang vú khác khi cho bé bú mẹ.

Có 3 cách để vỗ lưng cho bé:

Cách 1: Bế bé lên vai, một tay giữ phần mông bé, một tay xoa nhẹ vào phần lưng giữa 2 xương bả vai, hoặc bạn có thể khum bàn tay và vỗ nhẹ lên lưng bé đến khi bé ợ hơi, khoảng 5-15 phút.

Cách 2: Cho bé ngồi trên đùi, một tay giữ trước ngực, một tay xoa và vỗ lưng tương tự như cách 1.  Lưu ý, với bé sơ sinh cổ còn yếu, nên để cho bé ngồi hơi ngã về phía trước một chút để đầu không ngửa ra sau khi vỗ lưng.

Cách 3: Cho bé nằm úp lên 2 đùi của bạn, đầu nghiêng về một bên, giữ bé bằng một tay ở dưới vai của bé, hoặc giữ bé bằng một tay để ở mông. Tay còn lại xoa hoặc vỗ lưng cho bé như cách 1.

 Các bố mẹ đừng cho rằng nôn trớ là bệnh hay điều gì quá nghiêm trọng và nguy hiểm. Nhưng nếu để tình trạng nôn trớ của con kéo dài, lặp đi lặp lại sẽ sớm dẫn đến tình trạng bé chậm phát triển và nhẹ cân. Thông thường, các bé bị nôn trớ nhiều nhất từ khi lọt lòng đến 3 tháng tuổi. Khi bé hơn 1 tuổi, tình trạng này sẽ giảm nhiều và hầu như không còn.
 
Thu Hằng
(Tổng hợp)
Chia sẻ