Sau nhiều lần chăm con trai tái đi tái lại viêm tai giữa, hot mom Trinh Phạm "bỏ túi" 6 bí kíp cho bố mẹ

Thảo Hương,
Chia sẻ

Theo số liệu thống kê, hơn 80% trẻ bị viêm tai giữa ít nhất một đợt ở tuổi lên 3. Bệnh này có thể tái đi tái lại nếu cha mẹ không biết chữa đúng cách cho trẻ.

Viêm tai giữa là tình trạng tai giữa (khu vực phía sau màng nhĩ) bị nhiễm trùng gây sưng, đau, sốt, chảy dịch. Viêm tai giữa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi song phổ biến nhất là trẻ em từ 6-36 tháng tuổi do cấu trúc tai chưa phát triển hoàn chỉnh, miễn dịch yếu.

Mới đây, beauty blogger Trinh Phạm chia sẻ 6 điều bố mẹ nên lưu ý khi con mắc viêm tai giữa, hy vọng sẽ có ích cho các bậc phụ huynh.

"Sau các đợt chăm Bơ bị viêm tai giữa tái đi tái lại thì vợ chồng mình đã rút được vài kinh nghiệm, ông Thành bây giờ là "bậc thầy" viêm tai giữa trong nhà luôn rồi. Mùa này thời tiết thất thường lại càng dễ bị lại luôn, ghi lại đây cho các bố mẹ tham khảo nhé", Trinh Phạm chia sẻ. 

1. Con có dấu hiệu nên đi khám ngay

Thấy con có các dấu hiệu của viêm tai giữa như: chảy mủ, dịch từ ống tai ngoài, sốt cao, hay dùng tay dụi hoặc gãi tai,... nên đưa con đến cơ sở y tế để khám ngay, chứ đừng tự điều trị tại nhà hay để tự khỏi. Ngày xưa vợ chồng mình cũng có tâm lý "ngại cho con uống kháng sinh", nhưng thực ra là bác sĩ đã kê đơn rồi thì mình cứ làm theo, cũng phải uống thì mới khỏi hẳn được.

Hoặc nếu các bố mẹ vẫn ngại dùng kháng sinh cho con thì có thể cân nhắc đến các liều thuốc đông y, tuy nhiên vẫn phải đi khám rồi mới uống thuốc. 

2. Tham khảo chọn lọc kinh nghiệm từ các phụ huynh khác

Tham gia các group viêm tai giữa ở trẻ em để học hỏi thêm kinh nghiệm từ các bố mẹ khác: riêng mục này ông Thành chuyên gia luôn. Đọc không sót một bài nào và áp dụng có chọn lọc, kết quả là giờ Bơ có triệu chứng gì là ba Thành biết cách xử lý ngay. 

3. Mua máy soi tai

Mình mua máy soi tai từ đợt đầu Bơ bị viêm tai giữa, chỉ cần một đầu cắm vào máy tính là có thể soi được các dấu hiệu lạ trong tai con luôn như: bị sưng, mưng mủ, phồng,... Từ đấy cũng nhanh chóng phát hiện và có cách xử lý tốt hơn.

Sau nhiều lần chăm con trai tái đi tái lại viêm tai giữa, hot mom Trinh Phạm "bỏ túi" 6 bí kíp cho bố mẹ - Ảnh 1.

Em bé Bơ, con trai hot mom Trinh Phạm.

4. Luôn mang thuốc theo người

Rút kinh nghiệm nhà nào đi du lịch, hay chuyển nhà thì nhớ mang theo các loại thuốc viêm tai giữa của con nhé. Nhà mình ngoài Hà Nội, Bơ quen uống một loại thuốc rồi, mà từ đợt vào Sài Gòn đi khắp các hiệu thuốc lại không có loại thuốc đó. Mình cũng không dám mua linh tinh nên lại cần chờ đi khám rồi mới lấy thuốc.

5. Không ép ăn khi con đang mệt

Về chế độ ăn, xác định là 3 - 4 ngày đầu bị viêm tai giữa con sẽ rất biếng ăn, có ép cũng khó ăn được nhiều. Mình rút kinh nghiệm là lúc này không nên ép con ăn quá, có thể nấu một vài món dễ ăn mà con thích, để con cố ăn một chút cũng được. Tuy nhiên phải thường xuyên uống oresol để bù nước nha.

6. Những lưu ý khác khi con ốm

- Ban đêm, ba mẹ cần đo nhiệt độ liên tục xem con sốt bao nhiêu độ, đề phòng con bị sốt cao quá.

- Các phương pháp chữa viêm tai giữa dân gian có thể tham khảo để làm tại nhà cho con, nhưng không thay thế cho việc uống thuốc.

Những nguyên nhân làm viêm tai giữa tái đi tái lại

1. Do con còn nhỏ. Vòi nhĩ con ngắn và nằm ngang nên con hay bị tái phát (con dưới 5 tuổi).

2. Do mẹ không dùng đủ đơn kháng sinh cho con. Kháng sinh cho viêm tai giữa thường dùng liều cao gấp đôi liều đơn thuần, dùng trong 10 ngày. Nhưng cứ 3-5 ngày con đỡ nhưng chưa khỏi hẳn là mẹ đã dừng rồi, như vậy làm bệnh viêm tai giữa có nguy cơ diễn tiến ở thể không triệu chứng làm mẹ chủ quan.

3. Do con bị viêm VA mà mẹ không kiểm soát được, làm VA tái đi tái lại, làm VA quá phát bịt 1 phần hoặc hoàn toàn vòi nhĩ.

4. Do con bị viêm mũi dị ứng liên tục làm tăng nguy cơ virus vi khuẩn lên tai từ mũi.

5. Mẹ vệ sinh mũi cho con không đúng cách làm mũi sau của con luôn có dịch hoặc mủ, làm tăng nguy cơ tái phát viêm tai giữa. Vì vậy, việc giữ mũi con khô, ấm, ẩm rất quan trọng.

Cách điều trị dứt điểm bệnh viêm tai giữa cho trẻ

Khi trẻ bị viêm tai giữa, cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:

- Dùng đúng thuốc kháng sinh và đủ thời gian theo kê đơn: Viêm tai giữa chia thành 3 thể: thể nhẹ, thể trung và thể nặng. Trẻ chỉ dùng kháng sinh khi đã bị ở mức độ trung và nặng. Thuốc kháng sinh được ưu tiên sử dụng trong điều trị viêm tai giữa là Augmentin vì nó có chứa hoạt chất là amoxicillin/clavulanate có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh rất tốt. Cha mẹ nên nhớ là không tự ý hạ liều hay cắt giảm thời gian xuống khiến bé dễ bị nhờn thuốc, tái nhiễm. Tùy từng trường hợp cụ thể mà thời gian điều trị ở mỗi trẻ không giống nhau.

- Tai - mũi - họng có mối liên hệ mật thiết với nhau nên khi vệ sinh mũi họng cho trẻ, mẹ chú ý không xịt rửa mạnh hay khi bé đang nằm ngửa.

- Giữ môi trường sống sạch sẽ, hạn chế cho trẻ đến những nơi có nhiều khói bụi hoặc ở gần người hút thuốc lá.

- Trẻ nhỏ dễ bị vi rút vi khuẩn tấn công do đó mẹ nhớ luôn duy trì chế độ ăn đủ chất, vận động thường xuyên, ngủ đủ giấc, tiêm phòng và bổ sung tăng đề kháng đầy đủ!

- Trong trường hợp nhiễm trùng lan rộng, điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, người bệnh có thể cần điều trị ngoại khoa như nạo VA; cắt amidan; đặt ống thông khí tùy vào từng tình trạng bệnh cụ thể, bác sĩ có thể áp dụng.

Chia sẻ