Quyền lực con trẻ

Theo SGTT,
Chia sẻ

Từ quen được nuông chiều đến hư hỏng là con đường rất ngắn, vì vậy phải thương con đúng cách để giúp trẻ trở thành người biết yêu thương, chia sẻ và sống có trách nhiệm.

Thua con và sợ con!

Đi siêu thị với mẹ, bé Na, bốn tuổi, nằng nặc đòi búp bê, mẹ không đồng ý bảo bé để lại, thế là Na lăn đùng xuống sàn nhà la hét, giãy giụa… Cuối cùng, người mẹ đành nhượng bộ cho con ôm búp bê ra quầy tính tiền, và chống chế với những người xung quanh là: “Con bé quen thói ngang ngược, muốn gì được nấy!”

Còn Tony, mười tuổi, mỗi khi vòi vĩnh điều gì không được là cu cậu vào phòng mình đóng sập cửa, trút giận bằng cách đập vỡ bất cứ vật gì có trong tay, sau đó ra mặt chống đối bằng cách lầm lì, bỏ ăn. Dù rất muốn cương quyết nhưng vì xót con, mẹ Tony đành phải... xuống nước.
 

Thương con đúng cách

Những đứa trẻ quen được cưng chiều luôn ý thức được “quyền lực” của mình, và sớm biết sử dụng quyền lực ấy để gây sức ép với cha mẹ bằng thái độ giận dữ, hung hăng, mè nheo, hờn dỗi, khóc lóc… thậm chí quậy phá và chống đối. Tính xấu của trẻ là kết quả của lối giáo dục nuông chiều, vì vậy muốn thay đổi thói quen xấu của trẻ phải bắt đầu từ việc thay đổi cách yêu con, chiều con thái quá. Chỉ có dành thời gian cho trẻ, nói chuyện cùng con, phân tích sự việc, đưa ra các giới hạn rõ ràng để kiềm chế những đòi hỏi, những yêu sách của trẻ, bộc lộ những quan điểm và cảm xúc của mình một cách rõ ràng... cha mẹ mới mong kiềm chế sức ép của trẻ với cha mẹ. Thương con một cách mù quáng là chấp nhận sợ con và thua con.

Tre non thường dễ uốn, khi trẻ còn nhỏ cha mẹ phải là người dẫn dắt hành vi ứng xử đúng ở trẻ và nghiêm khắc với những hành vi sai, chọn lựa hành vi thay thế phù hợp giúp trẻ ứng xử linh hoạt trong những tình huống khác nhau cuộc sống. Chính sự nhượng bộ và bỏ qua thói xấu của trẻ lâu ngày khiến trẻ càng có thêm kinh nghiệm để chống đối và gây sức ép với cha mẹ.

Điều quan trọng, chính cha mẹ cũng cần nhất quán trong ứng xử của mình, tránh lúc thì nuông chiều, lúc lại nghiêm khắc làm trẻ hoang mang và đối phó, gia tăng tính ương bướng ở trẻ, từ đó gây nên những khó khăn trong việc giáo dục trẻ.

Biết từ chối yêu sách của trẻ bằng biện pháp giáo dục tích cực, cha mẹ sẽ giúp con có kỹ năng biết lắng nghe và chấp nhận học hỏi những điều hay lẽ phải, từ đó tính tự chủ ở trẻ cũng được tăng lên. Ngược lại, những đứa trẻ kém tự chủ, không biết kiềm chế thì sau này lớn lên dễ ích kỷ, nhỏ nhen, kênh kiệu, tham lam, dễ có tính cách nổi loạn và chống đối. Mà với nhiều tính cách xấu như thế, trẻ rất khó hoà nhập cộng đồng do thiếu thói quen hợp tác và chia sẻ với người khác.

Chia sẻ