Phòng ngừa đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh

Kim Dung,
Chia sẻ

Viêm kết mạc thường do virus, vi khuẩn, hóa chất, dị ứng hoặc các chất kích thích khác gây ra. Ở trẻ sơ sinh, đau mắt đỏ cũng có thể do tắc lệ đạo.

Phòng ngừa đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh - Ảnh 1.

Minh họa/INT

Tình trạng phổ biến

Mí mắt của bé bị sưng đỏ và có một chút vảy vàng ở khóe mắt. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp bé không sốt, không thể hiện sự khó chịu rõ ràng. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Trẻ sơ sinh có thể bị đau mắt đỏ không? Nếu có, bệnh đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh nghiêm trọng đến mức nào? Đó là câu hỏi không ít phụ huynh đặt ra trong tình huống này.

Song, theo các chuyên gia, nếu đang cảm thấy lo lắng và bối rối về tình trạng mắt bé bị đỏ hoặc sưng tấy, thì các phụ huynh không đơn độc. Bởi, thực tế, đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh là tình trạng tương đối phổ biến và thường dễ điều trị. Các chuyên gia đã nêu những việc cần làm nếu phụ huynh cho rằng, con mình bị đau mắt đỏ.

Đau mắt đỏ hay còn gọi viêm kết mạc là tình trạng viêm ở một phần của mắt được gọi là kết mạc. Đây là màng lót bên trong mí mắt cũng như nhãn cầu. Tình trạng này dẫn đến mí mắt và nhãn cầu có màu đỏ khi chúng bị viêm và kích thích.

Viêm kết mạc thường do virus, vi khuẩn, hóa chất, dị ứng hoặc các chất kích thích khác gây ra. Ở trẻ sơ sinh, đau mắt đỏ cũng có thể do tắc lệ đạo. Đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh có thể được chia thành hai loại. Đó là: Đau mắt đỏ xảy ra ngay khi trẻ chào đời; Đau mắt đỏ xảy ra sau khi trẻ chào đời.

Khi em bé bị đau mắt đỏ trong vài tuần đầu tiên của cuộc đời, nguyên nhân thường là do điều gì đó xảy ra trong quá trình sinh nở. Trong đó, có thể là hóa chất được sử dụng để điều trị mắt khi sinh hoặc nhiễm trùng truyền từ mẹ sang con.

Nguyên nhân đau mắt đỏ

Để nhận biết trẻ sơ sinh đau mắt đỏ, phụ huynh có thể dựa vào màu mắt trẻ. Trẻ đau mắt đỏ khi mắt xuất hiện các tia máu đỏ ngày càng dày đặc trong lòng trắng. Tình trạng này sẽ xuất hiện trong 24 đến 48 giờ cho cả 2 mắt. Bạn có thể kiểm tra bằng cách nhìn mắt trẻ sơ sinh bị đỏ ở dưới mắt. Song song với triệu chứng mắt bị đỏ, bắt đầu sẽ có hiện tượng chảy nước mắt kèm theo chất nhầy màu vàng hoặc trắng, xanh. Chúng kết lại và đóng tập trung các góc mắt và dần bao phủ toàn bộ mắt. Khi tình trạng này kéo dài hơn, mắt sẽ bị sưng phù lên cả mắt lẫn mí mắt khiến trẻ khó mở mắt, đặc biệt sau khi thức dậy. Các dấu hiệu khác bao gồm: Bé quấy khóc liên tục, khó mở mắt, sốt cao, có màng dịch nhầy trong mắt.

Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh không phải lúc nào cũng nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình trạng này cần được đánh giá y tế kịp thời vì đây có thể là dấu hiệu của một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng. Các chuyên gia cho biết, tình trạng đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh thường xảy ra trong vòng 1 đến 2 tuần sau khi sinh. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp.

Tắc lệ đạo. Đôi khi trẻ sơ sinh bị tắc lệ đạo. Tình trạng này xảy ra do nước mắt của bé không thể chảy ra. Song, hiện tượng này thường sẽ hết khi bé lớn lên. Đây là một hiện tượng tương đối phổ biến, lành tính. Tuy nhiên, phụ huynh cần chú ý để trẻ được bác sĩ theo dõi, đánh giá. Từ đó, loại trừ bất cứ điều gì nghiêm trọng hơn.

Thuốc nhỏ mắt. Thuốc nhỏ mắt cho bé khi mới sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn có thể gây ra tình trạng gọi là “viêm kết mạc do hóa chất”. Từ đó, khiến mắt trẻ bị kích ứng. Những kích ứng này thường dễ dàng khỏi và không được coi là trường hợp y tế khẩn cấp.

Nhiễm khuẩn khi sinh. Nếu người mẹ bị nhiễm vi khuẩn khi sinh, nhiễm trùng đó có thể truyền sang trẻ sơ sinh. Thông thường nhất, vi khuẩn gây ra các bệnh nhiễm trùng này bao gồm chlamydia và lậu.

Trường hợp ít phổ biến hơn có thể là nhiễm trùng mụn rộp ở mẹ. Tình trạng này cũng có thể lây truyền từ mẹ sang trẻ sơ sinh. Thật không may, những bệnh nhiễm trùng này không chỉ ảnh hưởng đến mắt, mà còn có thể trở nên rất nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

Nhiễm virus hoặc vi khuẩn khác. Bên cạnh các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn mắc phải khi mới sinh, trẻ còn có thể bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus ảnh hưởng đến mắt và gây ra các triệu chứng đau mắt đỏ.

Những bệnh nhiễm trùng này cũng có thể gây ra các triệu chứng khác trong cơ thể, phổ biến nhất là triệu chứng về hô hấp hoặc sốt. Bất kỳ nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus nào ở trẻ sơ sinh cũng đều cần được xem xét nghiêm túc và được đánh giá y tế kịp thời.

Phòng ngừa đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh - Ảnh 3.

Có nhiều nguyên nhân gây đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh. Ảnh minh họa: INT

Tăng cường sức đề kháng cho trẻ

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu trẻ điều trị bằng kháng sinh đối với cơn đau mắt đỏ. Điều này là do trong một số ít trường hợp, nhiễm trùng có thể được truyền từ cha mẹ sang con. Do đó, việc điều trị bằng kháng sinh giúp vừa loại bỏ vi khuẩn gây nhiễm trùng, vừa ngăn ngừa đau mắt đỏ xảy ra lần nữa.

Trong các trường hợp khác, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm dị ứng vết xước trên da để tìm hiểu xem trẻ sơ sinh có bị dị ứng hay không. Ngăn ngừa phản ứng dị ứng có thể giúp tránh đau mắt đỏ. Mặt khác, cần thực hành vệ sinh tốt, đặc biệt nếu trẻ thường xuyên dụi mắt. Bởi, đó là biện pháp phòng ngừa tốt nhất. Tuy nhiên, đôi khi, đau mắt đỏ vẫn là điều không thể tránh khỏi với trẻ.

Đau mắt đỏ xảy ra sẽ khiến cho sức đề kháng của bé yếu dần. Do đó, để chống lại bệnh tật, cha mẹ cần tăng cường sức đề kháng cho bé. Mẹ cần bổ sung dinh dưỡng để chất lượng sữa tốt hơn. Nếu bé đang trong giai đoạn ăn dặm, có thể bổ sung thêm một số thực phẩm giàu vitamin A, B, D1 để tăng sức đề kháng. Cho con bú đầy đủ, không để bé đói, quấy khóc.

Nếu không điều trị kịp thời, bệnh đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh có thể đem đến những hệ quả nghiêm trọng như: Nhiễm trùng máu, nhiễm trùng niêm mạc não,… nếu trẻ mắc viêm kết mạc do bệnh lậu mủ. Vi khuẩn chlamydia trachomatis có thể khiến trẻ bị nhiễm khuẩn ở bộ phận khác. Khi không được điều trị kịp thời, giữ vệ sinh mắt tốt, trẻ có thể bị viêm loét giác mạc.

Theo Very well health

Chia sẻ