Phác đồ 'giờ vàng': Cách mạng y khoa cứu sống trẻ sinh non

Cẩm Anh,
Chia sẻ

Phác đồ 'giờ vàng' là tổng thể nhiều kỹ thuật y khoa cao cấp được thực hiện trong 60 phút đầu đời, ngay tại phòng sinh để cứu sống cho trẻ sinh non.

Phác đồ 'giờ vàng': Cách mạng y khoa cứu sống trẻ sinh non - Ảnh 1.

Ê-kíp 'giờ vàng' cùng trang thiết bị hồi sức kịp thời cứu trẻ sinh non và rất non. Ảnh: Tuệ Diễm

Phác đồ “giờ vàng” là tổng thể nhiều kỹ thuật y khoa cao cấp được thực hiện trong 60 phút đầu đời, ngay tại phòng sinh để cứu sống, chăm sóc y tế cho trẻ sinh non và rất non từ 24 tuần tuổi, hạn chế đặt nội khí quản, giảm di chứng, chi phí điều trị.

60 phút đầu đời là “thời gian vàng”

Năm 2018, TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM sang Australia du học, chứng kiến trẻ sinh non được chăm sóc nhẹ nhàng nhờ can thiệp sớm 60 phút đầu đời.

Về nước, bác sĩ cùng đồng nghiệp nghiên cứu, sáng tạo phác đồ “giờ vàng” với mục tiêu giảm nguy cơ đặt nội khí quản, giảm tỷ lệ thở máy xâm lấn, từ đó giúp giảm chi phí điều trị.

Phác đồ “giờ vàng” bao gồm các yếu tố như kẹp rốn muộn, phòng ngừa hạ thân nhiệt, truyền tĩnh mạch duy trì đường huyết sau sinh, phòng nhiễm khuẩn huyết, hỗ trợ hô hấp với phương pháp không xâm lấn, cụ thể là thở không xâm lấn (CPAP) tại phòng sinh và liên tục đến khi nhập Hồi sức sơ sinh (NICU) cho nhóm trẻ sinh rất non… Trẻ sinh rất non được chăm sóc tích cực trong “thời gian vàng” sẽ tăng cơ hội sống, giảm di chứng về sức khỏe.

“Điều cần thiết nhất là đảm bảo thân nhiệt, giữ ấm, cung cấp áp lực dương liên tục, thông khí ngay sau sinh đến khi bé chuyển về đơn vị hồi sức”, bác sĩ Phượng nói.

Mặc dù, phác đồ can thiệp 60 phút đầu sau sinh, song thực tế bệnh viện chủ động triển khai trước sinh. Tại bệnh viện, khi tiếp nhận sản phụ dưới 34 tuần có biểu hiện sinh non, bác sĩ Khoa Sản báo động bác sĩ Khoa Sơ sinh có mặt ngay tại giường sản phụ để tư vấn kịp thời.

Trẻ sinh non phổi chưa trưởng thành, bác sĩ khám, quyết định thuốc hỗ trợ phổi giúp bé ra đời sớm có thể tăng cơ hội sống. Sản phụ cũng được truyền magie sulfat để bảo vệ não của thai nhi.

Trẻ chào đời, được đặt lên mâm vô trùng ngay trên đùi mẹ khi dây rốn vẫn còn đập, bác sĩ hồi sức để trẻ ổn định hô hấp, tuần hoàn, mạch, huyết áp, phòng ngừa biến chứng sinh non. Ngay sau đó, trẻ cũng được ổn định thân nhiệt bằng túi giữ ấm, hỗ trợ hô hấp với không khí áp lực dương để phổi nở, giúp cải thiện trao đổi khí ngay trước khi kẹp rốn.

Phác đồ “giờ vàng” với điểm nhấn sử dụng phương pháp thở không xâm lấn (CPAP) sớm tại phòng sinh là một trong những bước quan trọng ngay sau sinh giúp trẻ sinh non và rất non giảm suy hô hấp, cải thiện được dư hậu sau sinh, góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở nhóm trẻ có nguy cơ, mang lại nhiều giá trị, lợi ích cho cộng đồng, giảm chi phí cho gia đình và xã hội.

Phép màu sự sống

Bé Hải Đăng, sinh ra chỉ vỏn vẹn 460g, là một trong những em bé nhẹ cân nhất Việt Nam chào đời ở tuần thai 24 được nuôi sống thành công (em bé sinh non nhẹ cân nhất Việt Nam được ghi nhận là 400g).

Nhờ phác đồ điều trị tích cực, Hải Đăng đạt mốc tăng trưởng kỳ tích với khoảng 147g mỗi tuần. Sau 4 tháng được điều trị, chăm sóc, bé Đăng ra viện vào tháng 7/2023, đạt cân nặng 2,8kg, tự bú mẹ.

Trước đó, bé Bối Bối sinh vào tháng 4/2021, ở tuần thai thứ 25, nặng 740g được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cứu sống bằng phác đồ “giờ vàng” và khỏe mạnh xuất viện sau 3 tháng với cân nặng 2,55kg.

Anh Huỳnh Nhật Hòa, bố bé cho biết trước đó vợ anh sinh non con đầu lòng, bé mất ngay sau khi chào đời. Một năm sau, vợ anh mang thai Bối Bối, kịch bản sinh non tái diễn, hai vợ chồng suy sụp. Nhờ áp dụng phác đồ “giờ vàng” trong 100 ngày bé được cứu sống. Hiện, bé gần 3 tuổi, khỏe mạnh, như các bạn sinh đủ tháng.

Nghiên cứu của TS.BS Cam Ngọc Phượng theo dõi 75 trẻ sinh non và cực non có tuổi thai trung bình 27,5 - 28 tuần chào đời khỏe mạnh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM được áp dụng phác đồ này.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ trẻ phải đặt nội khí quản giảm từ 62,5% xuống còn 26%; tỷ lệ dùng surfactant (thuốc điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh non tháng) giảm một nửa, từ 40% còn 20,9%. Tỷ lệ ấn tim, truyền epinephrine (thuốc hỗ trợ hô hấp) và tràn khí màng phổi rất thấp. Ngoài ra, chi phí điều trị trung bình giảm khoảng 30 - 40%.

“Có những bé đón về chúng tôi tiên lượng chỉ còn khoảng 5 - 10% cơ hội sống. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ của hệ thống máy thở mới cùng trang thiết bị hiện đại, ê-kíp bác sĩ có kinh nghiệm nuôi sống nhiều trẻ sinh non mắc bệnh nặng. Đến thời điểm này, các con đều được cứu sống, khỏe mạnh”, bác sĩ Phượng tự hào.

Phác đồ 'giờ vàng': Cách mạng y khoa cứu sống trẻ sinh non - Ảnh 2.

Ê-kíp 'giờ vàng' cùng trang thiết bị hồi sức kịp thời cứu trẻ sinh non và rất non. Ảnh: Tuệ Diễm

Xây dựng ê-kíp “giờ vàng” trên khắp Việt Nam

Theo GS.TS.BS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch Liên chi Hội Chu sinh và Sơ sinh TPHCM, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhóm trẻ sinh rất non nguy cơ tử vong lên tới 64% so với trẻ bình thường. Hơn ba năm triển khai, phác đồ “giờ vàng” cứu sống và giảm các nguy cơ biến chứng cho trẻ sinh non.

Các bác sĩ sơ sinh hiện nay đang áp dụng vào bệnh viện, sắp tới có thể triển khai huấn luyện cho tuyến tỉnh, tuyến dưới, nhất là sử dụng thở không xâm lấn (CPAP) sớm ngay giờ đầu sau sinh, giúp cải thiện tỷ lệ tử vong và di chứng cho trẻ được cứu sống.

Tuy nhiên, phác đồ “giờ vàng” chưa được triển khai rộng rãi tại Việt Nam do nhiều đơn vị còn thiếu các thiết bị máy móc chuyên dụng hiện đại và ê-kíp sản - hồi sức sơ sinh có kinh nghiệm, theo bác sĩ Phượng.

Bác sĩ Phượng cho biết thêm, để thực hiện phác đồ “giờ vàng”, bệnh viện cần xây dựng các đội “giờ vàng” gồm bác sĩ sản khoa, sơ sinh, nữ hộ sinh, đội ngũ điều dưỡng sơ sinh lành nghề. Phương pháp này có thể triển khai rộng cho các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, để ngày càng có nhiều trẻ sinh non, rất nhẹ cân được cứu sống.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tại Việt Nam cho biết tỷ lệ trẻ sinh non khoảng 7%, mỗi năm có khoảng 100.000 - 110.000 trẻ chào đời non tháng và 17.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau khi sinh. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm, thế giới có khoảng 15 triệu trẻ sinh non và không ngừng tăng. Nếu được hỗ trợ can thiệp y tế sớm, 3/4 trong số những đứa trẻ này có thể tiếp tục sống khỏe mạnh.
Chia sẻ