Nói chuyện giới tính với con

,
Chia sẻ

Lên lớp 5, Tít bắt đầu làm quen với giới tính, sự phát triển của cơ thể qua các môn học khoa học.

Là đứa trẻ lúc nào cũng thắc mắc, nên Tít cứ vừa học vừa hỏi. Chẳng hạn, đọc đến câu: “Con gái dậy thì sẽ xuất hiện kinh nguyệt, con trai sẽ có hiện tượng xuất tinh”, Tít quay sang hỏi ba: “Kinh nguyệt là gì? Xuất tinh là sao vậy ba?”. Nghe Tít hỏi, ba nạt ngang: “Hỏi linh tinh, lo học bài đi”. Tít ấm ức, dán mắt vào sách. Nhìn thái độ của con, tôi biết chắc cu cậu sẽ tự tìm cách giải đáp những thắc mắc của mình nên nghĩ tốt nhất là nên nói chuyện với con.

Nghĩ vậy, nhưng thực lòng tôi  biết mình vẫn chưa chuẩn bị đủ tinh thần và kiến thức để nói chuyện giới tính và giải đáp những thắc mắc của con. Hơn nữa, chuyện này cần phải được thống nhất với chồng để tránh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Tôi kiếm cớ “trì hoãn”: “Tít học thuộc bài để mai cô kiểm tra, nếu ba mẹ giải thích cho con ngay lúc này, con sẽ không đủ thời gian học bài. Cuối tuần, ba mẹ sẽ giải thích hết những thắc mắc của Tít. Từ giờ đến bữa đó, con cứ suy nghĩ xem có gì thắc mắc nữa không nhé”.

Dù biết thông tin về giới tính, tình dục… có rất nhiều trong sách báo, internet… nhưng trong lúc tìm kiếm thông tin, tôi không khỏi hốt hoảng khi phát hiện ra rằng trẻ con hiện nay có thể tìm hiểu những vấn đề thầm kín này từ rất  nhiều “kênh” khác nhau. Nhưng số những kênh thông tin hữu ích,  những nguồn đáng tin cậy và đúng chuẩn mực đạo đức lại không nhiều. Tài liệu để tham khảo nhằm giải đáp cho đúng lứa tuổi của con thì càng hiếm. Điều này khiến tôi càng khẳng định việc nói chuyện trực tiếp với con về những điều khó nói là vô cùng cần thiết .

Khó khăn tiếp theo là ông xã nhất quyết phản đối việc nói chuyện giới tính với con. Anh quan niệm: “Con nít hỉ mũi chưa sạch, bày đặt tò mò chuyện người lớn”. Vừa thuyết phục, vừa cương quyết, tôi chỉ cho anh tất cả những kênh thông tin “đen” mà con có thể tìm hiểu về những chuyện khó nói, nếu không được cha mẹ giải đáp thỏa đáng thắc mắc. Trước những chứng cớ đầy thuyết phục, anh có vẻ xiêu lòng nhưng vẫn chống chế: “Nếu con cứ muốn tìm hiểu mãi, không có điểm dừng thì sao?”.

Xác định trước sẽ nói chuyện với con như nói chuyện với những người bạn, nên tôi khá thoải mái  trong việc giải đáp những thắc mắc của con. Do đã tham khảo nhiều tài liệu về giới tính, về tâm lý lứa tuổi… tôi phần nào đã điều chỉnh được những thông tin và cách giải thích cho những thắc mắc phù hợp với lứa tuổi. Nhưng có lúc tôi cũng “ú ớ” trước kiểu hỏi truy tận gốc của cháu. Chẳng hạn, khi tôi giải thích em bé hình thành do trứng và tinh trùng gặp nhau, con lại hỏi tiếp: “Vậy làm sao để trứng và tinh trùng gặp nhau?”. Câu trả lời: “Khi hai người lớn yêu nhau và kết hôn, tình yêu đó sẽ giúp cho trứng và tinh trùng gặp nhau để tạo thành em bé” có vẻ được con tạm thời chấp nhận, nhưng tôi biết, mình sẽ phải tiếp tục chuẩn bị những câu trả lời hợp lý, phù hợp và  phải đúng với sự thật để tiếp tục giải đáp những thắc mắc ở “cấp độ” cao hơn khi con lớn hơn.

Sau buổi nói chuyện với con, tôi phát hiện ra khá nhiều “bí mật” mà nếu không có buổi nói chuyện ấy thì những “bí mật” kia chắc chắn sẽ trở thành “vấn đề” lớn của Tít. Cu cậu đã từng được bạn cùng lớp kể chuyện xem phim sex, chính Tít  cũng đã vài lần lén lên mạng để xem hình ảnh tươi mát và tìm cách khám phá những bí mật cơ thể của người lớn.

Cố giữ vẻ bình thản, tôi hỏi con: “Vậy lúc xem hình ảnh như thế, con thấy sao?”. Thấy mẹ không có phản ứng khác lạ, Tít mạnh dạn hơn: “Thì con cũng thấy... thích thích”. Thót tim, nhưng tôi vẫn “kìm lòng” và tiếp tục: “Con cảm thấy thích là vì có một tố chất trong người tiết ra. Tuy nhiên, nếu chất này phải tiết ra nhiều, con sẽ không tập trung học hành, thậm chí ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao”. Tít rất sợ thấp bé nên ra chiều đăm chiêu: “Vậy chắc con sẽ không xem hình này nữa”.

Ông xã tôi cũng thay đổi suy nghĩ sau khi nghe tôi kể lại buổi nói chuyện. Anh bắt đầu chịu khó tìm kiếm thông tin để nói chuyện với con trai về những chuyện của “đàn ông”. Vì  vẫn chưa hết ngại nói chuyện thầm kín, nên anh mượn hình ảnh để “đối thoại” với con.

Vợ chồng tôi tìm mua nhiều sách về giới tính dành cho trẻ mới lớn để con tham khảo thêm về những thắc mắc chưa được ba mẹ giải đáp thấu đáo.

Tít giờ đã là sinh viên, thỉnh thoảng vẫn hay nhắc lại chuyện ngày trước và trêu mẹ: “Bây giờ thì con biết tại sao mẹ thấp bé, nhẹ cân rồi nhé. Sau này có con, con sẽ lấy bà nội ra làm minh họa để dạy con chuyện khó nói”.

Theo Phan Thị Điểu
PNO
Chia sẻ