Nỗi buồn của mẹ khi con đi nhà trẻ

,
Chia sẻ

Hai vợ chồng tôi tránh nhắc đến chữ "tã" vì mỗi lần nghe là bé khóc và lại nói: "mẹ, mặc tã, ... sợ.. cô giáo la...". Cả đêm cháu cứ giật mình khóc và lập lại câu nói đó.

Sau Tết Nguyên Đán, do chị giúp việc về quê rồi không trở lại, vừa đi làm vừa chăm hai thằng cu - một đứa đang học lớp một và cu con 20 tháng - thật là không ổn. Vợ chồng tôi quyết định cho cu con đi nhà trẻ.

Theo tư vấn của những người trong xóm, chúng tôi quyết định gởi cháu vào lớp mầm non tư thục gần nhà và cũng thuận đường đưa đón mặc dù học phí nơi này cao hơn các nơi khác từ 300.000 đến 400.000.

Tuần đầu tiên, tôi đưa cháu đến trường, cô chủ trường cũng là cô giáo dạy trẻ hỏi về cân nặng của cháu tôi đưa cô giấy khám sức khoẻ mà tôi chuẩn bị sẵn (cô không yêu cầu). Đọc xong cô bảo: "Thằng nhỏ này ốm nhom nè sao mà 10 kg được, 8 kg thôi, cân ở Nhi Đồng lúc nào cũng cao hơn 2 kg hết". Nói xong cô ghi vào sổ - 8 kg. Tôi định đính chính thì phụ huynh bên cạnh nói nhỏ: "Cứ để ghi ,cãi là con em " lãnh đủ"." Thế là tôi im lặng chấp nhận con mình ...8kg. Cô lại tiếp: "Cháu nó còn nhỏ mỗi ngày phải mang theo tã cho cháu để cháu đi tè tùm lum"...

Ngày cuối của tuần đầu tiên, có lẽ do ăn lạ món tôi hay nấu ở nhà, bé bị tiêu chảy hết 2 ngày. Thứ hai vào, tôi báo với cô tình hình của cháu nhờ cô theo dõi, cô phán: "Lỗi chị ở nhà cho ăn tùm lum hết bị tiêu chảy là phải rồi. Chị đừng cho ăn sữa chua nữa hư bao tử hết". Tôi cũng không biết trả lời sao và cảm thấy lo lắng về ngôi trường này. Nhưng nghỉ việc cả 2 ngày mà không tìm được chỗ nào nhận bé, đành... "cố lên con ạ".

Do tôi đi làm sớm nên ông xã nhận nhiệm vụ đưa đón cháu. Sau một tuần tôi được nghỉ phép nên tranh phần đưa đón. Hôm đó cháu khóc không chịu vào lớp thế là chiều về cô giáo bảo: "Từ nay về sau chị đừng có đưa nó đi học nữa. Chị đưa nó đi nó nhớ mẹ khóc suốt ngày nghe mệt quá". Tôi cũng chỉ cười chưa quan tâm đến câu nói đó.
 
Hai hôm sau, ba đi công tác, thế là tôi đưa cháu đến trường. Vừa bước vào cửa cô giáo bảo: "Đã nói rồi, chị đừng đưa nó đi hôm nay nó khóc suốt nữa". Tôi đính chính là ba không có nhà, cô ta lại khó chịu "thì nhờ chị hàng xóm có con đang học cùng đưa đi. Từ nay về sau chị đừng có đưa nó đi học nữa". Nói xong cô lạnh lùng quay đi. Về nhà cứ ấm ức: Sao tự nhiên mình bị "tước quyền làm mẹ vậy". Nhưng cuối cùng lại phải nghe lời cô dạy: không đưa con đi học vì không còn cách nào khác hơn.

Thời tiết ngày càng nóng, mỗi ngày nhìn hai mông của con ửng đỏ và nổi đầy mụn nước vì mặc tã thật tội. Sau một tuần nhìn con khó chịu vì ngứa, chúng tôi đến gặp cô "xin bỏ tã" cho cháu. Cô miễn cưỡng đồng ý. Chiều hôm đó đón về vừa gặp mẹ cháu khóc ầm lên "mẹ, mẹ, ...tã...tã...cô la... sợ" (cháu mới biết nói). Tối đó cháu sốt và cả đêm cháu cứ giật mình khóc và lập lại câu nói đó.
 
Sáng hôm sau, vừa thấy giỏ đi học cháu lại khóc thét lên "mẹ, mẹ, ...tã...tã..cô la..sợ" . Tôi cố giải thích là "mẹ chở đi khám bệnh" nhưng cháu vẫn khóc cho đến khi tôi quay vào nhà. Từ đó hai vợ chồng tôi tránh nhắc đến chữ "tã" vì mỗi lần nghe là bé lại khóc và lại: "mẹ, mặc tã, ... sợ.. cô giáo la..." ...

Đến nước này thì tôi không còn cam đảm cho con đến trường nữa. Tôi không còn phải lựa chọn giữa công việc và con vì tôi đã quyết định ở nhà chăm con cho cháu qua cơn hoảng loạn.

Tôi kể việc này ở đây để chia sẻ với các mẹ chuẩn bị đưa con đến trường. Tôi cũng mong rằng những ai đã chọn nghề dạy trẻ hãy yêu thương trẻ như con mình vì đứa trẻ nào dù con nhà nghèo hay nhà giàu đều cũng là khúc ruột của cha mẹ nó. Những đứa bé đau một thì đấng sinh thành của nó đau gấp vạn lần.

Theo Fanta
Vnexpress
Chia sẻ