Nở rộ lớp học kĩ năng sống cho trẻ

Cẩm Xuyên,
Chia sẻ

Trang bị cho con cái những kĩ năng sống tối cần thiết. Các trung tâm dạy kĩ năng sống đang “ăn nên làm ra” bởi các lớp học kiểu này thu hút một lượng thí sinh tăng cao đột biến.

 Khám phá lớp học dành cho trẻ “thiếu tự tin”

 Bài học đầu tiên của lớp học kĩ năng sống tại Tâm Việt Group là “Em hãy nói về bản thân em và làm quen với mọi người”. Sau vài lời khuyến khích đầu tiên, không còn những cái nhìn ái ngại. Thay vào đó là những cánh tay tự tin cùng câu nói chắc gọn: “Mình tên là gì , mình học ở đâu., mình thích và không thích điều gì, …”. Sau đó là những bài tập cụ thể cho phép các em tiến đến gần và hoà nhập với nhau.

TS Nguyễn Thu Cúc, chuyên gia tư vấn của ABS Training cho biết: “Kĩ năng sống không phải là những gì quá cao siêu, phức tạp. Việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em bao gồm những nội dung hết sức đơn giản, gần gũi với trẻ em , là những kiến thức tối thiểu để các em có thể tự lập”..

Em Nguyễn Mẫn Thuỷ Tiên, học sinh lớp 7C trường THCS Phan Chu Trinh cho biết: “Tham gia lớp học này của Tâm Việt được 2 khoá, em cảm thấy không run khi đứng trước đám đông như trước đây. Em còn học được cách làm sao để khi nói chuyện, mọi người muốn nghe và có hứng thú với câu chuyện của em. Em thấy hoà đồng hơn, dễ làm quen hơn với mọi người rất nhiều”.

Còn khi chứng kiến buổi học đầu tiên của con gái mình, chị Nguyễn Thu Thuỷ ở phố Đặng Tất cho biết: “Ở nhà, con tôi rất ít khi nói chuyện với người lạ. Cháu rất nhút nhát. Nhưng nếu dạy bằng cách này, và trong môi trường này, tôi hi vọng là con tôi sẽ thay đổi, sẽ mạnh dạn hơn”.

 
Một lớp học kỹ năng sống 

Nhu cầu cao

Học kĩ năng sống là ưu tiên hàng đầu trong mùa hè này của các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi từ đầu cấp 1 đến hết cấp 2. Bên cạnh những kiến thức văn hoá được trang bị, hầu hết các bậc cha mẹ đều muốn con cái ngày càng tự lập và theo họ, điều này chỉ đạt được khi trẻ nhỏ được đào tạo từ bé.

Anh Lê Đức Tôn, ở đường Bưởi, cho biết: ““Chúng tôi không phải lúc nào cũng có đủ thời gian để kèm cặp các con và đưa đón chúng. Tôi muốn các con tôi tự lập, không phụ thuộc, không ỉ lại vào bố mẹ. Chúng tôi muốn tạo tâm lí tự chủ từ bé cho chúng”.

Rất nhiều bậc phụ huynh có chung suy nghĩ, tâm lí như anh Tôn đã đưa con em mình đến các trung tâm đào tạo này. Chị Thuỷ băn khoăn: ““Thật tiếc là những kĩ năng này rất quan trọng nhưng các em không được học trong nhà trường. Học văn hoá là quan trọng. Nhưng nếu chúng không biết chủ động, độc lập thì điều đó còn nguy hiểm hơn là thiếu văn hoá. Ra đường chúng không biết phải làm thế nào cho an toàn, làm sao để tránh người lạ lợi dụng, làm sao đối phó với những tình huống đơn giản, … Đây là những kiến thức bổ trợ văn hoá, và quan trọng nhất là con tôi có thể ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày để sống an toàn hơn khi không có bố mẹ bên cạnh”.

Đã đến lúc dạy cho trẻ kĩ năng sống để các em không bị sốc trong mọi hoàn cảnh. Cái trước tiên cần làm là chuẩn bị cho các em tâm lí chủ động để tiếp nhận cuộc sống, chứ chưa phải là kiến thức”. Vì thế, tại trung tâm của chị, các bé nhỏ tuổi được đào tạo để chuẩn bị tâm lí khi vào lớp 1 sẽ an toàn, vững vàng. Còn các cháu lớn hơn sẽ được chuẩn bị tâm lí để không bị ngỡ ngàng, sợ hãi khi chuyển lớp, chuyển cô giáo, chuyển cấp học.

Được học kĩ năng, liệu có sống tốt hơn?

Đây là băn khoăn lớn nhất của các bậc cha mẹ khi đưa con đến học tại các trung tâm này. Bởi thời gian đào tạo 1 khoá của các trung tâm này thường chỉ kéo dài trong vòng 7 đến 10 buổi học. Khi các em chưa kịp lĩnh hội các kĩ năng thì quá trình học đã bị ngừng lại. Mặt khác, giáo trình học mỗi nơi một kiểu, một cách dạy khác nhau. Đứng trước thực tế này, việc các phụ huynh băn khoăn về chất lượng đào tạo cũng như việc tìm cho con mình một nơi tin tưởng để theo học là điều dễ hiểu.

Việc đánh giá hiệu quả đào tạo kĩ năng sống thông qua những quan sát trực tiếp sự tiến bộ của các em sau mỗi buổi học, đồng thời gắn kết với gia đình để theo dõi những thay đổi về hành vi, thái độ của các em. Tuy nhiên, đây chỉ là những kĩ năng bổ trợ, chỉ được học với một thời gian quá ngắn. Trong khi đó, để tạo thành kĩ năng, phản xạ tốt thì cần phải được rèn luyện thường xuyên, liên tục đến mức thuần thục. Do đó, vai trò gia đinh là không thể thiếu, giữ vị trí nòng cốt. Việc tiên bộ và đạt hiệu quả đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào văn hoá giáo dục của gia đình, bởi đây mới là môi trường quen thuộc nhất của các em
 
 
 
Theo Cẩm Quyên
VNN
Chia sẻ