Những kỹ năng sống quan trọng theo từng lứa tuổi cha mẹ cần dạy trẻ

Kim Dung,
Chia sẻ

Bà Lindsay Hutton - Biên tập viên của FamilyEducation.com - cho biết: "Kỹ năng sống là điều cần thiết để trẻ học cách độc lập và tự lập".

Nhiều trường đại học và nhà tuyển dụng cho biết, không ít người trẻ tuổi không thể làm các công việc cơ bản nhất trong cuộc sống. Họ quá tập trung vào học thuật và những yếu tố cần thiết để vào đại học. Trong khi đó, những kỹ năng sống thiết yếu, như giặt quần áo, cân đối tài chính, nấu ăn... lại bị bỏ qua.

Giúp trẻ cảm thấy độc lập

Bà Lindsay Hutton - Biên tập viên của FamilyEducation.com - cho biết: “Kỹ năng sống là điều cần thiết để trẻ học cách độc lập và tự lập. Kỹ năng sống phù hợp cũng sẽ giúp trẻ cảm thấy được trao quyền. Đồng thời, giúp phát triển lòng tự trọng, cũng như được hỗ trợ kỹ năng xã hội hóa và lý luận”.

Những kỹ năng thiết yếu này, từng được dạy trong các khóa học ở trường và phụ huynh. Tuy nhiên, thực tế là, ngày nay, một số người không quá chú trọng vào việc dạy trẻ các kỹ năng đó.

Bà Hutton cho rằng, các lớp học đã trở nên quá tập trung vào việc chuẩn bị cho học sinh về mặt học thuật, đến nỗi kỹ năng sống đã bị bỏ qua. Ngoài ra, xu hướng nuôi dạy con bởi các “cha mẹ trực thăng” đã làm nảy sinh nỗi sợ hãi. Nhiều cha mẹ luôn cảm thấy bất an về trẻ. Do đó, họ bảo vệ con quá mức bằng cách ngăn trẻ tiếp xúc điện, dao và vật dụng khác - những thứ có khả năng gây hại. Những yếu tố này cản trở việc học các kỹ năng sống của trẻ.

Trẻ em nên học gì và ở độ tuổi nào? Nhìn chung, trẻ em nên biết cách chăm sóc nhà cửa, sân vườn và đồ cá nhân. Đối với trẻ nhỏ hơn, cha mẹ hãy chia nhỏ nhiệm vụ lớn thành các phần có thể quản lý. Sau đó, tăng dần trách nhiệm cho đến khi trẻ tự làm được.

Các tình huống nhập vai và làm việc nhà là cách an toàn và dễ dàng để trẻ học những kỹ năng này. Bà Hutton đã gợi ý những kỹ năng sống quan trọng mà cha mẹ nên dạy trẻ theo từng lứa tuổi.

Học sinh tiểu học

Theo bà Hutton, trẻ em cần được dạy ghi nhớ họ tên, địa chỉ và số điện thoại. Bởi, điều đó liên quan đến sự an toàn của trẻ. Ngoài ra, việc trẻ biết cách thực hiện cuộc gọi khẩn cấp cũng rất quan trọng.

Trẻ ở những năm đầu tiểu học cũng cần biết tự chăm sóc bản thân như: Tắm, đánh răng, mặc quần áo và vệ sinh cá nhân. Phụ huynh có thể tạo danh sách điều trẻ cần làm và kiểm tra quá trình con mình thực hiện vào mỗi cuối ngày.

Bà Hutton cho rằng, cha mẹ cũng cần dạy trẻ cách chăm sóc người khác. Khi trẻ học hết lớp mẫu giáo, bé nên bắt đầu biết cách chăm sóc người khác, bao gồm cả thú cưng trong gia đình. Ví dụ, học sinh lớp Hai có thể lấy thức ăn và nước uống cho mèo mỗi ngày.

“Trẻ em cũng cần biết cách nhìn vào mắt mọi người và tiếp tục cuộc trò chuyện lịch sự. Trẻ có thể thực hành bằng cách gọi đồ ăn tại nhà hàng, trả tiền. Hoặc, trẻ có thể nhờ thủ thư giúp tìm sách khi ở thư viện”, bà Hutton chia sẻ.

Những kỹ năng sống quan trọng theo từng lứa tuổi cha mẹ cần dạy trẻ - Ảnh 1.

Trẻ ở tuổi tiểu học cần nhớ họ tên, địa chỉ và số điện thoại cá nhân.

Trung học cơ sở

Với lứa tuổi này, trẻ cần sẵn sàng ở nhà một mình. Bà Hutton cho biết, kỹ năng tự đảm bảo an toàn khi ở nhà một mình là vô cùng quan trọng đối với trẻ. Đối với trẻ chưa quen ở nhà một mình, cha mẹ hãy bắt đầu để con thực hành trong những khoảng thời gian ngắn. Phụ huynh có thể đi đến quán cà phê gần nhà trong một giờ, để giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn.

Trẻ em nên biết cách sử dụng bếp và dao an toàn, cũng như những gì liên quan đến việc nấu một bữa ăn. Phụ huynh có thể chỉ định một buổi tối cố định để trẻ thực hành nấu ăn cho gia đình.

Với trẻ ở tuổi trung học cơ sở, các em cũng cần quan sát và đọc kỹ nhãn mác của sản phẩm. Ví dụ, trẻ cần đọc hướng dẫn giặt ủi hoặc liều lượng của các loại thuốc thông thường. Bởi, đó là một kỹ năng sống cần thiết. Thay vì tự lấy thuốc, cha mẹ hãy để con đọc hướng dẫn cho mình nghe. Sau đó, phụ huynh có thể giải đáp nếu trẻ có bất kỳ thắc mắc nào.

“Phụ huynh hãy dạy trẻ quản lý các tình huống xã hội. Đây là quy trình gồm ba bước. Trước hết, khi gặp bất kỳ ai lần đầu tiên, hãy bắt tay thật chặt, giao tiếp bằng mắt và nở một nụ cười chân thành. Sau đó, thể hiện sự quan tâm bằng cách đặt câu hỏi về công việc, gia đình, sở thích…

Sau khi chăm chú lắng nghe, hãy đưa ra phản hồi về những điều đã được chia sẻ. Việc bắt đầu và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp là chìa khóa để lãnh đạo, phát triển và thành công”, bà Hutton cho biết.

Trung học phổ thông

Cha mẹ cần dạy con về quản lý tiền bạc khi trẻ học trung học phổ thông. Bà Hutton gợi ý, phụ huynh có thể bắt đầu dạy con mình có trách nhiệm với tiền bằng cách cho chúng một khoản tiêu vặt từ khi còn học mẫu giáo. Hãy xây dựng nền tảng đó khi trẻ bước vào tuổi thiếu niên bằng cách lập tài khoản ngân hàng cho chúng.

“Như vậy, khi vào đại học, trẻ hiểu rằng, con chỉ có thể tiêu số tiền đã có sẵn. Điều này giúp trẻ thành công về mặt tài chính khi tham gia vào thị trường việc làm và bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn”, bà Hutton chia sẻ.

Trẻ ở tuổi này cũng cần tham gia giao thông một cách có trách nhiệm. Thanh, thiếu niên nên hiểu rõ hậu quả của việc nhắn tin (hoặc uống rượu) khi tham gia giao thông. Trẻ cũng cần biết nên gọi cho ai trong trường hợp khẩn cấp.

“Việc cân đối giữa làm các bài tập ở trường, tham gia hoạt động ngoại khóa và đời sống xã hội có thể là thử thách đối với bất kỳ thanh, thiếu niên nào. Mẹo để quản lý tốt thời gian bao gồm việc biết đâu là những thứ lãng phí thì giờ như mạng xã hội, trò chơi điện tử... Trẻ cần biết sắp xếp thời gian để duy trì sự cân bằng giữa trường học/công việc và cuộc sống. Vấn đề không phải là trẻ làm chủ nhiệm vụ thực tế tốt như thế nào. Thực tế, việc học những kỹ năng sống này sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn”, bà Hutton cho biết.

Theo Washington Post 
Chia sẻ