Những đứa trẻ lên phố kiếm sống vụ hè

Gia Linh,
Chia sẻ

Mùa hè - thời gian để bọn trẻ được vui chơi khi giấy bút sách vở được xếp sang một bên, nhưng cũng là mùa tranh thủ mưu sinh của nhiều em nhỏ!

 Đi làm mua sách cho năm học sau!

4h sáng, dù còn buồn ngủ nhưng cu Trung phải cố nhấc mình khỏi tấm phản gỗ ọp ẹp bước ra bể nước chung của xóm trọ đánh răng, rửa mặt. Xong "công tác" vệ sinh, cu cậu ăn vội chiếc bánh mỳ rồi cắp miếng bìa các-tông dán băng dính chằng chịt vẫn dùng để đựng báo vào nách bước nhanh theo mẹ ra chợ báo.
 
Gần 5h sáng, chợ báo sớm ở cửa ga Trần Quý Cáp tấp nập. Theo mẹ chen vào giữa một đám người đang nhặt nhặt, xếp xếp những tờ báo còn thơm mùi mực, cu Trung nhanh tay túm luôn gần 2 chục tờ thể thao bỏ tọt vào miếng bìa các-tông đang đặt trước mặt. Xong nhiệm vụ "giành báo", cu cậu lẩn ngay ra ngoài để chờ mẹ mang mấy chục đầu báo khác ra chia.

6h30 - em có mặt ở khu vực hồ Nam Đồng chờ đợi những vị khách đầu tiên tới quán uống cà phê. 9h sáng, cu cậu đã ngồi nghỉ dưới một gốc cây bằng lăng để hả hê... kiểm tiền vì đã bán hết veo. Trung ngọng ngịu khoe: "Từ ngày "Ơ-zô", ngày nào cháu cũng bán được hơn 20 tờ báo thể thao. Có hôm cháu bán hết phần của cháu rồi còn lấy thêm "báo ế" của mẹ để bán mà vẫn hết".

Cu cậu tâm sự: "Hè năm ngoái cháu ra ngoài này bán báo cùng mẹ có gần 2 tháng mà "kiếm" được cả bộ sách giáo khoa, mấy chục quyển vở và 2 bộ quần áo mới đấy. Ở quê chạy đồng chăn trâu thì ai cho?". 

"Hôm trước trời mưa thì hôm sau lũ đánh giày bọn cháu cứ gọi là "oánh" mỏi tay không hết việc. Nếu như ngày nắng, đưa nào giỏi cũng chỉ đánh được chục đôi giày thì cứ hễ mưa xong thì vừa làm vừa chơi cũng phải được 2 -3 chục đôi, bỏ túi trăm nghìn ngon ơ" - Quang "đen", cậu bé quê Bắc Giang có "thâm niên" 3 vụ hè đánh giày ở Hà Nội cho biết.

"Để được ra Hà Nội đánh giày, trước khi đi bọn cháu đều phải năn nỉ "ốm người" thì bố mẹ mới cho đi đấy. Như cháu đây này, trước khi lên ô tô ra Hà Nội còn phải thề với bố mẹ hết 3 tháng hè phải mang theo sách vở mới, quà cáp về cho ông bà và 2 đứa em ở nhà thì mới được đi đấy. Nhưng phải công nhận là lên Hà Nội kiếm tiền rất thích, vừa được chơi, vừa có tiền".

3.7=21 cách mưu sinh

Tối cuối tuần, dãy quán chân gà nướng, lẩu thập cẩm giữa phố Lý Văn Phúc tấp nập khách vào ra. Mỗi khi có một chiếc xe máy chạy chậm lại trước cửa quán, 1-2 cậu bé chỉ cỡ chừng 13-14 tuổi lao ra chào mời í ới. Xe dừng lại, khách vào quán, cậu bé vừa chào mời kiêm luôn nhiệm vụ dắt xe, giữ mũ bảo hiểm rồi gọi món cho khách.

Suốt cả buổi tối quần quật làm việc, mãi đến sau 23h, khi lượng khách vào ăn đã vãn hẳn thì những cậu bé làm việc trong các quán vỉa hè này mới có cơ hội nghỉ ngơi. 

  

Duân - cậu bé quê ở Thanh Sơn, Phú Thọ kể: "Nhà em có mấy anh chị em thì đều lên Hà Nội làm thuê cho các quán ăn, một năm chỉ về nhà khi giỗ chạp. Em thì còn đi học nên bố mẹ chỉ cho lên đây "giúp việc" bà cô họ trong mấy tháng hè, trước năm học mới nửa tháng là phải về chuẩn bị sách vở để đi học".

Chẳng có vốn để đi bán báo, không kiếm đồ nghề để đi đánh giày và cũng chẳng "thèm" đi làm thuê, không ít những đứa trẻ đã sử dụng bộ dạng trẻ con, ngây thơ và chính những bộ quần áo cũ mèm vẫn mặc ở quê làm "công cụ" để đi xin tiền.

Lương - cô bé 14 tuổi, quê ở Nghệ An mới lên Hà Nội "ăn xin" cùng bà...hàng xóm mắt mờ ráo hoảnh: "Ngày nào "vớ vỉn" thì mỗi bà cháu cũng có 30 ngìn bỏ túi, ngày may mắn có khi còn được cả trăm nghìn thì tội gì mà bán báo, đánh giày hay lang thang bán kẹo cao su cho mệt"...

Buổi tối ra đường, lang thang qua hàng loạt tụ điểm cà phê hay ăn nhậu vỉa hè ở nơi nào cũng có thể bắt những đứa trẻ một tay cầm chiếc mũ vải cũ hoặc một chiếc ra nhựa rách, tay kia dắt theo một "đứa em" cỡ chừng 4-5 tuổi thoăn thoắt lách qua những bàn cà phê, bàn nhậu để xin tiền.

Gọi là tranh thủ lên Hà Nội kiếm ăn để phụ thêm tiền cho bố mẹ và mua sách vở cho năm học mới, song, nhiều đứa trẻ sau mấy tháng hè mải mê kiếm tiền đã không còn muốn về quê cắp sách đi học nữa. Thậm chí, bố mẹ chúng nhiều khi còn cảm thấy hài lòng khi thấy con mình có thể tự kiếm sống giữa thành phố mà không cần học hành đến nơi đến chốn...

Theo Gia Linh
Vietnamnet
Chia sẻ