Những điều quan trọng nhất với bé sơ sinh

,
Chia sẻ

Bé mới sinh ra, vô cùng đáng yêu và non nớt. Mẹ cần lưu ý để nuôi dưỡng để bé phát triển tối ưu và luôn khỏe mạnh nhé!

Phát triển cân nặng và chiều cao “chuẩn”

Cân nặng: mỗi tháng tăng trung bình khoảng 600g. Tháng thứ 2 và tháng thứ 3 tăng khoảng 800g. Trong những tháng tiếp theo, mức tăng sẽ giảm 50g so với tháng trước đó. Ví dụ: tháng thứ 3 bé tăng 800g, tháng thứ 4 bé tăng 750g.

Đến 5 tháng tuổi, cân nặng của bé phải tăng gấp đôi và đến 1 năm tuổi phải tăng gấp 3 lần so với trọng lượng lúc mới sinh, đạt mức khoảng 10-11 kg.

Khoảng 6 tháng tuổi, các bé gái thường nhẹ hơn các bé trai khoảng 200 - 400g. Sau một năm, các bé trai thường nặng hơn các bé gái cùng tuổi khoảng 400 - 600g

Chiều cao: trong 3 tháng đầu, mỗi tháng tăng khoảng 3cm. Từ 3-6 tháng, mỗi tháng tăng khoảng 2,5 cm/tháng. Từ 6 - 9 tháng, mỗi tháng tăng khoảng 1,5cm. Từ 9 – 12 tháng, mỗi tháng tăng khoảng 1-1,5 cm.

Sau một năm, chiều cao của bé tăng khoảng 25 - 27 cm, đạt mức 75-78 cm. Chiều cao của các bé gái trong năm đầu tiên thường ít hơn so với các bé trai khoảng 1,5 cm.
 
Tròn một tuổi, bé nặng từ 10 - 12 kg, cao 75 - 80 cm.

Chăm sóc rốn đúng cách

Sau khi đón bé từ bệnh viện về, mẹ nhớ chăm sóc rốn của bé theo trình tự: Rửa sạch tay bằng xà phòng, sau đó lấy một que diêm bẻ đầu, quấn bông vào rồi tẩm dung dịch thuốc tím 5%, bôi vào thẳng vào giữa vết cắt rốn (chứ không phải xung quanh rốn). Nếu vết cắt rốn rộng và có mùi hôi thì không nên tắm cho bé

Hằng ngày, cần vệ sinh sạch sẽ và thay băng rốn cho bé. Các băng dùng băng rốn cho bé cần phải giặt qua nước sôi và được là kỹ.

Hiểu đúng về thóp của bé

Những phần mềm trên đầu bé là các thóp. Đó là những phần còn lại của màng xương kết với các xương sọ. Nhờ màng xương này mà đầu của bào thai có thể chui qua âm đạo ra ngoài nhờ có sự co bóp và đẩy.

Thóp lớn phía trước nằm ở chỗ nối giữa xương trán với xương đỉnh đầu, có hình đồng xu với kích thước khoảng 2,5 x 2,5 cm (kích thước của thóp này khác nhau ở mỗi bé). Thóp bình thường có tính đàn hồi. Khi bé kêu khóc, có thể thóp hơi phồng lên. Dùng ngón tay chạm vào thóp của trẻ, ta có thể nhận biết được nhịp đập.

Thóp có thể bị lõm xuống khi bé ở tư thế thẳng đứng và đặc biệt là khi bé bị thiếu nước. Nhịp đập của thóp là do máu đẩy từ tim lên não của bé sau mỗi một lần co bóp tạo nên. Thóp thường đầy lên và đập mạnh khi bé kêu khóc hoặc gắng sức làm một việc gì đó.

Với những bé phát triển bình thường, thóp nhỏ liền lại trong khoảng từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 4; thóp lớn liền lại khi trẻ được 12 đến 18 tháng. Có tới 80% trẻ đẻ đủ tháng đã liền các thóp này ngay trước khi ra đời. Nếu thóp của bé liền lại chậm hơn thời gian nói trên, cần cho bé tới bác sĩ nhi khoa khám.

Những bé sinh ra có thóp lớn, quá nhỏ đều cần được theo dõi đặc biệt về tốc độ phát triển của vòng đầu hoặc được khám định kỳ thường xuyên ở bác sĩ thần kinh.

Nam  Hải

(Tổng hợp)

Chia sẻ