Những câu tuyệt đối đừng nói khi đi thăm bà đẻ

Ocean,
Chia sẻ

"Sao mẹ ăn cơm mới cho con bú? Chăm mẹ trước à?", "Ăn thua gì, tôi đẻ còn đau hơn nhiều"... là những câu cần tuyệt đối tránh khi đi thăm bà đẻ.

Đi thăm bà đẻ là một nét đẹp văn hóa rất ý nghĩa của người Việt, nhưng đi thăm thế nào và nói những câu chuyện gì thì không phải ai cũng biết. Đã từng có không ít bà đẻ hay những người vừa trải qua cuộc vượt cạn sinh tử cảm thấy tổn thương, khó chịu bởi những lời nói vô duyên của người đi thăm. Vì vậy, việc lưu ý những câu nói tối kỵ nên tránh khi đi thăm bà đẻ là việc rất cần thiết:

"Sao không tranh thủ lúc con ngủ mà ngủ đi!"

Câu nói tưởng chừng như mang đầy tính quan tâm, khuyên nhủ này thực chất lại chỉ khiến sản phụ cảm thấy khó chịu mà thôi. Bởi bất kỳ ai cũng hiểu rõ nhất nhu cầu ngủ, nghỉ của bản thân và tự biết cách sắp xếp quỹ thời gian của chính mình. Thế nhưng, trong lúc con ngủ, bà đẻ còn phải tranh thủ làm những việc khác như: sắp xếp áo quần, vệ sinh cơ thể, ăn bữa xế, chăm sóc em bé khác (nếu như đây là lần sinh thứ 2)... nên không thể ngủ được.

Những câu tuyệt đối đừng nói khi đi thăm bà đẻ - Ảnh 1.

Vậy nên câu nói: "Sao không tranh thủ lúc con ngủ mà ngủ đi!" sẽ vừa thừa thãi, vừa khiến người mẹ cảm thấy bối rối, không thoải mái trong cuộc tiếp đón. Và thay vì nói câu nhàm chán này, hãy dọn dẹp hay làm một việc gì đó giúp đỡ người mẹ đang ở cữ. Đó mới là cách thiết thực giúp đỡ bà đẻ, để họ có thêm thời gian nghỉ ngơi chứ không phải là một câu nói vô thưởng vô phạt.

"Mẹ không cho con bú à? Sữa mẹ là tốt nhất cho con đấy!"

Người mẹ luôn biết rõ điều gì là tốt nhất và phù hợp nhất cho mẹ con họ, chứ không phải bất cứ ai khác. Trong thời gian mang bầu, người mẹ hẳn đã tìm hiểu và thu lượm những kiến thức chăm con cơ bản nhất để khi đón em bé, họ đủ tự tin với vai trò mới. Nếu như họ không cho con bú, rất có thể họ đã thử cố gắng bằng rất nhiều cách nhưng không đủ sữa mẹ nên mới bất đắc dĩ phải cho con bú sữa công thức hay em bé không hợp tác nên mẹ mới phải cho con bú bình.

Những câu tuyệt đối đừng nói khi đi thăm bà đẻ - Ảnh 2.

Vậy nên, thay vì nói những câu nói mang tính một chiều, phán xét thì hãy nghe, chia sẻ và tôn trọng quyết định của người mẹ.

"Đừng bế nhiều quá, quấn hơi mẹ lắm!"

Việc bế nhiều dẫn đến con quấn hơi mẹ và khó thả ra là điều mà bất cứ người mẹ nào cũng biết. Thế nhưng, nhiều trường hợp người mẹ sẽ rất muốn ôm con, hít hà mùi hương em bé, tận hưởng thiên chức mới của mình. Hoặc nhiều trẻ cũng có nhu cầu được bế bồng nhiều hơn, hễ cứ đặt xuống là khóc, mẹ sẽ rất mệt mỏi vì phải bế trẻ nhiều. Nên câu nói: "Đừng bế nhiều quá, quấn hơi mẹ lắm!" thật sự chẳng có ý nghĩa gì khi muốn khuyên nhủ các mẹ mới sinh.

Những câu tuyệt đối đừng nói khi đi thăm bà đẻ - Ảnh 3.

Thay vào đó, người đi thăm nên chia sẻ những kinh nghiệm đi trước của mình để trấn an các bà đẻ, giúp họ bớt đi những mệt nhọc trong chuỗi ngày căng thẳng.

"Sao bé hay khóc thế, không dỗ đi!"

Câu nhận xét: "Sao bé hay khóc thế, không dỗ đi!" được nói ra mà không cần quan tâm đến bối cảnh, nguyên nhân đằng sau sự việc bé khóc sẽ khiến người mới làm mẹ rất tổn thương. Nghe câu nói đó, bà đẻ sẽ cảm thấy như mình bị chê trách, việc con khóc là do mình hay rất tự ti khi không có nổi kỹ năng dỗ con mà bất cứ ai cũng biết. Hơn thế nữa, khi nghe tiếng một đứa bé khóc thì người xót xa, lo lắng nhất chắc chắn là mẹ bé.

Những câu tuyệt đối đừng nói khi đi thăm bà đẻ - Ảnh 4.

Vậy nên thay vì nói câu hỏi thăm nhưng lại có ý trách cứ như thế, hãy chia sẻ kinh nghiệm với người mẹ, hoặc đưa ra những lời khuyên khi con khóc, bạn đã từng vất vả và xử lý thế nào. Sự cảm thông mới là điều một bà đẻ cần nhất trong thời gian ở cữ.

"Sao mẹ ăn cơm mới cho con bú? Chăm mẹ trước à?"

Nhiều người tưởng đó chỉ là một câu nói đùa, nhưng khi thốt ra thật sự sẽ gây sự khó chịu rất lớn cho bà đẻ, đặc biệt với những mẹ hơi thừa cân sau khi sinh con xong. Nghe câu nói đó, nhiều mẹ sẽ hiểu rằng mình đang bị trách là ích kỷ, coi bản thân hơn em bé. Trong khi thực tế, việc có thêm con nhỏ khiến bữa cơm của người mẹ cũng rất vội vàng, thường phải tranh thủ khi con ngủ hoặc giữa các cữ bú của con. Mẹ ăn cơm không chỉ vì "chăm mẹ trước" mà còn vì muốn đảm bảo một nguồn sữa mẹ chất lượng để cho con bú. Ngoài ra, mẹ có ăn, có nghỉ, mới có đủ sức để chăm con tốt được...

Những câu tuyệt đối đừng nói khi đi thăm bà đẻ - Ảnh 5.

Vậy nên thay vì nói câu đùa mang tính mỉa mai, chê bai đó, hay chia sẻ với bà đẻ về kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ hay cảm thông sự vất vả của người mẹ trong thời gian nuôi con nhỏ.

"Ăn thua gì, tôi đẻ còn đau hơn nhiều..."

Bất kỳ ai khi sinh con cũng phải trải qua những cơn đau kinh khủng mới đón được đứa con của mình, dù cho là sinh thường hay sinh mổ. Và không một ai muốn nghe sự so sánh khập khiễng rằng cơn đau của họ chẳng ăn thua gì với người khác. Với bà đẻ, đó cũng là những cơn đau đớn nhất mà họ đã từng trải qua. Thế nên đừng nhận xét, so sánh khi chưa biết thực hư và đề cao mình một cách vô thức như vậy.

Những câu tuyệt đối đừng nói khi đi thăm bà đẻ - Ảnh 6.

Thay vào đó, hãy kể lại với bà đẻ về câu chuyện đi sinh con của mình, những trải nghiệm chân thành và chia sẻ về những nỗi đau đớn sau sinh nở mà họ đang phải trải qua.

"Trông bé chẳng giống bố/mẹ tí nào nhỉ!"

Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của bà đẻ trước khi nói bất kỳ một câu nào, nếu bạn không muốn nghe, nghĩa là họ cũng không muốn nghe. Ví như nếu bạn không muốn họ nhận xét con mình nhìn như... nhặt từ bãi rác về hay nhầm với con nhà hàng xóm, thì cũng đừng nhận xét đứa con mới sinh ra của họ là: "Trông bé chẳng giống bố/mẹ tí nào nhỉ!". Gương mặt của những em bé sơ sinh thay đổi theo mỗi ngày, mỗi góc nhìn và dù cho không giống bố hay mẹ đi nữa, đó cũng là điều hoàn toàn bình thường.

Những câu tuyệt đối đừng nói khi đi thăm bà đẻ - Ảnh 7.

Vậy nên đừng nói những câu bông đùa mang tính tổn hại rất lớn như thế vì bạn sẽ không thể lường trước được hậu quả kéo theo sau đó. Hãy khéo léo khen ngợi những đặc điểm khác của em bé như: "Trộm vía đôi mắt con đẹp quá!", "Nhìn con cười xinh chưa này!", "Tay, chân trộm vía rất dài đấy nhé!"... Những lời này sẽ khiến người mẹ thêm tự hào về con mình, cảm thấy được củng cố niềm tin hơn về những nỗi vất vả, nhọc nhằn mà mình đã và đang trải qua.

Việc đi thăm bà đẻ nên xuất phát từ tấm lòng, nói những lời thật tâm, chân thành bởi người mẹ mới sinh cần nhất là sự cảm thông, chia sẻ để tránh những cảm xúc tiêu cực, suy nghĩ không hay. Hãy cố gắng tránh những lời nói bông đùa, khích bác, mỉa mai hay phán xét để đảm bảo một cuộc thăm hỏi thú vị nhất cho cả hai bên.

Chia sẻ