Tâm sự của những người mẹ quyết định cho con ăn chay trường

Thảo Hương,
Chia sẻ

Nhiều gia đình đã áp dụng cho trẻ ăn chay theo bố mẹ khi bố mẹ ăn chay trường.

Ăn chay có thể giúp phòng ngừa nhiều bệnh tật như bệnh tim mạch, chuyển hóa, tiêu hoá, ung thư... Với nhiều lợi ích sức khỏe, hiện nay khuynh hướng ăn chay đang ngày càng phổ biến cho mọi độ tuổi từ già đến trẻ, nhiều gia đình chuyển hẳn sang chế độ ăn chay trường và thậm chí cho trẻ em ăn từ trong bụng mẹ.

Tuy nhiên, nhiều mẹ gặp phải sự phản đối ngay từ đầu khi cho con ăn theo chế độ này. Lý do được đưa ra là bé có thể bị thiếu chất, không nhận đủ dinh dưỡng... để phát triển toàn diện. Tuy nhiên, với những người mẹ quyết định cho con ăn chay trường, họ đã mất khoảng thời gian tìm hiểu, quan sát và tham khảo kĩ càng từ bác sĩ để đưa ra thực đơn phù hợp nhất với con. 

Quan trọng là mẹ hiểu, đưa ra chế độ ăn uống phù hợp với sức khỏe của con

Chị Nguyễn Trang (sinh năm 1988, sống tại Hà Nội) cùng các con đều ăn chay trường. 2 bạn lớn ăn chay được 6 năm, bạn út 3,5 tuổi ăn chay từ khi còn trong bụng mẹ. Để đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe cho các bé, bà mẹ 3 con đã tìm hiểu nhiều nguồn, từ những người đi trước, chắt lọc thông tin phù hợp với nhận thức và phù hợp với thói quen sinh hoạt gia đình.

"Khi bị nói rằng ăn chay không tốt, không đủ chất cho mình và các con, mình cười trừ thôi vì cũng ngại giải thích hay tranh luận trực diện. Tuy nhiên thời gian đầu chuyển chay mình hay gặp chứ giờ thì không. Thực tế chứng minh là nhà mình các bạn nhỏ ít ốm, 2 năm đại dịch còn không ốm lần nào. 

1 năm gần đây có ốm 1, 2 lần và nếu có ốm thì mình cân đối lại chế độ ăn chút thì 2 ngày sau là hết rồi mà không cần uống thuốc. Có lần chỉ ốm sốt mất 1 đêm, hôm sau lại hoàn toàn bình thường. Mọi người ăn mặn vì để đảm bảo sức khoẻ thì mình cũng vì bảo vệ sức khỏe gia đình mình mà ăn chay trường thôi", chị Trang chia sẻ.

Một số thực đơn chị Trang làm cho con.

Muốn con khỏe, ăn chay cũng cần phải nghiên cứu kỹ

Cũng cho con ăn chay trường từ trong bụng mẹ đến nay đã được 6 năm, chị Quý (sống tại TP HCM) cho biết các bé được ăn chay theo gia đình giúp các con khỏe mạnh, vui vẻ. Nhà chị Quý ăn chay thuần tự nhiên, theo đúng quy luật lấy gạo lứt, hạt ngũ cốc làm thức ăn chính.

"Mình rất tin tưởng vào chế độ ăn và phương pháp mình áp dụng vì đã tìm hiểu trước bằng lý thuyết (từ sách vở thực dưỡng và tham gia các khoá học thực dưỡng cơ bản), thực hành ứng dụng trên bản thân và cảm nhận được sự thay đổi tích cực/ hiệu quả, có sự đồng hành của chồng/ gia đình nên không ai thay đổi suy nghĩ của mình được", chị Quý chia sẻ. 

Thực đơn một ngày của các con chị Quý cũng được mẹ lên chi tiết. Ví dụ như bữa sáng có bún gạo lứt xào rau cải nhúng; Bữa trưa có cơm lứt trắng, khoai tây kho tekka, canh bầu, bầu xào; Bữa xế là bún chả thì là: chả tàu hủ ky trộn lá thì là, nước lèo nấu với thơm, ngó sen. Ngoài ra các con được bổ sung sữa hạt cacao hoặc hạt điều. Mỗi ngày chị Quý đều tìm tòi thực đơn để con ăn không bị chán và ngon miệng hơn. 

Những bà mẹ quyết cho con ăn chay trường đáp trả thế nào khi bị mọi người phản đối  - Ảnh 2.

1 trong số nhiều bữa ăn chị Quý nấu cho con.

Bữa ăn của bé nhà chị Quý thông thường có các thành phần sau:

1. Thực phẩm chính: Gạo lứt, bột gạo lứt, bún/ phở/ bánh hỏi gạo lứt.

2. Hạt ngũ cốc - hạt đậu: yến mạch, hạt kê, xích tiểu đỏ (hạt đậu nhỏ), đậu lăng, đậu gà.

3. Rau củ - rong tảo: bí đỏ, bí xanh, ngưu bàng, cà rốt, susu, bó xôi, cải thìa, củ sen, rau ngót, bí ngòi (bí Nhật), rau cải, Wakame (nấu canh, cơm, cháo).

4. Chất béo từ dầu ăn cho vào cuối cùng: dầu mè, dầu phộng.

5. Gia vị (dành cho bé trên 12 tháng): tương tamari lâu năm, tekka bổ dưỡng, xì dầu cổ truyền ủ lâu năm, muối hầm (muối biển), nước mắm.

Con phát triển tốt về sức khỏe và cân nặng là câu trả lời

Với chị Hương (sống tại Hà Nội) ăn chay từ khi mang thai em bé và sau đó cả 2 mẹ con theo chay trường được 3 năm nay. Sau khi tham gia một số bài giảng, cách nuôi con theo phương pháp thuần chay, chị Hương tự tin hơn khi nuôi con nhờ phương pháp này. 

"Khi bị nói là ăn chay không chất dinh dưỡng thì mình cũng không phải giải thích với họ, bởi lẽ con mình hiện tại ăn chay phát triển rất tốt, thậm chí con phát triển sức khoẻ, cân nặng,... tốt hơn các bé hiện tại ăn mặn nữa. Và con ít bị bệnh vặt, người thật việc thật nên người ngoài họ sẽ có cách nghĩ riêng của họ, và mình sẽ chăm con theo cách riêng của mình", chị Hương nhận định. 

Món chay vẫn ngon và đảm bảo dinh dưỡng cho bé nếu mẹ có kiến thức đúng và đủ. 

Làm thế nào để con ăn chay vẫn đảm bảo dinh dưỡng?

Bác sĩ Nguyễn Việt Thanh - bác sĩ chuyên ngành Nhi khoa - bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Minh Hải tại TP. Cà Mau cho biết, theo Tổ chức Dinh dưỡng Hoa Kỳ (Academy of Nutrition and Dietetics), chế độ ăn chay có thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ em ở mọi lứa tuổi và giai đoạn phát triển, bao gồm cả thai kỳ, cho con bú, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, trẻ mẫu giáo và trẻ đang lớn. Để đảm bảo trẻ em ăn chay trường có đủ chất dinh dưỡng, các bậc phụ huynh và chăm sóc trẻ nên lưu ý đến việc cung cấp đủ các loại chất dinh dưỡng quan trọng như protein, sắt, canxi, vitamin D và vitamin B12.

Tuy nhiên, việc ăn chay có thể khiến trẻ em dễ bị thiếu hụt một số chất dinh dưỡng nhất định, đặc biệt là nếu chế độ ăn không được cân đối và đa dạng. Do đó, các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ nên hợp tác với các chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo chế độ ăn của trẻ được thiết kế một cách hợp lý, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

"Khi cho con ăn chay, bố mẹ cần đảm bảo trẻ em được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển, bao gồm protein, sắt, canxi, vitamin D và vitamin B12. Điều này có thể đạt được thông qua việc chọn lựa các loại rau, quả, hạt, đậu, ngũ cốc và các sản phẩm thay thế động vật. Nếu có thể, hãy hợp tác với chuyên gia dinh dưỡng để lên kế hoạch cho chế độ ăn của trẻ, nhằm đảm bảo cân đối và đa dạng.

Theo dõi sự phát triển của trẻ định kỳ để đảm bảo trẻ đạt được các chỉ số phát triển bình thường cho lứa tuổi. Giúp trẻ hiểu lý do tại sao gia đình lựa chọn chế độ ăn chay trường và cách để duy trì chế độ ăn khoa học, bền vững", bác sĩ Thanh chia sẻ. 

Chia sẻ