Nhờ thực hiện tốt phương pháp này, mẹ 9x sinh thường dễ dàng, mẹ tròn con vuông

Thảo Hương,
Chia sẻ

Ca sinh nở diễn ra thành công nhờ bà mẹ trẻ đã tìm hiểu kĩ việc tập thở và rặn đẻ trước đó.

Ngọc Anh (28 tuổi, sinh sống và làm việc tại Hà Nội) vừa đón con gái đầu lòng cách đây vài ngày. Trải qua cuộc sinh nở thành công, bà mẹ trẻ rút ra 4 điều các mẹ nên lưu ý để "mẹ tròn, con vuông". Hy vọng những kinh nghiệm dưới đây sẽ giúp ích cho các mẹ nhé. 

1. Lựa chọn bác sĩ đỡ đẻ

Mình trải qua 1 thai kỳ khá khoẻ mạnh, có bị tiểu đường thai kỳ khi xét nghiệm ở tuần 26 nhưng kiểm soát bằng cách điều chỉnh chế độ ăn. Do đó, con không quá to và mẹ không tăng cân nhiều (mình tăng 7kg từ 54kg - 61kg), em bé sinh ra nặng 3.1kg. 

Mẹ nào bị tiểu đường thai kỳ cũng đừng quá lo lắng, nên ăn uống kiêng khem để kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể, bảo vệ an toàn cho sức khỏe của cả 2 mẹ con. 

Ở lần sinh này, mình không lựa chọn bác sĩ đỡ đẻ nhưng khuyên các mẹ nên theo một bác sĩ từ đầu cho tới cuối. Suốt quá trình mang thai, bác sẽ nắm được sức khỏe của em bé và mẹ ra sao để đưa ra phương pháp tốt nhất. 

2. Dịch vụ

Các bác sĩ nhiệt tình, các chị y tá điều dưỡng vui vẻ. 3 ngày mình nằm viện hôm nào cũng có bác sĩ y tá đi khám, phát thuốc, vệ sinh vết khâu, khám em bé khám mẹ, thậm chí là bóc thuốc cho mình uống. Khi cần thì bấm nút đầu giường là các chị xuất hiện ngay và luôn. 

Đồ ăn nấu khá vừa miệng, không bị mặn quá, hoa quả tráng miệng đầy đủ. Ngoài việc mình thấy quy trình thủ tục khám phải chạy đi chạy lại, chờ đợi hơi lâu, thang máy dễ quá tải ra thì mọi thứ đều rất ổn. Mình đi sinh không theo gì nhiều, 1 bộ quần áo cho mẹ và bé để xuất viện mặc. Còn lại bệnh viện chuẩn bị đầy đủ.

Em bé chào đời mẹ tròn, con vuông.

3. Trải nghiệm đẻ của cá nhân mình

38 tuần 5 ngày mình đi khám định kỳ, bác sĩ khám trong bảo "mở 3 phân rồi chuẩn bị nhập viện vì sợ vỡ ối, yên tâm trong hôm nay đẻ thôi". Sau khi vào phòng chờ đẻ, mình không được gặp người nhà, không được dùng điện thoại, chỉ nằm trên giường đo monitor, các thủ tục vệ sinh do điều dưỡng làm. 

Khoảng 17h chiều, mình được người thân vào thăm và động viên. 6h cơn đau bắt đầu, 5-10 phút thì đau 1 lần. Khuyến khích các mẹ hãy TẬP THỞ mỗi ngày, cực kỳ quan trọng, mình thở được thì con mới thở được. Lúc đau nhất hãy bình tĩnh nhắm mắt lại hít sâu, thở chậm làm theo lời bác sĩ, đừng kêu gào, đừng khóc để có sức rặn đẻ. 

Lúc đau là bắt đầu tập đếm số xem cơn đau kéo dài bao lâu. Nếu đau lâu quá, các mẹ nên chọn tiêm mũi đẻ không đau để đỡ bị mất sức. 

Đến 19h, khoảng 15 phút trước khi vào đẻ, cơn đau bắt đầu đau dồn dập, vỡ ối và bác sĩ hô vào phòng đẻ luôn. Lúc này cơn đau sẽ đến từng đợt và làm theo lời bác sĩ để con ra ngoài. Sau khi em bé chào đời, mẹ sẽ cảm thấy không còn đau nữa, khâu tầng sinh môn chỉ hơi nhói một chút thôi. 

4. Chi phí đẻ 

Mình đẻ thường, ở phòng 2 người (750.000 đồng), chiếu đèn plasma 2 lần cho cả mẹ và bé (1 triệu), gội đầu (100.000 đồng) tắm nước lá (mình được tặng voucher) và gọi sữa về (300.000 đồng). Các chị làm rất cẩn thận lại nhiệt tình nữa. Tất cả dịch vụ ngoài đều có bảng kê chi tiết khi xuất viện. Mình lấy máu gót chân cho bé nhà mình và làm gói xét nghiệm 8 bệnh + hemoglobin (850.000 đồng) do mình mang gen Thalassemia thể alpha nên cần làm xét nghiệm để xem em bé có mang gen không. 

Tổng chi phí đi đẻ của mình tính ra hết gần 12 triệu đồng (đã trừ BYYT trái tuyến hưởng 80%), của em bé với các xét nghiệm ngoài khoảng hơn 2 triệu, đăng kí sinh và đặt cọc sẽ được trả lại 1,5 triệu khi xuất viện. Vì mình mua gói bảo hiểm mà sản nhi Hải Phòng có bảo lãnh viện phí nên trừ hết tất cả đi mình chỉ cần trả thêm 2,5 triệu đồng.

"Hy vọng các mẹ tập đầu bỡ ngỡ sẽ có thêm kinh nghiệm qua những review đi sinh lần này của mình. Đừng sợ hãi mà hãy lắng nghe, tin tưởng hoàn toàn vào bác sĩ nhé", Ngọc Anh chia sẻ. 

Cách rặn đẻ để sinh thường dễ dàng 

- Tư thế của sản phụ khi sinh bé: Nằm đầu cao một góc 45 độ, phần mông nâng lên một chút, hai tay nắm lấy 2 càng của bàn sinh. Hai chân đạp mạnh vào giá đỡ 2 chân.

- Khi bác sĩ cho phép được rặn, sản phụ nên tập rặn đúng cách thì mới có hiệu quả đẩy thai ra khỏi bụng mẹ. Rặn không hiệu quả, giai đoạn sổ thai kéo dài sẽ làm mất sức người mẹ và em bé có thể bị ngạt ngay khi chưa kịp sinh ra.

- Rặn đẻ trong lúc cơn gò bắt đầu xuất hiện, bằng cách phối hợp với các động tác hít thở làm sao cho nhịp nhàng và hiệu quả nhất.

- Khi đến cơn gò, mẹ nên hít sâu một hơi dài bằng mũi, sau đó thở ra bằng miệng từ từ. Động tác hít thở nhịp nhàng kết hợp với rặn đẻ. Khi rặn mẹ nên dồn hơi xuống bụng, chứ không nên dồn hơi lên mặt.

- Sau mỗi lần rặn đẻ, mẹ nên nghỉ khoảng 50-60 giây để bình tĩnh hơn và chuẩn bị cho cơn gò thứ hai. Rặn đẻ trong lúc có cơn gò tử cung thì mới hiệu quả và dễ dàng hơn.

- Sự kết hợp cộng hưởng từ lực của cơn gò tử cung, lực của sản phụ rặn đẻ và lực đẩy bụng của nữ hộ sinh khi đầu thai nhi đã thập thò ở âm hộ, em bé sẽ được ra đời tự nhiên mà không cần phải can thiệp tới bất cứ phương pháp nào khác.

Chia sẻ