Nhà nội ở Việt Nam, nhà ngoại ở Hungary, gia đình lại ở Đức và đây là cách giúp bé gái không quên tiếng Việt

San San,
Chia sẻ

Hai vợ chồng chị Thu Hương luôn trăn trở về chuyện học tiếng Việt của con gái mình.

Bắt đầu cuộc sống mới ở 1 nơi xa lạ

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng chị Thu Hương và ông xã lại có duyên với một vùng đất xa lạ. Hai anh chị quen nhau từ hồi học Đại học. Thời gian đầu mới yêu, do ông xã là sinh viên du học ở Đức nên tranh thủ lúc rảnh rỗi, 2 người lại hẹn hò nói chuyện qua yahoo messenger. Thấm thoát đã 10 năm kể từ ngày ấy, hiện giờ tổ ấm nhỏ của gia đình chị Hương đã có thêm một bé gái vô cùng đáng yêu tên là Babi, 4 tuổi.

Hiện tại, bố mẹ đẻ của chị Hương đang ở Hungary, bố mẹ chồng ở Việt Nam nhưng chị và ông xã lại lựa chọn Đức sẽ là nơi cả gia đình sinh sống. Để thuận tiện cho công việc của chồng và vốn đã quen với cuộc sống ở trời Tây nên sau thời gian suy nghĩ, vợ chồng chị Hương đã lựa chọn Stuttgart, Đức là nơi sẽ xây dựng tổ ấm trong tương lai của mình.

Nhà nội ở Việt Nam, nhà ngoại ở Hungari, gia đình lại ở Đức và đây là cách giúp bé gái không quên tiếng Việt - Ảnh 1.

Chị Hương và ông xã của mình. Hai vợ chồng chị đều là người Việt và sang Đức sinh sống.

Sau khi sang Đức sinh sống, bà mẹ 1 con gặp không ít khó khăn để hòa nhập với cuộc sống nơi đây. Chị Hương cho biết ưu điểm của Đức là không gian yên tĩnh, mọi thứ khá bình yên, những người dân nhập cư cũng được tạo điều kiện để làm ăn sinh sống. Tuy nhiên, giống như rất nhiều cặp vợ chồng khác khi ở nước ngoài, khó khăn lớn nhất của vợ chồng chị Hương đó là nỗi nhớ nhà.

"Nhiều khi chúng mình muốn đi ăn đồ Việt Nam như ở nước mình thì cũng hơi khó. Mỗi khi thèm nem chua rán hay bát bún riêu lại phải lọ mọ tự đi làm! Nhất là khi trời lại đang dần trở lạnh thì nỗi nhớ nhà và nhớ gia đình lại càng nhiều hơn. Đây là khoảng trống không thể lấp đầy được đối với chúng mình", bà mẹ 1 con chia sẻ.

Nhà nội ở Việt Nam, nhà ngoại ở Hungari, gia đình lại ở Đức và đây là cách giúp bé gái không quên tiếng Việt - Ảnh 2.

Tổ ấm hạnh phúc của chị Hương tại Đức.

Đối với chị Hương, giai đoạn khó khăn nhất có lẽ là lúc mang bầu con gái đầu lòng: "Sinh Babi xong không có gia đình hay người thân bên cạnh. Nhiều hôm 2 vợ chồng cùng có việc hoặc cả nhà cùng ốm mà con lại quá nhỏ, lúc đó mình chỉ ước có bố mẹ ở đây. Thế nhưng chính vì trải qua giai đoạn khó khăn nhất ấy mình lại càng cảm thấy trân trọng gia đình nhiều hơn. Thử thách cũng giúp mình trở nên độc lập, trưởng thành".

Dù công việc bận bịu nhưng ông xã chị Hương luôn cố gắng dành thời gian 2 ngày cuối tuần để đưa 2 mẹ con đi chơi. Anh cũng tìm hiểu một số sách giúp việc nuôi con của hai vợ chồng trở nên dễ dàng. Thi thoảng cả gia đình lại cùng nhau đi du lịch, đi phượt nhiều ngày và đó là khoảnh khắc chị Hương rất trân trọng vì được dành thời gian cho tuổi thơ của con thêm ý nghĩa.

Mong muốn duy trì văn hóa và tiếng Việt cho con gái

Cô bé Babi có tính cách vui vẻ, dù là con gái nhưng bé rất độc lập, mạnh mẽ. Tuổi thơ của con không có 2 lần nên chị Hương và chồng luôn cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Hiện tại, Babi 4 tuổi và đang đi học mẫu giáo bên Đức. Thời gian đầu đi học, cô bé cũng gặp phải tình trạng bất đồng ngôn ngữ.

Giai đoạn đầu đi học, cô bé Babi mới chỉ biết ê a thôi nhưng chị Hương cũng cảm giác con bị stress vì đi học không hiểu cô và bạn nói gì. Khi về nhà bé nói tiếng Việt với bố mẹ còn đi học lại nói tiếng Đức. Đối với các bé sinh ở châu Âu như Babi thì việc hòa nhập ở Đức cũng như nói tiếng Đức giỏi chỉ là điều sớm hay muộn. Thế nên việc duy trì văn hóa của Việt Nam và để cho bé biết đọc, viết và nói tiếng Việt là điều hai vợ chồng chị Hương phải suy nghĩ rất nhiều. Tuy nhiên, để làm được điều này, chị và ông xã đã thực hiện các cách như sau.

Nhà nội ở Việt Nam, nhà ngoại ở Hungari, gia đình lại ở Đức và đây là cách giúp bé gái không quên tiếng Việt - Ảnh 3.

Cô bé Babi đã 4 tuổi và hiện tại có thể nói chuyện bằng cả 2 thứ tiếng.

Nhà nội ở Việt Nam, nhà ngoại ở Hungari, gia đình lại ở Đức và đây là cách giúp bé gái không quên tiếng Việt - Ảnh 4.

Dù công việc bận rộn nhưng ông xã chị Hương cố gắng dành nhiều thời gian cho gia đình.

- Khuyến khích con nói chuyện hàng ngày với ông bà nội và ngoại: Mình nghĩ thông qua hành động này, bé có thể kể về câu chuyện trong ngày của bé bằng tiếng Việt, việc giao tiếp liên tục sẽ giúp con gia tăng thêm vốn từ cũng như không quên các từ cũ.

- Đọc truyện tiếng Việt trước khi đi ngủ: Mỗi tối mình đều đọc các câu truyện thiếu nhi cho con nghe. Mỗi dịp lễ tết như Tết Nguyên Đán hay Tết Trung Thu mình đều kể cho con nghe cũng như nấu những món ăn truyền thống của những ngày lễ tết đó để sau này con lớn lên sẽ biết nhiều hơn về văn hóa của dân tộc mình.

- Tiếng Việt vẫn được duy trì vì con sẽ sử dụng nó để giao tiếp với bố mẹ cũng như người thân ở Việt Nam.

Nhà nội ở Việt Nam, nhà ngoại ở Hungari, gia đình lại ở Đức và đây là cách giúp bé gái không quên tiếng Việt - Ảnh 5.

Tủ sách của bé Babi có rất nhiều truyện bằng tiếng Việt.

Nhà nội ở Việt Nam, nhà ngoại ở Hungary, gia đình lại ở Đức và đây là cách giúp bé gái không quên tiếng Việt - Ảnh 6.

Mỗi dịp Lễ tết của Việt Nam, chị Hương vẫn duy trì làm các món ăn để giữ gìn nét văn hóa dân tộc.

Hiện tại, cuộc sống của gia đình chị Hương đã dần đi vào ổn định. Bà mẹ 1 con cũng tranh thủ trau dồi tiếng Đức để hòa nhập hơn với cuộc sống tại đây. "Mình đang làm cho 1 công ty của Đức về ẩm thực. Bên cạnh đó mình còn kinh doanh mặt hàng online nữa. Babi hiện tại đã lớn hơn nên mẹ bắt đầu có thể tập trung hơn vào công việc cũng như kế hoạch phát triển cho sự nghiệp sắp tới ở Đức", chị Hương tâm sự.

Chia sẻ