Nghịch lửa trong phòng, hai cháu bé bị mắc kẹt, bỏng nặng

Tuấn Bảo,
Chia sẻ

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa tiếp nhận hai anh em họ L.M.K. và B.M.Q. đều 3 tuổi, trú tại Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An, trong tình trạng bỏng nặng, ngạt khói.

Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhi, hai cháu K. và Q. ở trong phòng ngủ và lấy bật lửa đốt giấy để chơi. Do bất cẩn, đã để lửa cháy chăn, đệm rồi lan vào dây điện làm cháy cả quạt và điều hòa. Do phòng đóng cửa nên hai bé bị mắc kẹt bên trong.

Phát hiện đám cháy, những người trong gia đình lập tức chạy đến tìm cách dập lửa và cứu hai cháu ra ngoài. Tuy nhiên, cả hai cháu đã bị bỏng nặng vùng đầu, mặt, cổ và tay chân.

TS.BS Thái Văn Bình, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng cho biết: Tình trạng của hai bệnh nhi lúc nhập viện khá nặng, bị bỏng độ II, độ III, diện tích bỏng 30% cơ thể. Lúc nhập viện bệnh nhi đau, khóc, tinh thần hoảng hốt, da rộp phỏng nước diện tích khá nhiều, có nhiều chỗ trầy da, sưng nề.

 - Ảnh 1.

Hiện tại, cả hai bệnh nhi đang được theo dõi và điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng. Bệnh nhi đã được các bác sĩ cho sử dụng thuốc giảm đau, dùng kháng sinh ngăn ngừa bội nhiễm vi khuẩn, làm sạch và băng bó vết thương.

Qua đây, TS.BS Thái Văn Bình khuyến cáo: Trẻ em thường hiếu động, phụ huynh cần chú ý đến hoạt động vui chơi của con, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Khi phát hiện người bị bỏng, người dân cần:

- Nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng.

- Dùng nước để dập lửa, cởi bỏ quần áo, giày dép bị bắt cháy nếu có thể.

- Xả dưới vòi nước mát vùng bỏng trong vòng 30 phút ngay sau khi bị bỏng (nếu để sau 15.-.20 phút sẽ không có tác dụng).

- Dùng băng gạc quấn vùng bỏng và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất.

- Tuyệt đối không làm vỡ đám rộp nước, bôi bất cứ dầu, mỡ, kem đánh răng, rượu, muối, bùn… lên vết bỏng, tránh làm nhiễm khuẩn vết thương, gây di chứng nghiêm trọng sau bỏng.

Nghịch lửa trong phòng, hai cháu bé bị mắc kẹt, bỏng nặng - Ảnh 2.

 

Chia sẻ