Nắm bắt tâm lý thời kỳ dễ nổi loạn ở trẻ

Ngọc Trang,
Chia sẻ

Trẻ có những thời kỳ để nổi loạn nhưng phức tạp nhất có lẽ là tuổi dậy thì.

Nắm bắt tâm lý thời kỳ dễ nổi loạn ở trẻ - Ảnh 1.

Cha mẹ hãy cho con cảm thấy được tôn trọng thay vì những “mệnh lệnh”. Ảnh minh họa.

Do đó, cha mẹ cần nắm bắt được sự phát triển ở từng độ tuổi của con để “điều trị” thích hợp.

Nổi loạn từng giai đoạn

Từ hai tuổi là độ tuổi mà trẻ bắt đầu biết tự ý thức. Nhiều trẻ ở độ tuổi này thường rất hay nói “không” để đáp lại yêu cầu của người lớn. Ví dụ như “Ngủ!” - “Không ngủ!”, “Ăn đi!” - “Không ăn!”, “Con chào đi!” - “Không chào!”…

Cô Nguyễn Thị Phương, Trường Mầm non Thực hành Hoa Hồng (Hà Nội) cho rằng, trước khi yêu cầu trẻ, hãy cho con hai sự lựa chọn. Ví dụ như “Con muốn ăn cơm hay cháo?”, “Bây giờ chúng ta đi hay 5 phút nữa?”, “Con thích mặc váy hay quần áo?”…

Quan trọng hơn cả là người lớn không nên dùng giọng ra lệnh để trò chuyện cùng con. Ví dụ như: “Không được sờ vào đấy, không được ném,…!”. Thay vào đó, hãy nói với trẻ theo cách đưa ra hệ quả để con hiểu. Đó là “con đừng sờ vào ổ điện sẽ bị giật chết người, con không ném đồ chơi vì hỏng là sẽ không được chơi nữa,…”.

Sau khi trẻ vào tiểu học, những người trò chuyện chủ yếu không còn là người thân, hàng xóm nữa mà là bạn học và giáo viên. Trẻ sẽ cảm thấy mình lớn rồi, có thể tự quyết định, muốn thoát khỏi sự khống chế của cha mẹ, thế nên trẻ sẽ trở nên thích “cãi lại” người lớn.

Theo cô Phương, trường hợp này, cha mẹ nên thể hiện quyền lực một cách vừa phải, có những việc trẻ có thể tự làm thì cứ để trẻ làm. Hãy cho con cảm thấy được tôn trọng và khẳng định.

Căng thẳng nhất đối với các bậc làm cha mẹ thường ở giai đoạn trẻ dậy thì. Lúc này, nếu người lớn “bỏ qua”, không nắm bắt kịp thời tâm tư tình cảm của các con sẽ rất khó để uốn nắn về sau.

Chị Lê Phương Hà (Đống Đa, Hà Nội) vì quá bận nên không có thời gian quan tâm tới hai con, chủ yếu ở nhà với ông bà. Gần đây, con gái luôn tìm cách xung đột với chị. Nếu chị nói, con nhanh chóng cãi lại hoặc tìm mọi cách để cuộc trò chuyện trở thành xung đột.

Chị muốn con học thêm thi vào lớp 6 trường điểm hay đọc những cuốn sách dành cho trẻ em thì con gái sẽ cố tìm mọi cách để làm ngược lại. Bé thích tìm hiểu sách báo, tập san, âm nhạc, thời trang… mà chị cho rằng đó là của người lớn. Chị thấy con luôn chống đối lại mình, có những ngày hai mẹ con không nói được với nhau câu nào hoặc cứ nhìn thấy nhau là khó chịu.

Trường hợp của Trần Quang Minh (học sinh lớp 8 ở Long Biên, Hà Nội) cũng tương tự. Cha mẹ luôn cho rằng Minh là đứa trẻ hư, hay cãi lại người lớn. Nhưng Minh cho rằng, cha mẹ thích “can thiệp quá sâu” vào học hành, cuộc sống của con cái rồi áp đặt toàn bộ suy nghĩ của người lớn mà không tôn trọng con. Mẹ của Minh liên tục nói sau này con phải thi chuyên ngoại ngữ rồi ăn mặc thế này, thế kia. Thậm chí, kiểu tóc, cách kết bạn cũng được mẹ lập trình sẵn khiến Minh có xu hướng chống đối lại.

Cứ như vậy, gia đình lúc nào cũng “náo loạn” chỉ vì xung đột của con tuổi dậy thì với cha mẹ.

Nắm bắt tâm lý thời kỳ dễ nổi loạn ở trẻ - Ảnh 2.

Cha mẹ không nên áp đặt toàn bộ suy nghĩ của người lớn cho con. Ảnh minh họa.

Thử thách cho cha mẹ

Theo chuyên gia, khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, do tâm lý vẫn còn chưa phát triển đầy đủ, bất ổn định, nên trẻ thường xuyên cảm thấy thất bại, ở trong trạng thái lo âu. Trẻ em bước vào tuổi dậy thì thường nổi loạn, nóng nảy, thiếu kỷ luật. Trong đó, vấn đề lớn nhất giữa trẻ và cha mẹ là khó khăn trong giao tiếp. Đa phần phụ huynh than vãn và chỉ trích con cái.

Tuy nhiên, cũng như những giai đoạn phát triển khác, đây là một thử thách dành cho cha mẹ trong việc nắm bắt tâm lý con trẻ và đưa ra những giải pháp phù hợp để có thể hạn chế nguy cơ xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Cô Nguyễn Thị Loan, Trường THCS Phan Chu Trinh, Hà Nội chia sẻ, trẻ trong độ tuổi dậy thì là giai đoạn “người lớn không ra người lớn, trẻ em không ra trẻ em” nên không hiểu được chính bản thân mình, dễ sa đà vào những thói quen xấu hay có suy nghĩ lệch lạc.

Một số em thích thể hiện, chứng tỏ bản lĩnh. Trong khi một số em khác lại sợ bị cô lập, tẩy chay vì không đi theo phong cách nổi loạn, khác biệt của tập thể. Chính vì thế, tự bản thân các em vô tình kéo mình và bạn bè vào vòng sa ngã mà không hay.

Trong thời kỳ này, trẻ rất trọng thể diện, lòng tự tôn rất mạnh, vô cùng dễ bị ảnh hưởng từ bạn bè và làm những việc thách thức cha mẹ. Vào thời kỳ này, nếu cha mẹ muốn ép con nghe lời bằng “uy quyền” thì gần như chắc chắn là sẽ khiến tâm lý nổi loạn của con càng mạnh thêm. Cha mẹ cần cố gắng ít can dự vào việc của con, hãy cho con không gian độc lập. Với những chuyện nhỏ nhặt không đáng thì nên bỏ qua mà chỉ chọn những vấn đề quan trọng nhất để chia sẻ.

Đặc biệt, với độ tuổi này, nói dài dòng chỉ khiến trẻ bức xúc. Vì vậy cần tập trung vào đúng nội dung để đạt hiệu quả. Đặc biệt cần ủng hộ con tự mình trải nghiệm, cổ vũ và an ủi khi con thất bại, khẳng định và khen ngợi khi con thành công.

Ngoài ra, cha mẹ có thể cho con xem một số những quyển sách tích cực. Bên cạnh đó, hãy đưa con đến nhiều nơi khác nhau để con tiếp xúc với nhiều người, đưa con đi cảm nhận… Mục đích nhằm cho con một môi trường giao tiếp xã hội lành mạnh. Không những vậy, cha mẹ cần yêu thương nhau, không khí gia đình càng căng thẳng thì trẻ càng dễ nổi loạn.

“Sự nổi loạn đối với trẻ là cơ hội để nhận thức và phát triển bản thân. Vì vậy, cha mẹ cần bình tĩnh đón nhận, dẫn dắt con một cách đúng đắn, cùng con học tập, cùng con lớn lên. Trong suốt thời gian con trưởng thành độ tuổi nổi loạn của trẻ sẽ thay đổi theo từng giai đoạn rất cần sự nhận biết của bố mẹ để giáo dục tốt hơn”, cô Loan nhấn mạnh.
Chia sẻ