Tuyệt chiêu của hai bà mẹ

Theo Đẹp,
Chia sẻ

Mỗi lần đi khám bệnh hay tiêm phòng, mẹ Phích và mẹ Nấm không bị khổ sở vì phải chứng kiến cảnh con mình khóc lóc. Ngược lại, các bé tỏ ra rất tin cậy và hợp tác với bác sĩ. Hai bà mẹ này có tuyệt chiêu gì vậy?

Chuyện của Phích
 
Nửa đêm, Phích (3 tuổi) ngạt mũi, ho và bị tỉnh giấc. Phích không khóc mà thều thào gọi mẹ: “Con ốm giống thỏ trắng rồi, mẹ ơi! Mẹ gọi bác sĩ đến khám cho con đi!”. “Để mẹ cặp sốt cho con xem sao đã nhé” - mẹ Phích thì thầm. Nhưng, cậu con trai bé bỏng vẻ rất sốt ruột: “Phải là bác sĩ cơ, mẹ ơi! Bác sĩ Grosset của thỏ trắng đến khám, bảo bạn ấy há mồm ra thế này này... Rồi bác sĩ bảo họng của bạn ấy bị đỏ...”.
 

Ôm Phích vào lòng, mẹ thủ thỉ: “Con uống thuốc hạ sốt đã nhé! Bác sĩ vẫn dặn con uống khi người con sốt như thế này mà. Sáng mai, nếu con còn mệt, mẹ con mình sẽ đi khám, được không?”. Phích ngoan ngoãn uống thuốc rồi ngủ thiếp đi. Bé không sợ, mà ngược lại rất “mê” bác sĩ nhi của mình giống như bạn thỏ trắng trong câu chuyện “Thỏ trắng bị ốm” vẫn được bác sĩ Grosset chăm sóc.

Đây không phải là lần đầu tiên Phích đòi mẹ gọi điện cho bác sĩ để được khám bệnh. Mấy hôm trước, khi đi ngang qua phòng khám răng mà Phích đã từng tới khám, cậu cứ hỏi mẹ sao mãi mà chưa đi khám định kỳ. Cu cậu thích lại được nằm trên chiếc “ghế đu quay” lên cao, xuống thấp... Phích không sợ phòng khám, không sợ bác sĩ, thậm chí còn thích. Mẹ Phích có tuyệt chiêu thưởng - phạt gì chăng?

Không, chẳng bao giờ mẹ Phích dỗ dành con đến phòng khám bằng cách thưởng bánh kẹo hay đồ chơi. Và cũng chưa bao giờ mẹ dọa sẽ phạt bé nếu bất tuân. Mẹ Phích chỉ cùng bé đọc những cuốn sách về chủ đề khám bệnh. Những hình ảnh trong sách đã giúp Phích có những khái niệm đầu tiên về bệnh viện, bác sĩ, y tá... Mẹ luôn dạy Phích quan sát những bức tranh minh họa thật kỹ rồi giải thích cho cậu... Chẳng hạn, mẹ chỉ vào chiếc ghế ở phòng khám răng và dặn bé rằng: “Nếu mai mốt phải đi gặp bác sĩ nha khoa thì con đừng sợ mà cứ ngồi lên chiếc ghế to đùng này nhé. Rồi chiếc ghế sẽ được bác sĩ nâng lên, hạ xuống, cho ngả về phía sau hoặc tiến về phía trước... Nên con sẽ thấy cũng giống như được chơi đu quay ấy!”. Vậy là Phích nhớ mãi, và bé gọi chiếc ghế đặc biệt này là “ghế đu quay”.

Ngoài sách kiến thức, mẹ Phích còn hay tìm mua và đọc cho bé nghe các câu chuyện đời thường về thỏ trắng, chuột bông, hay các bạn cùng tuổi với bé... Cũng giống Phích, các bạn đó cũng có lúc bị sốt, đau bụng,... Và bạn nào cũng được đưa tới phòng khám cho bác sĩ chăm sóc. Các bác sĩ và các cô y tá đều dễ thương, tốt bụng. Nhờ thế mà các bạn đều mau chóng khỏe mạnh.


Chuyện của Nấm

Khi mẹ đưa Nấm (chưa được 2 tuổi) đi khám bệnh hay đi tiêm vắc xin, tuy cũng hợp tác với bác sĩ nhưng bé thường mếu máo nhìn bác sĩ với vẻ lấm lét. Mỗi lần bác sĩ đưa chiếc ống soi để khám tai, mũi, bé cứ co rúm lại. Kiểu này, lớn chút nữa chắc bé sẽ “nói không” với bác sĩ mất, mẹ Nấm nghĩ. Thế rồi mẹ bèn ra shop đồ chơi mua về cho Nấm một bộ đồ nghề bác sĩ. Về nhà, mẹ cầm từng món (nhiệt kế, ống nghe, ống soi, kim tiêm, bông băng, dao, kéo...) lên và giảng giải về công dụng cho bé nghe. Ngày nghỉ cuối tuần, bố mẹ và Nấm lại cùng chơi trò bác sĩ. Lúc thì Nấm làm bệnh nhân, lúc thì Nấm làm bác sĩ. Kể từ đó, Nấm cởi mở hơn với bác sĩ. Thậm chí bé còn trao đổi “nghiệp vụ” cùng với bác sĩ nữa.

Dịp Giáng sinh năm 3 tuổi, Nấm đã “viết thư” xin ông Noel một chiếc blouse trắng. Bộ đồ nghề bác sĩ quả là một sự “đầu tư” hiệu quả. Khi không có bố mẹ chơi cùng thì Nấm tự lấy ra để khám cho “bạn người bông” hay các bạn thỏ, rùa, gấu... Trước khi tiêm “bạn người bông”, Nấm thủ thỉ: “Chỉ hơi nhói một chút thôi”. Bé biết dỗ bạn thỏ há mồm thật to để khám rồi kết luận: “Họng của cháu rất đỏ, cháu bị viêm họng rồi”. Bé đeo ống nghe vào bảo bạn gấu: “Nào cháu, hít sâu vào...”. Có lúc, mẹ còn nghe thấy Nấm phán: “Cháu bị viêm tai rồi, phải uống thuốc kháng sinh...”.

Trò chơi bác sĩ, không chỉ khiến bé tin tưởng bác sĩ hơn mà còn giúp bé khám phá “sự thật”. Chẳng hạn như không có chuyện tiêm là không đau mà ít nhất là “hơi nhói”. Thông qua việc đóng giả bác sĩ và bệnh nhân với con gái, bố mẹ Nấm cũng tranh thủ giải thích được nhiều điều cho con. Ví dụ, bố bảo Nấm há mồm ra, lấy dụng cụ khám răng gõ gõ vào một chiếc răng rồi giải thích rằng nếu như răng bị sâu, bác sĩ nha khoa sẽ phải tiêm thuốc tê, khoan bỏ phần răng sâu rồi hàn chỗ đó lại. “Có thể bác sĩ làm con đau, nhưng chỉ một lát thôi. Bác sĩ làm đau nhưng để chữa khỏi chiếc răng sâu cho con”...


Trẻ luôn biết lắng nghe, thu nạp và bắt chước. Chả thế mà khi Nấm làm “bác sĩ”, bé luôn nói lại những điều đã biết với “bệnh nhân” của mình. Nhờ thế mà bản thân bé khi đi khám bệnh cũng tự tin hơn rất nhiều.
 
* Một số đầu sách các mẹ có thể tham khảo:
 
“Thỏ trắng bị ốm”
"Để em lớn lên trong vòng tay âu yếm"
“Đi khám bệnh”
“Gặp nha sĩ”
"Những kinh nghiệm đầu tiên"
"Câu lạc bộ Mickey”
“Chuột bông bị ốm”
“Bác sĩ là bạn con”
“Bác sĩ Daisy”
“Caillou bị bệnh”
Chia sẻ