TS Trịnh Hòa Bình: Con trai Jennifer - Quang Dũng bị đứt gãy nhiều

Theo Phunutoday,
Chia sẻ

Những biến cố gia đình luôn có sức tác động lớn tới mọi thành viên. Đặc biệt, tâm lý trẻ em đang trong giai đoạn hình thành nhân cách càng chịu ảnh hưởng nhiều hơn. TS Tâm lý Trịnh Hoà Bình đã có cuộc trao đổi về vấn đề này và chia sẻ thêm về trường hợp của bé Bảo Nam.

PV: - Trong xã hội hiện nay, người ta ly hôn nhiều hơn và nhẹ nhàng hơn; cả 2 đều có trách nhiệm chăm sóc con cái. Lý thuyết là thế nhưng trên thực tế, con cái có bố mẹ ly dị nhau phải chịu nhiều tác động từ hoàn cảnh sống đến những tác động tâm lý hình thành nhân cách của trẻ. Là 1 chuyên gia, xin anh hãy nói rõ hơn điểm này?

TS. Trịnh Hoà Bình:- Tính cách ông bố, tính cách người mẹ thường khảm vào trong trí nhớ, ý thức và tình cảm của đứa trẻ.

Người ta thường lấy ví dụ là mạnh mẽ như người cha, thiết tha như người mẹ. Khi bị thiếu hụt một trong hai phía thì thường đứa trẻ cũng bị khuyết đi những nét phẩm chất hoặc của cha hoặc ở mẹ.

Thường với những đứa trẻ này, người nuôi chúng thường lấy một ai đó trong gia đình để làm hình mẫu cho người còn thiếu. Họ xã hội hoá theo mô hình ấy.

Mặc dù người ta không nói ra miệng nhưng trên thực tế vẫn có, ví dụ như ông chú, bà bác trở thành một người bảo trợ về mặt tinh thần hay hiện hình thay thế về mặt tính cách, hoặc nam hoặc nữ đang khuyết thiếu.

Trên thực tế dù có dùng người nào đi chăng nữa thì vẫn không thể được toàn vẹn như khi có đủ cả cha lẫn mẹ. Những đứa trẻ trong môi trường đó vẫn thường cảm thấy thiếu và luôn phải đi tìm một cái gì đó. Chúng lấy từ hình ảnh, từ biểu tượng.

Từ trong sâu xa, chúng vẫn muốn có một mái ấm đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Sự thiếu hụt này là không mong muốn và trong những đứa trẻ này vẫn có những sự mặc cảm nhất định trong quá trình lớn lên. Họ thường mặc cảm với chính cộng đồng xã hội, mặc cảm với chính người cha/mẹ đã không thường xuyên chăm lo cho nó.

Thông thường người ta sẽ tìm cách vượt qua bằng cách lao động học hành rồi dung nạp thêm những thuộc tính, phẩm chất mình bị thiếu vì không có sự chăm sóc đầy đủ của cả cha và mẹ.

Bé Bảo Nam, con trai của Quang Dũng và Jennifer Phạm đã được đưa sang Mỹ sống cùng bà ngoại sau khi bố mẹ chia tay

PV:- Bố mẹ đều là người nổi tiếng, kinh tế khá giả nhưng đó không hẳn là lợi thế mà ngược lại, bố mẹ càng nổi tiếng mà ly dị thì sức tác động tâm lý đến đứa trẻ càng lớn. Theo anh, sự tác động này tới bé Bảo Nam của Jennifer và Quang Dũng ra sao? tác động của nó tới sự hình thành nhân cách của bé Bảo Nam?

TS. Trịnh Hoà Bình:- Thường thì những điều kiện này khiến cho bé không được phát triển một cách bình thường.

Ví dụ như áp lực của dư luận về sự nổi tiếng của cha và mẹ bé lớn quá.

Đối với bàn dân thiên hạ hoặc đối với chính đứa trẻ thì người cha đã ra khỏi gia đình (trong trường hợp này có thể hiểu là ca sỹ Quang Dũng - PV) trong cùng một lúc vừa toả bóng xuống đứa trẻ vừa rất xa xôi.

Điều này làm cho đứa trẻ rất khó cắt nghĩa tại sao những người rõ ràng là tốt mà lại không ở được với nhau, có điều gì thiếu sót từ phía nó, hay nó bị trừng phạt gì, hoặc nhìn nhận về bố mẹ đứa trẻ hay chính nó bị méo mó.

Đứa trẻ cũng rất khó khăn để lấp đầy những thiếu hụt này. Hoặc nó sẽ xù lông lên để có một cái nhìn kiêu hãnh (cho dù là kiêu hãnh giả tạo) làm sức đề kháng phản ứng lại sự mong mỏi của xã hội về nó.

Bình thường theo ý thức của nó thì lẽ ra nó phải được thừa hưởng phần nào đó sự nổi tiếng của cha mẹ, nhưng trong thực tế thì đứa trẻ lại chịu gia tăng áp lực. Điều đấy cũng tác động vào hệ ứng xử, phản ứng của đứa trẻ trước đời sống xã hội.

PV:- Sau khi Jennifer và Quang Dũng chia tay nhau, bé Bảo Nam được gửi sang cho bà ngoại bên Mỹ nuôi. Mẹ của bé là người nổi tiếng và cũng có nhiều tai tiếng. Một năm Jennifer vài lần sang Mỹ thăm con, thời gian còn lại, cô ở Việt Nam để gây dựng sự nghiệp, tạo danh tiếng cho mình. Theo anh, hành xử như vậy có được coi là người mẹ tốt không?

TS. Trịnh Hoà Bình:- Tôi cho là rất có thể cô ấy nhìn nhận rằng miễn là cô ấy đem lại cho con mình đời sống sung túc, không bị thiếu đói mà thậm chí là dùng đồ xịn và sống trong môi trường thân thiện là tốt rồi.

Có thể người ta nghĩ phiến diện rằng như vậy đã là hoàn chỉnh. Nhưng sự thiếu hụt về mặt tình cảm sẽ làm đứa trẻ bị khúc xạ, biến hình, khác nó đi, nói theo nghĩa triết học là nó bị tha hoá, không được phát triển đúng như nó phải phát triển.

PV:- Bé Bảo Nam xa cả mẹ lẫn bố, ở với bà ngoại chỉ vì bố mẹ ly dị nhau chứ không phải vì hoàn cảnh nghèo khó bắt buộc. Điều này có tác động gì tới sự hình thành nhân cách của bé Bảo Nam?

TS. Trịnh Hoà Bình:- Trong trường hợp này thì bé Bảo Nam bị đứt gãy rất nhiều.

Nó đã thiếu vắng cha rồi, mẹ nó lại giành giật lấy chứ. Nhưng mẹ nó cũng lại không có điều kiện nuôi dạy, lại gửi cho bà. Như vậy, Bảo Nam đã thiếu hụt tất cả.

Đứa trẻ buộc phải đọc hình bóng của cha mẹ nó qua người bà. Người bà nếu có đầy đủ theo nghĩa toàn bích văn hoá Việt Nam thì cũng ổn, nhưng rất có thể chính người bà cũng bị đứt gãy, bị thiếu hụt. Tôi không muốn nói trẻ con nó bị què quặt nhưng chắc chắn sẽ thiếu hụt ở đâu đấy.

Cái thiếu hụt ấy không dễ dàng lấp đầy được bằng đọc sách, bằng tìm tòi trên con đường học hành sau này. Tất nhiên, thông qua giao tiếp rồi khoảng trống đó cũng có thể được bù lấp, nhưng tôi dám chắc không thể lấp được đầy hoàn toàn.

PV:- Jennifer Phạm nhận được danh hiệu Bà mẹ của năm trong khi việc chăm con chưa được vẹn toàn?

TS. Trịnh Hoà Bình:- Theo tôi cách bình chọn ấy bị thiếu hụt. Nó xuất phát từ cách quan niệm riêng nào đó, thành ra phiến diện.

Tất nhiên, do điều kiện người ta không thể túc trực bên cạnh đứa con được, điều đó là bất khả kháng nhưng người mẹ trong trường hợp này bình thường ra phải để đứa con ở trong vòng tay của mình, trong hơi ấm, trong một phạm vị nhất định.
 
Việc Jennifer Phạm được bình chọn là Bà mẹ của năm đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận.


PV:- Trong nghề của anh, anh phân biệt bà mẹ nghệ sĩ, bà mẹ công chức hay bà mẹ nông dân có khác nhau nhiều không?

TS. Trịnh Hoà Bình:- Bà mẹ nào trước tiên cũng phải là bà mẹ của đứa con đó. Chứ còn nếu xuất phát từ đặc thù nghề nghiệp thì tính chất mối quan hệ có thể thay đổi, biến thái đi.

Nhưng đã nói người mẹ là nói tới sợi dây mẫu tử thiêng liêng vì phải gắn nhiều hơn với đứa con. Người mẹ có thể hi sinh mối quan hệ này, mối quan hệ kia để đến với đứa con.

Hoặc là vì một lí do to lớn nào đó, ví dụ như hoạt động cách mạng, vì hi sinh cho nghĩa lớn, vì lợi ích cả cộng đồng xã hội thì người ta có thể vượt qua cái đó chứ còn nếu chỉ vì nhu cầu kiếm sống, những hoạt động bình thường thì tất cả những hình thức xa rời đó đều không đáng xảy ra.
 
PV:- Có nghĩa rằng những đứa trẻ đâu có phân biệt mẹ chúng làm nghề gì? Với chúng, mẹ chỉ là mẹ mà thôi?

TS. Trịnh Hoà Bình:- Mẹ chỉ là mẹ thôi! Đến lúc nào đó nó bắt đầu kỳ vọng, bắt đầu biết kiêu hãnh về người bố người mẹ thì là nó bắt đầu đạt đến một độ chín mới.

Ví dụ như cậu con trai bé tí của tôi nó chỉ biết là "Hôm nay bố lên ti vi", thế xong bố xuống ti vi thì bố về nhà. Lên ti vi tức là ở trên ấy, nó cũng có niềm tự hào nho nhỏ.

Nó nói là "Tại sao con gọi bố không nghe, bố không quay ra với con". Nó có vẻ khoái khoái thôi chứ còn chưa có ý thức.

Đặc biệt đối với mẹ thì nó rất thích ở với mẹ, kể cả trẻ em gái hay trẻ em trai thì đều rất thích được mẹ ôm.

PV:- Tôi còn nhớ có một cảnh trong bộ phim Mama Mia, cô bé diễn viên chính 16 tuổi có nói với mẹ của mình rằng: "Dù mẹ có ngủ với hàng trăm người đàn ông thì mẹ vẫn là mẹ của con…". Anh nghĩ sao về điều này?

TS. Trịnh Hoà Bình:- Cái lời ấy nó quá sức giông bão. Nó đã mang tính cách phát biểu đầy giông bão.

Nhưng điều ấy cho thấy một chân lý, tức là mẹ luôn là người chở che, là hình mẫu, người đưa lại ánh sáng cho nó.

Nó bất chấp tất cả, mẹ nó có thể sa hầm sảy hang, không thuộc thước đo chung của cộng đồng nhưng đối với nó cứ vẫn luôn luôn là nguồn động viên.
Chia sẻ