Trẻ hát "bài người lớn" dễ bị hỏng dây thanh

,
Chia sẻ

Trẻ vị thành niên, nhất là các cháu nhi đồng, nếu thường xuyên hát bài người lớn không chỉ bị ảnh hưởng xấu về tâm lý, mà còn có thể hỏng dây thanh và mất giọng.

Đây là kết quả nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Y khoa số tháng Tư của bác sĩ Lý Hồng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Tân Kiều, Trùng Khánh, Trung Quốc. Bác sĩ Hồng cho biết, bài hát của người lớn thường được viết ở âm độ cao, âm vực rộng, gây áp lực lớn cho dây thanh, nên không phù hợp với trẻ em. Nếu trẻ thường xuyên hát như vậy, dây thanh có thể bị sung huyết hoặc phù nề, ảnh hưởng xấu đến việc phát âm của trẻ.
 
Theo nghiên cứu của bác sĩ Hồng, cứ 10 trẻ vào viện điều trị bệnh liên quan đến họng và giọng nói, thì có tới 6 bé từng thường xuyên hát bài hát người lớn. Đáng chú ý là hiện nay có nhiều trẻ em thích hát bài người lớn, và chúng còn được bố mẹ cổ vũ.
 
Trẻ hát bài người lớn thường xuyên dễ mất giọng.

Chị Vương ở khu Sa Bình, thành phố Trùng Khánh, có cậu con trai 14 tuổi thường xuyên bị viêm họng. Gần đây thấy con phát âm khó khăn, giọng nói bị khản đặc, chị đưa con đến Bệnh viện Tân Kiều khám mới biết mọi sự do chính vợ chồng chị gây nên. Cậu con trai vốn thích hát từ bé. Chị Vương và chồng cho rằng, con có năng khiếu ca hát bẩm sinh. Với hy vọng con trai lớn lên trở thành ca sĩ nổi tiếng, họ đã mua hàng tá đĩa DVD - Karaoke bài hát người lớn về, yêu cầu con trai mỗi ngày dành một tiếng đồng hồ để “luyện giọng”. Cậu bé chưa kịp thành tài, đã mang tật. Các bác sĩ điều trị cho biết, dây thanh của cậu bé biến dạng, có rất ít cơ hội phục hồi. Cậu bé có thể sẽ mang giọng nói khàn khàn suốt đời.

Để giữ cho trẻ có giọng nói bình thường, nhất là ở giai đoạn “vỡ tiếng”, theo bác sĩ Hồng, phụ huynh cần tránh để trẻ hát những bài không phù hợp với lứa tuổi, hoặc để bé gào thét, nói to, nói nhiều trong thời gian dài. Ngoài ra, các bé cần tránh những thức ăn đồ uống quá lạnh, quá chua hoặc quá cay, không sử dụng quá sớm các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia. Khi yết hầu bị khô rát, hay sưng tấy, cần hạn chế trẻ nói.
 
Theo Đất Việt/China Youth Daily
Chia sẻ