Trẻ con “thuộc bài” rất nhanh

Minh Hương,
Chia sẻ

Một lần, đang nấu cơm trong bếp, chị Hiền giật mình khi nghe cô con gái của mình nói rành rọt: “Bi ơi, chúng mình chơi trò vợ chồng đi. Em yêu anh”.

Nhìn thấy xe của chồng dựng trước cửa, chị Hiền mừng lắm vì hai bố con đã đưa đón nhau về rồi đây. Ấy thế mà vừa dựng xe chưa kịp bước vào nhà chị đã giật mình khi nghe giọng cô con gái 3 tuổi the thé: “Bố không nghe lời con thì bố đi đi, đi khỏi cái nhà này nhanh lên”. Bực mình vì con cái mà hỗn hào, chị Hiền định chạy nhanh vào mà mắng cho con một trận, thế rồi chị lại nghe giọng chồng thỏ thẻ: “Ai dạy con nói thế?”, và con gái chị cũng hồn nhiên trả lời: “Lần nào cãi nhau bố cũng nói vậy với mẹ còn gì”. Đã không xấu hổ thì chớ, đằng này chồng chị còn cười lớn tiếng: “Ôi con gái tôi thông minh quá”. Chồng chị Hiền vốn rất nóng tính với mọi người, kể cả với vợ, nhưng riêng với cô con gái rượu thì anh lại rất chiều. Định bụng sẽ nhắc nhở anh không nên để con học theo những câu nói như vậy nhưng nghe tiếng hai bố con ríu rít cười mà chị lại xuề xòa cho qua.
 

Một lần khác, khi cả nhà cùng xem chương trình hoạt hình mà bé Bông yêu thích, vợ chồng chị Hiền vô tình kể chuyện ở công ty và cười rất xôm thì bỗng nhiên bé Bông đứng phắt lên ghế. Quay sang nhìn cả hai bố mẹ đang mải cười, Bông quát: “Cả hai có im đi không, dán băng dính vào miệng bây giờ. Mất trật tự”. Hỏi ra mới vỡ lẽ, ở lớp có bạn nào khóc nhè là cô giáo sẽ nói như vậy.

Một lần khác, bố mẹ Bống đang mải tranh luận đến hồi căng thẳng về chuyện tiền nong, biếu xén quà cáp thì cũng thấy Bống trèo lên đứng giữa và tát vào má bố lẫn mẹ. Bống còn “nhắc nhở” thêm một câu:“Bà nội bảo, bố mẹ cãi nhau thì tát cho mỗi người một phát”.

Ở đây, Bống rất “thuộc bài”, nhưng chỉ là thuộc như một con vẹt chứ không hiểu bản chất vấn đề. Đáng lẽ ngay lúc này, bố mẹ Bống phải nhắc nhở và giảng giải cho con thì con mới hiểu và sửa chữa. Nhưng thay vì làm vậy, bố mẹ Bống lại dẹp hết vấn đề cá nhân của mình mà “tự hào” với con gái, tán dương con với những câu đại loại như: “Con gái mẹ giỏi quá”, “con gái bố có trí nhớ tốt quá”… Thái độ này vô tình làm cho con nghĩ rằng mọi thứ con nói, con làm đều đúng.
 

Gần nhà Bống có bé Bi. Bi cùng tuổi và học cùng lớp với Bống, thế nên Bi rất hay sang nhà Bống chơi. Một lần, đang nấu cơm trong bếp, chị Hiền giật mình khi nghe cô con gái của mình nói rành rọt:“Bi ơi, chúng mình chơi trò vợ chồng đi. Em yêu anh”.

- Bi không biết chơi

- Bi nằm xuống đây, ôm người Bống thế này này, nhớ nhớ...

- Ờ ờ

- Mình phải hôn nhau nữa…

Nghe đến đây thì chị Hiền tá hỏa, chị biết nguồn cơn của cái “trò vợ chồng” kia từ đâu ra. Dù đã rất ý tứ với con, nhưng nhiều khi vợ chồng chị vẫn nằm ôm nhau trước mặt con. Nếu con có hỏi là thế nào anh chị cũng nói: “Bố mẹ chơi trò vợ chồng, con còn bé chưa chơi được”. Thế mà không ngờ con chị lại rủ bé Bi hàng xóm chơi trò này.

Đến nước này thì vợ chồng chị Hiền giật mình nhận ra cần phải xem lại cách dạy con của mình. Có thể bé Bông rất thông minh, nhưng không có nghĩa là để bé tự phát triển tư duy như vậy. Tâm hồn trẻ con như tờ giấy trắng, tính cách và tư duy của trẻ hình thành cũng là do định hướng và tác động của gia đình, xã hội. Đừng vì một chút tự hào không đúng lúc mà quên đi nhiệm vụ cao cả của người làm cha mẹ là định hướng nhận thức cho con.
Chia sẻ