Trẻ bị ẩn tinh hoàn nên được mổ sớm

,
Chia sẻ

Thấy bụng cậu con trai 10 tuổi xuất hiện khối u cứng, chị Ninh (Hải Dương) vội vàng đưa con đi khám. Bác sĩ cho biết cháu bị khối u ác tính, một biến chứng của bệnh ẩn tinh hoàn.

Theo bác sĩ Nguyễn Danh Tình, Phó trưởng Khoa ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương, trường hợp con chị Ninh là bị ẩn tinh hoàn từ nhỏ, nhưng vì không mổ để hạ tinh hoàn xuống bìu mới dẫn đến khối u.

Ẩn tinh hoàn là bệnh thường gặp ở các bé trai. Tinh hoàn không nằm trong bìu mà ở ổ bụng, ống bẹn..., có thể bị một hoặc cả hai bên. Nguyên do là trong những tháng đầu của thời kỳ bào thai, hai tinh hoàn nằm phía sau ổ bụng. Khi bào thai phát triển dần lên, tinh hoàn di chuyển dần qua ống bẹn và xuống bìu. Tuy nhiên, vì một lý do trục trặc nào đó tinh hoàn có thể nằm lại trên đường đi mà không xuống bìu.

Bác sĩ cũng cho biết bệnh này không quá nguy hiểm, điều quan trọng là phải phát hiện sớm và mổ kịp thời tránh những biến chứng như con chị Ninh. Lúc này có cắt bỏ khối u cũng không có tác dụng. Ngoài ra, ẩn tinh hoàn có thể có các biến chứng khác như teo nhỏ hoặc xoắn tinh hoàn.
 
Xem ảnh lớn
Khi tắm cho con, cha mẹ có thể kiểm tra xem tinh hoàn của con có vấn đề gì không.

Đây là bệnh dễ phát hiện, vì chỉ cần sờ bìu của trẻ là có thể biết. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ dù biết bệnh của con phải mổ nhưng cũng không đưa đến viện sớm. Lý do là vì sợ trẻ còn nhỏ, động dao kéo vào thì không tốt nên cố đợi con lớn mới đến viện. Trường hợp con chị Lan (Thái Bình) là một ví dụ.

Chị cho biết lúc bé chào đời, chị sờ bìu chỉ thấy tinh hoàn bên phải. Chị có cho cháu đi khám và siêu âm thì bác sĩ bảo cháu bị một tinh hoàn ẩn còn nằm trong ổ bụng, khi nào lớn phải mổ. Nhưng chị sợ cháu còn nhỏ, không chịu được ca mổ. Bây giờ bé nhà chị đã dược 5 tuổi, chị vẫn chưa biết liệu đã nên đưa cháu đi mổ chưa.

Theo bác sĩ Tình, để đến 5 tuổi mà chưa mổ là hơi muộn. "Nhiều bậc cha mẹ có suy nghĩ chờ cho con lớn hơn nữa, đủ sức khỏe mới đi mổ, điều này hoàn toàn sai. Thậm chí có người còn hy vọng tinh hoàn có thể tự xuống bìu mà không cần mổ", bác sĩ nói.

Ở những trẻ có tinh hoàn ẩn, trước 1 tuổi, tinh hoàn có thể tự di chuyển dần xuống bìu. Nhưng sau 1 tuổi, khả năng này là rất thấp. Vì thế các bác sĩ thường khuyên cha mẹ đưa trẻ đi mổ lúc 15-18 tháng tuổi.

Cha mẹ khi tắm cho con nên để ý xem trẻ có đủ hai bên tinh hoàn và có nằm trong bìu cả không. Nếu không thấy thì nên đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa nhi để khám.
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ